Tiếng Việt | English

16/11/2020 - 09:07

Chuyện về những giáo viên dạy nghề

Tay chân lấm lem, cầm chìa khóa, mỏ lếch nhiều hơn cầm viết và phấn trắng - đó chính là công việc thường ngày của giáo viên (GV) dạy nghề tại Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở chính.

1. Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi có dịp tham gia tiết dạy thực hành của thầy Trần Anh Tuấn (GV Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở chính). Tại đây, thầy Tuấn vừa thực hành, vừa giới thiệu từng bộ phận của tủ lạnh để học sinh hiểu về cơ chế hoạt động. Sau khi làm mẫu, thầy Tuấn ra một trò chơi: Em nào tháo ráp các bộ phận tủ lạnh nhanh và chính xác nhất sẽ được mời trà sữa. Trước lời đề nghị hấp dẫn, các học sinh phấn khởi đua nhau tháo ráp từ bộ phận của tủ lạnh chỉ trong vòng vài phút.

Thầy Tuấn là một trong những giáo viên giỏi, chuyên huấn luyện học sinh tham gia các kỳ thi tay nghề cấp tỉnh và quốc gia

Thầy Tuấn bộc bạch: “Đặc thù của dạy nghề là 70% dạy thực hành, 30% dạy lý thuyết. Trong giảng dạy, mỗi GV là một kỹ sư tâm hồn, khơi nguồn cảm hứng cho học sinh; đồng thời, tạo môi trường cho các em phát huy tính chủ động, sáng tạo. Song, để tránh những rủi ro hoặc sai sót xảy ra, giáo viên dạy nghề sẽ làm mẫu, lấy các ví dụ minh họa, giúp học viên có cái nhìn trực quan nhất đối với công việc, sản phẩm mà các em sắp làm”.

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Nhiệt - Điện lạnh tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, thầy Tuấn có công việc ổn định trong một công ty tại TP.HCM. Một lần về quê thăm gia đình, thầy Tuấn được người bạn cho biết Trường Cao đẳng Nghề Long An (Nay Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở chính) đang tuyển GV ngành Điện - Điện lạnh. Vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống nhà giáo, thầy Tuấn quyết định quay về quê hương lập nghiệp. Lúc mới về trường công tác, tổng thu nhập của thầy chỉ vỏn vẹn 1,5 triệu đồng, trong khi đó, mức lương tại TP.HCM gấp 3 lần. Vậy mà, thầy vẫn kiên trì với sự nghiệp trồng người đến hôm nay.

Chưa dừng lại ở đó, thầy Tuấn còn là một trong những GV chuyên huấn luyện học sinh tham gia các kỳ thi tay nghề cấp tỉnh và quốc gia. Để đứng chân vào hàng ngũ GV “chuyên” huấn luyện, thầy Tuấn phải trải qua giai đoạn “khổ luyện” đầy gian nan, vất vả. Theo đó, thầy Tuấn tìm tòi, sáng tạo ra rất nhiều thiết bị đào tạo tự làm và học thạc sĩ ngành Kỹ thuật Nhiệt. Bằng sự siêng năng, ham học hỏi và tâm huyết với sự nghiệp trồng người, thầy Tuấn đoạt nhiều giải thưởng. Và gần đây nhất, thầy Tuấn đoạt giải ba kỳ thi Thiết bị đào tạo tự làm cấp quốc gia và nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Rời tiết học của thầy Tuấn, chúng tôi tiếp tục đến xem tiết dạy của thầy Trần Minh Đức (GV Trường Cao đẳng Long An - cơ sở chính). Sau một lúc ngồi trò chuyện, thầy Đức bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về công việc của một GV dạy nghề.

Thầy Đức hướng dẫn lý thuyết trước khi cho học sinh thực hành

Thầy Đức bộc bạch: “Yêu cầu của GV trường nghề là đào tạo cho đối tượng mà doanh nghiệp trực tiếp sử dụng nên khả năng của GV và chương trình đào tạo của trường phải luôn cập nhật công nghệ tiêu chuẩn, kỹ thuật mới. Vì vậy, đòi hỏi đào tạo nghề phải có sự năng động, gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp; đồng thời, mỗi GV không được an phận mà phải luôn học hỏi, cập nhật thông tin để không bị lạc hậu với những thiết bị công nghệ mới. Có như vậy mới đào tạo được sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, có việc làm tốt”.

Để minh chứng cho lời nói của mình, thầy Đức dẫn chúng tôi đến xem các phòng thực hành được bố trí nhiều trang thiết bị hiện đại, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hơn hết, thầy Đức còn tự hào “khoe”, nhà trường luôn tạo điều kiện cho GV trau dồi kỹ năng tay nghề bằng việc mua các gói cập nhật kiến thức, thông tin trên mạng hay cho GV đi thực tế ở các doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Long An, thầy Tuấn và thầy Đức là những GV dạy nghề tiêu biểu xuất sắc của trường nhiều năm qua. Hai thầy nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành. Thế nhưng, món quà ý nghĩa đối với thầy Tuấn, thầy Đức chính là nhìn thấy học trò của mình có việc làm ổn định, thành công trên con đường học nghề.

Có thể thấy, đặc thù của GV dạy nghề là gắn bó với máy móc, thiết bị, dầu mở, cả ngày mặc quần áo bảo hộ, tay chân lấm lem. Vậy mà những GV dạy nghề vẫn miệt mài, tâm huyết, trách nhiệm trên con đường truyền nghề. Điều này càng khẳng định nghề giáo là một nghề cao quý trong các nghề cao quý./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết