Tiếng Việt | English

30/04/2025 - 07:03

Chuyện về những tác phẩm nghệ thuật đoạt Giải thưởng Nguyễn Thông

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Thông là sự ghi nhận xứng đáng cho những tác phẩm nghệ thuật có nội dung sâu sắc, sáng tạo về hình thức, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tỉnh Long An. Không những tôn vinh giá trị nghệ thuật, giải thưởng còn khơi dậy tình yêu quê hương, con người qua từng trang viết, khuôn hình, giai điệu,... được chắt lọc từ cảm xúc chân thành và góc nhìn riêng của người nghệ sĩ.

Nhà văn Tuyết Mai đoạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Thông năm 2022 với 2 tác phẩm: Cha con và Mùa bông điên điển

Văn học là nơi tái hiện cuộc sống con người

Mang trong mình tình yêu sách và niềm đam mê văn chương từ nhỏ, nhà văn Nguyễn Thị Tuyết Mai (hiện là Chi hội phó Chi hội Văn học tỉnh) không ngừng nuôi dưỡng ngọn lửa sáng tác tác phẩm. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Tuyết Mai đoạt nhiều giải thưởng lớn về thơ và truyện ngắn. Đặc biệt, bà là 1 trong 17 tác giả được trao Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông năm 2022 với 2 tác phẩm: Cha con và Mùa bông điên điển. Văn của Tuyết Mai không cầu kỳ, kiểu cách mà nhẹ nhàng thấm vào lòng người đọc qua từng chi tiết đời thường dung dị nhưng chan chứa cảm xúc.

Nhà văn Tuyết Mai trải lòng: “Viết là cách thể hiện thế giới nội tâm, là nơi tôi lưu giữ những điều quan sát được trong cuộc sống thường ngày. Những suy nghĩ dần tích tụ như lớp trầm tích của phù sa rồi một ngày tự nhiên bật ra thành văn, thành thơ”.

Với tác phẩm Cha con, nhà văn đưa người đọc bước vào một câu chuyện đầy cảm xúc về tấm lòng người thầy cao cả chấp nhận hy sinh hạnh phúc của mình để chăm sóc cho cậu bé. Tình cảm ấy không khác gì những người cha, người mẹ gắn kết ruột thịt.

“Tác phẩm được khơi nguồn cảm hứng từ một chuyến đi Đà Lạt, nơi tôi tình cờ gặp một cậu bé bán hoa với ánh mắt buồn bã, quần áo cũ kỹ. Có dịp trò chuyện, tôi mới biết cha em mất sớm, mẹ đi bước nữa rồi bỏ rơi em. Câu chuyện của cậu bé ám ảnh tôi mãi. Từ chính trải nghiệm đời thường ấy, tác phẩm Cha con ra đời như một lời nhắn gửi về lòng nhân ái, yêu thương và sẻ chia của những tấm lòng cao đẹp vẫn hiện diện giữa đời thường” - nhà văn Tuyết Mai nói.

Khác với Cha con đầy xúc cảm về tình người, truyện ngắn Mùa bông điên điển lại là lời thì thầm dịu dàng về miền ký ức. Nhà văn Tuyết Mai cho biết: “Câu chuyện được khơi nguồn từ quãng thời gian tôi giảng dạy tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh. Suốt 7 năm gắn bó, nơi đây để lại trong tôi nhiều ký ức đẹp. Người dân hiền hòa, mộc mạc, chân tình. Những bữa cơm với gạo đỏ Huyết Rồng, cá lóc nướng trui dầm nước mắm, dưa chua bông điên điển,... cứ thế trở thành hương vị ký ức, đậm đà dấu ấn miền Tây sông nước và cả những mối tình thầm lặng, chưa kịp gọi thành tên".

Mùa bông điên điển như một cách lưu giữ trọn vẹn hình ảnh tuổi thanh xuân, tình cảm chân thành nơi vùng quê nhà văn Tuyết Mai từng sinh sống và dạy học. "Câu chuyện trong tác phẩm là một mối tình có thật mà tôi chứng kiến từ những người đồng nghiệp của mình. Họ dành cho nhau nhiều tình cảm nhưng không ai đủ can đảm để nói ra. Câu chuyện ấy cứ đọng lại trong tôi những xúc cảm và một ngày, tự nhiên chảy thành chữ” - nhà văn Tuyết Mai chia sẻ.

