Tiếng Việt | English

14/06/2021 - 14:16

Có một văn hóa 'hái ra' tiền tỉ

Sinh vật cảnh (SVC) cho ta hưởng thụ văn hóa khi thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên qua sáng tạo nghệ thuật của nghệ nhân/nhà vườn đã ký thác tâm tình vào gốc cây, hòn đá, khúc gỗ,… “biến” chúng có tâm hồn khả dĩ chia sẻ cho ta nâng cao tính nhân văn trong yêu thương con người và thiên nhiên,…

Ban Chấp hành mới của Hội Sinh vật cảnh Long An (nhiệm kỳ 2021 - 2025)

Mùa tết rồi, hơn 200 hộ của làng nghề trồng mai vàng Tân Tây, huyện Thạnh Hóa đã bán mai vườn thu về gần 80 tỉ đồng và họ đang nhắm tới con số trăm tỉ vào mùa tết tới.

Cây hoa, cây cảnh luôn hiện diện trên các sân khấu sự kiện, làm tôn vẻ đẹp cho không gian lễ tân. Đám cưới, đám tang không thể thiếu hoa. Những nơi thờ tự hay công sở, nhà cửa đều cần hoa kiểng trang trí,… Qua hội nhập, thị trường hoa kiểng nước ta ngày càng khởi sắc, đa chủng loại do các giống mới được nhập về và lai tạo thành công, đưa ra ươm trồng đại trà.

Những vẻ đẹp “hồn cây”

Hiện nay, rải rác trong công sở và nhà dân, nhất là ở huyện Cần Giuộc, Cần Đước vẫn còn những di sản kiểng cổ do các bậc tiền nhân để lại, mang tính văn hóa truyền thống sâu sắc về răn đời, răn con cháu ăn ở cho phải đạo làm người. Tại các đình, chùa, miếu mạo, nhà cổ,… có những đồ mỹ nghệ chế tác từ gỗ, gốm, thủy tinh,…để thờ tự đều là sản phẩm SVC cổ từ bao đời trước mà trên đường mở cõi đất phương Nam, cha ông ta đã mang theo để hướng lòng về quê cha đất tổ của mình.

Từ mấy chục năm trước, nghệ nhân lão thành Ba Tín, chủ nhân vườn hoa kiểng Thanh Tâm, phường 4, TP.Tân An, từng giao du với nghệ nhân nước ngoài, nhất là Singapore, nơi ông đã tham dự các cuộc thi SVC và đoạt giải thưởng đáng tự hào. Ông cũng tính xuất khẩu cây cảnh vườn Thanh Tâm; tiếc là chưa kịp thực hiện thì ông đã mất ở tuổi U90.

Đến nay, Hội SVC tỉnh Long An đã hình thành các cấp hội cơ sở với trên 1.000 hội viên chính thức, bao gồm các bộ môn: hoa lan, kiểng cổ, bonsai, cây khô - gỗ lũa, cá cảnh, chim cảnh, cu gáy, gà cảnh, chưng nghi, tpháp, tiểu cảnh - non bộ, bồ câu cảnh, đá cảnh, gỗ mỹ nghệ,… dưới hình thức: hội, chi hội, câu lạc bộ; đã tham dự các Hội thi SVC cấp khu vực, cấp Quốc gia và đoạt giải thưởng cao, như giải Đặc biệt tại Hội thi Hoa lan toàn quốc năm 2020, giải Nhất đá nghệ thuật (Suseki) tại Lễ hội Quốc tế Bonsai - Suseki châu Á - Thái Bình Dương lần thứ XV (tổ chức tại TP.HCM - 2019),…

Những “Tiếng hồn sâu lắng”của đá

Vừa qua, Hội SVC Long An đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2021 - 2025. Ông Nguyễn Văn Lộc tái đắc cử Chủ tịch Hội lần III. Ông được coi là người năng nổ tháo vác, đưa SVC Long An giao lưu cùng giới từ miền Tây đến miền Đông Nam Bộ để trao đổi nhằm nâng cao năng lực phát triển của một tỉnh có truyền thống chơi SVC lâu đời.

Tại Đại hội SVC này, Phó Chủ tịch Hội SVC Việt Nam - Tô Hoàng đã phát biểu đánh giá cao bước phát triển và chất lượng SVC Long An.

Ông nhấn mạnh: hoạt động SVC thể hiện rõ 2 mục tiêu: kinh tế SVC và văn hóa SVC; nó tác động qua lại, giao lưu, hội nhập nhưng đồng thời mang bản sắc riêng của từng vùng và từng Quốc gia; nó là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp mang tính tổng hợp, nó huy động sức mạnh tổng hợp của nghệ nhân, nhà vườn tham gia các sự kiện của đời sống xã hội. Trong thực tế, hoạt động SVC mang tính đặc thù, đòi hỏi chuyên sâu về kỹ - mỹ thuật và tính chuyên nghiệp cao.

Tỉnh Long An có Đề án phát triển nông nghiệp ven đô TP.Tân An, đã phê duyệt từ mấy năm trước, được đề cập trong các phát biểu tại Đại hội trên đây, với mong muốn có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương để xây dựng phương án thực hiện đề án, Hội SVC sẽ tích cực đóng góp cho tiến tình thực hiện đề án, góp phần xây dựng nông thôn mới ven đô của TP.Tân An thêm xanh, đẹp.

Phát biểu tại Đại hội trên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện ghi nhận Hội SVC Long An đã đi đầu trong việc bảo vệ danh hiệu Cây Di sản Việt Nam. Hội cần tiếp tục nghiên cứu khoa học và tham gia nhiều hơn nữa hội thi SVC các cấp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang mở Hội thi phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ, Hội cần gửi tác phẩm dự thi. Ông Thiện cũng đề nghị Hội SVC phối hợp các cơ quan, đơn vị khi có tổ chức sự kiện, để Hội cung cấp SVC trang trí, trưng bày. Hội cần tham gia làm du lịch SVC và có định hướng vươn ra thế giới,…

Chuyên gia SVC Tô Hoàng cho rằng, nơi nào kinh tế phát triển, đời sống vật chất - tinh thần của xã hội và dân cư được cải thiện, nâng lên, thì nơi ấy có nhu cầu được trang hoàng, được thưởng ngoạn các loại SVC.

Đến dự Đại hội trên, ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng ban Quản lý Làng nghề trồng Mai vàng Tân Tây (Thạnh Hóa) có thông tin: Toàn làng nghề đã bán mai Tết 2021, thu gần 80 tỉ đồng. Tin rằng mùa Tết tới (2022), thu 100 tỉ. Đời sống của các hộ trồng Mai vàng trong làng ngày càng khá và giàu lên thấy rõ!

Hội SVC Việt Nam khuyến cáo: Hội SVC Long An cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, quảng bá thương hiệu; tổ chức sự kiện, trưng bày, hội thi, hội chợ; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, dịch vụ, giao lưu, giới thiệu sản phẩm;…nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lai tạo, chọn giống; có quy trình kỹ thuật chế tác SVC công nghệ cao…

Những việc này Hội SVC Long An đã làm những gì có thể, và ghi trong phương hướng hoạt động của Hội - nhiệm kỳ III (2021 - 2025). Mong muốn chung là có sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, tạo điều kiện cho Hội giải quyết các vấn đề tồn tại, để SVC tỉnh nhà xây dựng được tổ chức vững mạnh toàn diện hơn, hoạt động kinh tế SVC và văn hóa SVC hiệu quả hơn, thực hiện tốt vai trò thành viên của MTTQ và chức năng xã hội nghề nghiệp của mình./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết