Tiếng Việt | English

07/04/2016 - 15:20

Có "gan" làm giàu

Một cô gái trẻ, vóc dáng mảnh mai nhưng mang một hoài bão lớn. Ít ai biết được rằng đằng sau đôi kính cận cùng nụ cười rạng rỡ ấy là những đêm dài thức khuya làm sổ sách, là những ngày tất bật bên máy móc, nhà xưởng, sẵn sàng “xắn tay” cùng bụi bẩn với công nhân. Cô gái ấy là Trương Thị Diệu Huê (SN 1990) - chủ cơ sở chuyên sản xuất phôi máng đèn, tăng phô, dây điện Thiên Huê tại ấp 2, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Cơ sở phôi máng đèn Thiên Huê góp phần tạo việc làm cho thanh niên địa phương

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, Diệu Huê làm kế toán tại một công ty tư nhân. Năm 2013, có người quen sang nhượng lại xưởng sản xuất máng đèn, tăng phô tại TP.HCM nên Huê có ý định tiếp quản lại xưởng.

Ba mẹ Diệu Huê làm ruộng, các chị cũng chẳng ai làm kinh doanh. Vì vậy, đây là một thử thách lớn với cô gái trẻ. Được sự hỗ trợ của người chị từng là công nhân công ty sản xuất máng đèn, Huê mạnh dạn khởi nghiệp với ý chí và lòng nhiệt thành của tuổi trẻ.

“Chiến lược” kinh doanh của Huê là giữ chất lượng sản phẩm ổn định mà giá cả phải chăng, dù tiền lời có ít lại nhưng tạo được uy tín với phương châm “chậm mà chắc”.

Ban đầu, xưởng chỉ nhận những hợp đồng nhỏ - tầm 100 - 200 bộ máng đèn để giao lẻ cho các cửa hàng. Sau 1 năm tích lũy kinh nghiệm, Huê tiếp tục đầu tư thêm máy móc, thiết bị rồi chuyển xưởng về hoạt động tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức cho đến ngày nay.

Với hơn 10 nhân công làm việc và các anh chị trong gia đình hỗ trợ, trung bình mỗi ngày, xưởng sản xuất được 1.500 - 2.000 máng đèn; 500 - 1.000 tăng phô.

Sản phẩm của Thiên Huê hầu hết gia công cho các công ty để lắp ráp và phân phối. Hiện tại, đối tác của Huê có cả các công ty lớn lẫn cửa hàng nhỏ lẻ khắp nơi từ Bắc vào Nam.

Cô chủ trẻ Diệu Huê (đứng) chẳng nề hà bụi bẩn, không phân biệt chủ - thợ, sẵn sàng xắn tay áo hướng dẫn, giúp đỡ công nhân

Thu nhập trung bình của công nhân tại xưởng, bao ăn ở là khoảng 3 triệu-3,5 triệu đồng/tháng. Trong đó, có 2 nhân công là người khuyết tật được Huê tạo việc làm ổn định, có thể tự nuôi sống bản thân.

Bên cạnh những người trẻ tuổi, xưởng của Huê cũng tạo điều kiện cho người lớn tuổi có thêm thu nhập với công việc nhẹ nhàng, phù hợp sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (51 tuổi) là hàng xóm và cũng đang làm việc tại xưởng cho biết: “Sức khỏe tôi không ổn định, thường bị cao huyết áp nên rất khó xin vào các công ty, xí nghiệp. Nhờ xưởng sản xuất của cháu Huê, tôi có việc làm phù hợp khả năng, có thêm tiền trang trải cuộc sống”.

Hiện tại, Thiên Huê là 1 trong 6 xưởng sản xuất phôi máng đèn có quy mô của khu vực miền Nam. Nhìn lại quãng đường tuy chưa dài nhưng quá nhiều “bước ngoặt”, Huê xúc động: “Những ngày đầu khởi nghiệp, trong tay chỉ có vài chục triệu đồng nhưng chi phí bỏ ra quá nhiều, tôi và chị gái nhiều lần nản chí. Những lúc đó, ba chính là người động viên chị em tôi vượt qua thử thách. Vậy mà ba lại đột ngột ra đi khi chưa kịp thấy thành quả của con mình. Ba chính là động lực lớn nhất để tôi cố gắng”.

Nhìn Huê chẳng nề hà bụi bẩn, không phân biệt chủ - thợ, sẵn sàng xắn tay áo phụ công nhân, mọi người đều cảm nhận được thành quả ấy một phần chính là nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết của cô chủ trẻ./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết