Ảnh minh họa
Gành Hào ơi! Nửa đêm ai hát lên câu hoài lang
Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm
Xề u xế u liu phạn
Dây tơ đàn kìm buông thiết tha…
Đêm nào cũng vậy, trăng lên là giọng ca ngọt lịm lại cất lên trên dòng sông. Càng về khuya, nước sông càng đầy, sóng càng mạnh tưởng như có thể xô lở mấy bờ đất, làm bật gốc mấy cây tràm, cây đước mọc trên mé sông. Những đứa con của dòng Gành Hào xem con sông là máu thịt, là tâm hồn của mình. Họ đem lòng yêu sông, gắn bó trọn một đời với con sông này. Như chị.
Chị vẫn thường hát bài Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang mà chị yêu thích từ thuở thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương, cho đến khi tóc pha sương, chị tiếc một vầng trăng nhưng chưa bao giờ xa Gành Hào, bỏ từng lớp sóng.
Trên chiếc ghe tròng trành, chị đã sống không biết bao nhiêu mùa trăng. Mỗi lần trăng soi trên dòng Gành Hào, chị lại cắt một lọn tóc, quấn lại rồi vắt lên mui ghe. Đến bây giờ không biết là bao nhiêu lọn. Ngày xưa, người ta yêu chị cũng vì mái tóc dài thoảng mùi hoa chanh, hoa khế.
Không biết chị chèo ghe trên dòng sông này tự hồi nào nhưng từ thuở theo mẹ về ở một xóm nhỏ bên dòng sông Gành Hào, tôi đã thấy chị. Những đêm nước lớn, tôi thường ra bờ sông ngồi nhìn mông lung, nhớ về miền quê cũ. Dần dần tôi quen chị, lần đầu bước xuống ghe, tôi giật mình vì chị không già nua như tôi tưởng tượng trong những đêm trăng. Chị còn trẻ lắm, tóc chị mượt, da mịn, không giống những người phơi nắng, phơi sương. Chị đang ngồi thêu, trên khung thêu là nửa bông hồng dang dở. Lúc này, tôi mới được nhìn kỹ khuôn mặt của chị. Chị đẹp lắm, có điều mắt chị hơi buồn. Hình như ẩn sâu trong đó là những nỗi niềm dai dẳng.
*
Chị đã đi qua không biết bao nhiêu dòng sông, cuối cùng cũng trở về Gành Hào. Tôi hỏi để làm gì, chị cười bảo ở đây để tìm, tìm từ ngày này qua tháng nọ, tìm đến bao giờ thấy được mới thôi. Mà chị tìm ai trên dòng Gành Hào đầy vơi con nước? Tìm ai mà hơn nửa đời người bộn bề vẫn khát khao tìm kiếm? Biết tôi thắc mắc nhưng không dám hỏi, chị nói liền một mạch:
- Huy còn nhỏ quá nên chưa hiểu được nỗi buồn của chị. Chừng Huy lớn lên một chút, Huy sẽ hiểu người đàn bà bôn ba trên sông để đi tìm vợ cho người mình thương, đau xót cỡ nào.
- Trời! Tìm vợ cho người mình thương? Mình thương người ta sao còn đi tìm vợ cho người ta hả chị?
Chị đặt khung thêu xuống, nhìn ra mũi ghe. Ngoài kia mênh mang sóng cuộn dài trong đêm đen…
*
Cũng vì thương người đàn ông mỗi đêm trăng bơi xuồng để câu cá, soi tôm nên chị lênh đênh mãi trên dòng Gành Hào ngày này qua tháng nọ. Một đêm, chị nghe chiếc ghe trập trũng nước, ngó ra xem thì thấy một người đàn ông đang ngồi hút thuốc. Mấy hôm nay gió về, sông đêm buốt giá. Chiếc ghe của người đàn ông không có mui nên gió cứ thỏa sức lồng lộng. Chị nói khẽ:
- Anh gì ơi, nửa đêm đi soi tôm không sợ trúng gió sao? Trời lạnh lắm!
- Được con nước lớn nên đi soi. Nhưng nãy giờ có dính được bao nhiêu đâu.
- Thôi anh vô mui ghe tui ngồi, tui pha cho ấm trà cho đỡ lạnh. Ngoài đó lạnh lắm!
Trong chiếc ghe gọn gàng, sạch sẽ, một khoảng chị trải chiếu, giăng mùng ngủ, một khoảng trống chị để cái bình, hai cái tách, anh ngồi ngó mặt ra sông uống trà.
