Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 14/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; thảo luận cho ý kiến về dự án Luật thủy lợi.
Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017
Với 405/425 đại biểu tán thành (82,15%) Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.
Theo Nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 729.730 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 482.450 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 902.030 tỷ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Quốc hội đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan khác ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2017 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội đến từng cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước trước ngày 31/12/2016; thực hiện công khai, báo cáo kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và địa phương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang; hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng; ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án hợp tác công tư (PPP), xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; tăng cường kiểm tra, thanh tra, đối với tất cả các khâu trong quá trình đầu tư.
Trong quá trình điều hành, bổ sung vốn đầu tư và các nguồn tài chính khác để hỗ trợ các địa phương trọng điểm thu có tỷ lệ điều tiết giảm trong giai đoạn 2017-2020, tạo điều kiện cho các địa phương này phát huy vai trò động lực kinh tế cho cả nước.
Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện sắp xếp các khoản chi đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2017; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để nâng mức đóng góp của ngân sách địa phương trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Nhà nước ban hành.
Các chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, phải có giải pháp đảm bảo nguồn tài chính trong phạm vi dự toán chi ngân sách địa phương được giao hằng năm và nguồn tài chính khác để thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật, giám sát việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 của các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.
Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về thủy lợi
Thảo luận cho ý kiến về dự án Luật thủy lợi, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủy lợi, nhằm thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công tác thủy lợi: "Xây dựng các công trình thủy lợi đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng; xây dựng thêm hồ chứa nước ở vùng thường xuyên bị khô hạn, hệ thống đê sông, đê biển...'' và định hướng phát triển hạ tầng thủy lợi nước ta đến năm 2020.
Tuy nhiên, một số đại biểu còn tỏ ý băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật, bởi hầu hết các vấn đề quan trọng, như: đầu tư xây dựng, khai thác công trình... của Luật này đã có một số Luật quy định, như Luật Tài nguyên nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng. Đồng thời, dự Luật chưa làm rõ nội dung các công trình thủy điện có tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ về thủy lợi, có đưa vào điều chỉnh của Luật này hay không vì phần lớn các công trình thủy điện đều tham gia điều hòa nguồn nước cho nông nghiệp.
Đại biểu Cao Thị Giang (Thái Bình) đề nghị ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng để đưa ra khỏi Luật những điều các Luật chuyên ngành khác đã quy định để tránh chồng chéo, trùng lặp trong quá trình thực hiện; xây dựng Luật ngắn gọn, xúc tích hơn. Cùng đó, cần xem xét, cụ thể hóa một số nội dung vào dự Luật, hạn chế các quy định giao cho Chính phủ, các Bộ Tài Chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, bảo đảm tính khả thi của Luật.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, nhiều ý kiến cho rằng công trình thủy lợi không chỉ phục vụ một mục tiêu đơn lẻ mà thường đa mục tiêu, nhằm đáp ứng yêu cầu về thủy lợi, thủy điện, giao thông, nuôi trồng thủy sản... Vì vậy, quy định của dự án Luật còn nhiều vướng mắc. Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật để bảo đảm việc quản lý được toàn diện, chặt chẽ, thống nhất, không chồng chéo với các luật đã ban hành.
Đối với quy định về yêu cầu trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát lại các quy định trong các Luật đầu tư, đầu tư công, xây dựng, tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất trong Luật; đồng thời, nghiên cứu, bổ sung quy định về yêu cầu đầu tư xây dựng công trình thủy lợi cho hợp lý.
Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về yêu cầu đầu tư xây dựng công trình thủy lợi cho hợp lý, đặc biệt là những công trình thủy lợi có phạm vi ảnh hưởng lớn, như: hồ chứa, cống ngăn mặn, trữ nước ngọt, công trình phục vụ cho việc phá lũ và đê điều, điều tiết nước mặn, nước ngọt để phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản; xác định rõ thẩm quyền, trình tự thủ tục phê duyệt dự án đầu tư đối với công trình thủy lợi lớn; tiêu chí phân loại các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, công trình khó huy động các nguồn lực xã hội, công trình có khả năng thu hồi vốn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi...
Quan tâm đến việc tăng cường vai trò của người dân trong việc lập quy hoạch, xây dựng, giám sát hoạt động của các công trình thủy lợi, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị bổ sung thêm đối tượng: tổ chức, cá nhân vào đối tượng điều chỉnh của dự Luật, vì mỗi một công trình thủy lợi phục vụ cho đối tượng trước mắt là cộng đồng dân cư, nơi công trình tọa lạc; đồng thời, cộng đồng dân cư cũng là đối tượng tham gia giám sát, góp ý kiến cho quy hoạch, thiết kế, xây dựng công trình thủy lợi tại địa phương.
