Tiếng Việt | English

16/11/2016 - 13:40

Cử tri hài lòng khi Bộ trưởng Bộ GĐ-ĐT thẳng thắn nhận trách nhiệm

Cử tri hài lòng với việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thẳng thắn nhận trách nhiệm trong đề án dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học.

Theo dõi phiên trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, sáng nay (16/11) nhiều cử tri tỉnh Quảng Ninh cho rằng, phiên chất vấn đi thẳng vào nhiều vấn đề nóng được dư luận quan tâm.

Cử tri cho biết, phiên chất vấn sáng nay đã dề cập nhiều vấn đề nóng như dạy thêm, học thêm, bạo lực học đường, quá nhiều cơ sở đào tạo cử nhân, sinh viên thất nghiệp...

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn.
Theo cử tri Đàm Thúy Nga, tổ 2, khu 8, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, buổi chất vấn sáng nay các đại biểu đặt câu hỏi tranh luận thẳng thắn, đóng góp cho ngành giáo dục hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, bà Hoa thấy chất lượng đào tạo các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, nhiều sinh viên ra trường không làm được việc.

Hai năm trở lại, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và thi tuyển vào các trường Cao đẳng, Đại học khiến giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh lo lắng.

Cử tri Ngô Thị Hạnh, tổ 11, khu 3, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long chia sẻ: “Việc đổi mới phương thức thi tốt nghiệp và thi vào các trường Cao đẳng, Đại học mỗi năm công bố với nhiều điểm mới đang khiến học sinh và phụ huynh lo lắng. Nếu phải chạy đua nước rút để chuyển hướng dạy và học theo tinh thần đổi mới của dự thảo thì thầy, trò, các bậc phụ huynh sẽ hụt hơi. Ai sẽ đảm bảo kết quả thi đánh giá đúng năng lực, đảm bảo quyền lợi, sự công bằng của thí sinh”.

Cử tri Nguyễn Thị Thanh Mai, ở Quận 10, TPHCM rất tâm đắc với nội dung trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Bộ trưởng đã nắm rõ và trả lời rất thẳng thắn những vấn đề các đại biểu chất vấn về chất lượng giáo dục, phân luồng giáo dục, dạy thêm, học thêm, bạo lực học đường, đề án thi cử, đổi mới sách giáo khoa… Bộ trưởng cũng đã thừa nhận những yếu kém, khuyết điểm đang tồn tại.

Về vấn đề đổi mới sách giáo khoa và chương trình, bà Nguyễn Thị Thanh Mai cho rằng cần phải có lộ trình, làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó, phải khoa học và mang tính ứng dụng cao. Làm thế nào có một bộ sách giáo khoa nhẹ nhàng, bổ ích cho từng cấp học khiến cho học sinh thích đọc, thích học và từ nội dung học ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống phù hợp và thiết thực cho học sinh.

Hài lòng với việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thẳng thắn nhận trách nhiệm trong đề án dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học, một số bất cập trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cần điều chỉnh... ông Đinh Công Ty, ở quận 12, TPHCM tin Bộ trưởng sẽ có phương pháp khắc phục tồn tại về chất lượng giáo viên, học sinh và đổi mới chương trình. Song, ông Đinh Công Tỵ không khỏi lo lắng trước con số sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm được một số đại biểu Quốc hội nêu ra.

“Trong giải trình Bộ trưởng mới đưa ra những giải pháp chung chung. Đề nghị Bộ trưởng, Thứ trưởng dành thời gian đi cơ sở xã, phường nhiều hơn để nắm tình hình và có những đề án hay tham mưu cho Chính phủ, cho Đảng. Phải phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường”, ông Đinh Công Tỵ nhấn mạnh./. 

Nhóm PV/VOV.VN

Chia sẻ bài viết