Kể từ lần đó, đêm nào anh cũng đi soi tôm. Và hầu như đêm nào, anh cũng tìm chiếc ghe của người đàn bà vì giận chuyện anh em tranh giành đất đai quên cả tình thâm nên đành sống đời nước sông gạo chợ. Trên chiếc ghe cũ, không biết từ bao giờ, họ trở thành nhân tình của nhau. Dưới ánh trăng vàng, anh biết được đôi ba ngón đàn tranh, chị ngồi hát bài Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang. Chị quyết định neo ghe lại Gành Hào. Con sông này như một dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời cơ cực của chị. Trên dòng sông, chị đã từng có những ngày hạnh phúc bên anh, từng có những đêm buông câu hát. Tiếng hát, tiếng đàn của họ văng vẳng tận một khúc sông xa.
Một sớm mai đầy nắng, có người đàn bà tìm đến ghe của chị. Người ấy đến để đòi chồng, cầu xin chị trả chồng lại để đêm đêm không phải phòng không lạnh lẽo. Đơn giản người ta cũng là đàn bà, đâu thể nhường chồng mình cho một người phụ nữ khác. Chị rớt nước mắt. Chị ngồi trước mũi ghe, nhìn người đàn bà cho đến khi bóng người chèo xuồng khuất xa dần...
*
- Đàn bà tụi mình khổ quá!
Chị nói như vậy khi người đàn bà ngồi trên mũi ghe của chị, quệt nước mắt. Người đàn bà biết mình không thể giữ được chân chồng khi lòng anh ta cứ hướng về chiếc ghe với tiếng hát trong veo, ngón đàn mướt rượt. Chị ngồi trong mui ghe vừa thêu, vừa trò chuyện với người đàn bà đi đòi chồng.
Chị thương người đàn bà đứt ruột. Chị tự trách mình đã vô tình phá vỡ hạnh phúc gia đình của người kia. Chị nào có biết người đàn ông đàn cho mình hát mỗi đêm đã có vợ, có con. Chị - chỉ đơn giản là phụ nữ cô đơn mang trong lòng khao khát được yêu và hạnh phúc. Đàn ông đi ghe đã khổ. Đàn bà đi ghe một mình lại càng khổ gấp trăm lần. Bởi vậy, chị cần một vòng tay đủ rộng, chị ngã vào vòng tay của người đàn ông đã có vợ, có con.
Chị không biết rằng lần người đàn bà ngồi trước mũi ghe chị nói chuyện, nước mắt rớt vào sông… là lần cuối cùng chị được gặp. Anh nói với chị, vợ anh đã rời khỏi Gành Hào cùng đứa nhỏ. Từ đó, anh cũng không quay trở lại chiếc ghe của chị một lần nào. Chị ngồi thêu nhưng lòng hướng vào mũi kim, tay bị kim đâm chảy máu thấm vào cánh hoa hồng đang dở dang như duyên tình của chị. Cây đàn tranh từ ngày vắng anh, chị cũng không buồn lấy ra đàn rồi hát. Chị thả cây đàn xuống bến sông, tự dặn lòng từ đây sẽ chẳng ghé lại khúc sông này một lần nào nữa dù chị cứ mải miết xuôi ngược trên dòng Gành Hào.
Trên dòng sông này, đi tới đâu, chị cũng hỏi tung tích của người đàn bà có vết sẹo nhỏ trên má trái. Chị vẫn đi tìm người đàn bà dắt theo đứa nhỏ, bao giờ tìm thấy thì chị sẽ đưa người đàn bà và đứa nhỏ về cho anh.
*
- Vậy đó em, bao giờ tìm được vợ cho người ta, chị sẽ rời khỏi Gành Hào. Chị vẫn mong những nỗ lực của mình sẽ chuộc lại lỗi lầm, dù chị không hề cố ý.
Tự dưng nước mắt tôi rớt xuống.
Dòng Gành Hào nước ròng, nước lớn. Chị vẫn mải miết đi tìm. Chị đi trên dòng Gành Hào từ thuở thanh xuân cho đến khi tuổi xuân sắp tàn. Thuở ấy thanh xuân trăng Gành Hào tròn như chiếc gương - Giờ tóc pha sương qua Gành Hào tiếc một vầng trăng… Câu hát ấy vẫn cứ vọng lên mỗi đêm khuya, buồn như cuộc đời của chị./.
Hoàng Khánh Duy