Cùng ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) nhận định dự án Luật có quy định các tổ chức, cá nhân cộng đồng dân cư có quyền tham gia ý kiến trong quá trình lập quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch, tuy nhiên, trong các điều khoản này còn nói chung chung, chưa quy định rõ vai trò của người dân trong việc tham gia, góp ý kiến cho việc quy hoạch, xây dựng và quản lý công trình thủy lợi. Vì vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định chi tiết hơn về việc tham khảo ý kiến người dân đối với các công trình, đặc biệt là các công trình có quy mô lớn, quan trọng có ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Tránh chồng chéo trong quản lý Nhà nước về thủy lợi
Liên quan đến quy định về dịch vụ thủy lợi, một số ý kến nhất trí với quan điểm chuyển đổi cơ chế từ thu ''thủy lợi phí'' sang ''giá dịch vụ thủy lợi'' để bảo đảm hiệu quả khai thác, sử dụng nước, giảm gánh nặng bao cấp từ ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.
Việc tính giá dịch vụ thủy lợi góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình thủy lợi, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị báo cáo tác động cần làm rõ các yếu tố kinh tế-xã hội, nhất là hiện trạng các công trình thủy lợi hiện nay; nhu cầu vốn đầu tư, duy tu bảo dưỡng; nhu cầu sử dụng hiện tại; dự báo nhu cầu sử dụng nước các loại, nguồn thu nếu thay đổi về cơ chế giá; đặc biệt là tác đọng đến các nhóm đối tượng sử dụng nước, nhất là đối tượng trong sản xuất nông nghiệp.
Băn khoăn về tác động của việc chuyển đổi cơ chế từ thu "thủy lợi phí'' sang "giá dịch vụ thủy lợi'' đến cộng đồng và những người sản xuất nông nghiệp, các đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nêu ý kiến hiện nay, chi phí trong sản xuất nông nghiệp cao, lợi nhuận đang thấp và biến động.
Nếu dự Luật Thủy lợi quy định chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ có thể tạo thêm khó khăn cho nông dân trong khi Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về miễn giảm đất nông nghiệp cho nông dân.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương, để tránh các khó khăn xảy ra tức thời, gây khó khăn cho người sản xuất, dự án cần quy định rõ về chủ thể và các loại công trình, nguồn gốc các loại công trình để thu tiền, làm cơ sở cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quy định chi tiết về khung giá lộ trình và các chính sách hỗ trợ hợp lý.
Về lâu dài, việc chuyển đổi từ ''phí'' sang ''giá'' là cần thiết, nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả khai thác về sử dụng tài nguyên nước của người sử dụng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; góp phần đưa hoạt động thủy lợi ngày càng tốt hơn.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng Chính phủ cần cụ thể hóa lộ trình, trình Quốc hội thảo luận, để có bước đi thích hợp, giảm tác động tiêu cực đến đông đảo người dân đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, Chính phủ cần bổ sung nguyên tác, tiêu chí phân loại đối với thủy lợi phục vụ nông nghiệp, thủy lợi phục vụ các mục tiêu khác và các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý hai loại hình này, nhằm thu hút đầu tư, quản lý có hiệu quả hơn.
Xung quanh quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi, các đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) đánh giá lĩnh vực thủy lợi hiện đang phải chịu sự điều chỉnh của nhiều luật, nhiều ngành. Ranh giới quản lý chưa rõ ràng trong tổ chức, dẫn đến vướng mắc, chồng chéo.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, đánh giá thực trạng, điểm vướng mắc trong các quy định của Luật và văn bản dưới luật để có cơ sở để điều chỉnh. Theo đại biểu, lĩnh vực thủy lợi cần phân định theo hướng: liên quan đến nước gắn trực tiếp đến việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi, hệ thống thủy lợi cần giao quản lý cho ngành Nông nghiệp, các hoạt động liên quan đến nước, không gắn trực tiếp đến các công trình, như chất lượng, ô nhiễm nước, điều hòa phát triển nguồn nước nên giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý.
Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về an toàn công trình thủy lợi; về nguyên tắc hoạt động thủy lợi; về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi./.
Phúc Hằng/TTXVN