Với nhà văn Tuyết Mai, mỗi tác phẩm đều mang theo một thông điệp ý nghĩa, một lát cắt cuộc sống mà ở đó, người đọc có thể bắt gặp chính mình qua những câu chuyện đời thường. Văn học với bà không chỉ là đam mê mà còn là cách lan tỏa yêu thương, chạm đến những góc khuất nhẹ nhàng nhất trong tâm hồn con người.

58_834_1a60b4b2-2b8d-4357-a807-a2fef0e2c597.jpeg

Nhiếp ảnh gia Phan Thành Nam (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa) tìm đến nghệ thuật bằng một niềm say mê âm thầm nhưng bền bỉ

“Hạt ngọc trời” qua ống kính nhiếp ảnh

Yêu cái đẹp và luôn bị cuốn hút bởi những lát cắt đời thường, nhiếp ảnh gia Phan Thành Nam (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa) tìm đến nghệ thuật bằng một niềm say mê âm thầm nhưng bền bỉ.

Chiếc máy ảnh trở thành "người bạn đồng hành", giúp anh lưu giữ nhịp sống quê hương qua những khung hình dung dị mà sâu lắng. Từ đó, nhiều tác phẩm của anh ghi dấu ấn tại các sân chơi nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Trong đó có tác phẩm Gạo xuất khẩu được trao Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông năm 2022.

Nhiếp ảnh gia Thành Nam bộc bạch: “Là người con của vùng Đồng Tháp Mười, tôi có một tình yêu đặc biệt với cây lúa, hạt gạo và người nông dân. Đó không chỉ là hình ảnh quen thuộc mà còn là niềm tự hào của quê hương. Tôi luôn muốn ghi lại khoảnh khắc lao động chân thật nhất của những con người âm thầm làm nên giá trị cho hạt gạo quê hương vươn xa”.

Gạo xuất khẩu được nhiếp ảnh gia Thành Nam ghi lại vào năm 2012, trong một lần anh ghé thăm công ty sản xuất lúa gạo tại huyện Thạnh Hóa. Giữa không gian lấm tấm bụi cám, ánh sáng mờ đục và nhịp chuyển đều đặn của dây chuyền đóng gói, hình ảnh những công nhân miệt mài lao động bất chợt khiến anh dừng bước. Không chuẩn bị, không dàn dựng, ống kính của người nghệ sĩ đã giữ lại khoảnh khắc giàu cảm xúc và gợi nhiều suy ngẫm.

Gạo xuất khẩu có khung hình đơn giản nhưng tạo cho người xem nhiều liên tưởng. Trong nhà máy, những "hạt ngọc trời" như phát ra ánh sáng kỳ diệu làm cho hình ảnh người lao động hiện lên rõ nét giữa lớp bụi mờ. Bức ảnh bật lên cảm giác đời thường nhưng đầy nhịp điệu. Những bao gạo được xếp ngay ngắn không chỉ tạo nên sự cân đối trong bố cục mà còn gợi lên hơi thở của một nền nông nghiệp đang chuyển mình theo hướng công nghiệp hóa.

Tác phẩm gạo xuất khẩu của nhiếp ảnh gia Phan Thành Nam đoạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Thông năm 2022

Không dàn dựng, tác phẩm như một ghi chép thị giác, nơi mà câu chuyện về hạt gạo được kể bằng ánh sáng, bằng sự lặng lẽ của công nhân và cả âm vang thầm lặng của vùng đất Đồng Tháp Mười. Miền “biển nước nội đồng” mênh mang ấy từ lâu không chỉ là vựa lúa trù phú của cả nước mà còn từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

“Mỗi lần bấm máy là một lần tôi được lắng nghe cuộc sống thì thầm qua khung hình. Khi biết Gạo xuất khẩu được vinh danh, tôi thấy như có ai đó đã hiểu và đồng cảm với tình yêu mà tôi gửi gắm. Đó là niềm vui rất lớn khiến tôi càng trân trọng hành trình mình đang đi” - nhiếp ảnh gia Thành Nam tâm sự.

Qua những tác phẩm như Cha con, Mùa bông điên điển hay Gạo xuất khẩu, người yêu nghệ thuật được sống lại trong những cảm xúc thuần khiết, được đồng hành cùng hành trình sáng tạo đầy cảm hứng của người nghệ sĩ. Việc được vinh danh tại Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng mà còn tiếp thêm nguồn động lực mạnh mẽ để các tác giả tiếp tục sáng tác, cống hiến cho sự nghiệp VHNT nói chung và VHNT Long An nói riêng./.

Thu Thảo - Kiều Thi

Chia sẻ bài viết