Học ngành nào, chọn nghề gì là sự quan tâm hàng đầu của học sinh (HS) và phụ huynh sau khi các em tốt nghiệp THPT. Đối với những em có sức học tốt, đã được sự định hướng từ trước thì việc chọn ngành, nghề không quá khó. Còn đối với những HS có sức học trung bình, các em khá phân vân trong việc chọn ngành, nghề.
Đã qua rồi thời mọi HS đều mong muốn vào đại học bởi thực tế cho thấy có rất nhiều em trúng tuyển đại học nhưng không phát huy được khả năng, có em bỏ học giữa chừng, có em tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm. Ngày nay, HS không còn quá quan trọng việc vào đại học mà chọn ngành, nghề theo khả năng, sức học của bản thân và nhu cầu thị trường.
Nghề nghiệp và sự định hướng của cha mẹ có tính quyết định đến việc lựa chọn ngành học của con. Nếu con có hứng thú nối nghiệp cha mẹ thì đó là một điều thuận lợi bởi con sẽ được thừa hưởng những kinh nghiệm và có một nền móng vững chắc hơn. Tuy nhiên, nếu phát hiện con có sở trường và thiên hướng riêng, cha mẹ nên tư vấn, định hướng cho con. Có những em xác định ngành mình muốn theo học và đặt mục tiêu cho bản thân từ những năm đầu THPT nhưng cũng có không ít em loay hoay không biết mình thích gì, phù hợp với ngành nào. Phụ huynh cũng đừng nên quá lo lắng về điều đó vì suy nghĩ và sở thích của các em có thể thay đổi. Thậm chí đến lúc phải lựa chọn mà con vẫn không biết chọn gì thì vẫn có thể cho con một khoảng thời gian trải nghiệm để đi đến quyết định đúng đắn hơn. Để làm được điều đó, các con cần sự thông cảm và thấu hiểu của cha mẹ. Dù rằng, bất cứ cha mẹ nào cũng muốn con sau khi tốt nghiệp THPT phải vào đại học, cao đẳng nhưng nếu con còn phân vân, cha mẹ chỉ nên định hướng chứ không nên áp đặt, hãy để con tự xác định đâu là hướng đi phù hợp với khả năng của mình. Việc học trễ 1-2 năm không có gì đáng lo vì các con còn có khoảng thời gian rất dài để học, quan trọng là học ngành gì con thích và phù hợp với thị trường lao động.
Khoảng 10-15 năm trước, việc không vào được đại học là cú sốc lớn đối với nhiều HS nhưng hiện nay suy nghĩ của các em đã khác. Với sự phát triển của xã hội, nhiều nghề mới sẽ sinh ra và nhiều nghề cũ mất đi nên việc chọn ngành, nghề cũng thay đổi theo, không nhất thiết phải vào đại học mới có cơ hội việc làm tốt. Thay vào đó, việc chọn công việc mình yêu thích và chiều hướng phát triển của công việc đó ra sao được các bạn trẻ quan tâm nhiều hơn.
Các em cũng đừng quá lo lắng khi chọn ngành học không đúng sở trường, hãy cho mình một cơ hội trong thời gian nhất định, bởi biết đâu các em sẽ yêu thích khi tìm hiểu sâu về ngành học đó, còn nếu không thích, các em vẫn còn đủ thời gian để bắt đầu lại. Theo lẽ tự nhiên, 18 tuổi tốt nghiệp THPT, 22 tuổi tốt nghiệp đại học và đi làm. Thế nhưng, không ai buộc các em phải làm theo trình tự đó. Việc học và sự nghiệp là cả đời nên nếu có thể lựa chọn con đường phù hợp hơn thì ngại chi việc chậm 1-2 năm.
Bất kỳ ai cũng phải qua giai đoạn hoang mang để chọn nghề nghiệp. Điều cần thiết lúc này là có người định hướng để các em thấy được đâu là sở trường, đam mê và xác định được mình yêu thích ngành, nghề nào. Người đó có thể là cha mẹ, thầy cô hoặc một người thân nào đó hiểu về các em. Thay vì áp đặt, lựa chọn thay, buộc con phải theo nghề cha mẹ mong muốn thì cha mẹ chỉ nên định hướng, chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước. Thầy cô đóng vai trò người tư vấn để HS hiểu rõ hơn về nghề nghiệp. Quan trọng nhất, cha mẹ, thầy cô phải là người truyền cảm hứng, giúp các con có cái nhìn đa chiều về cơ hội nghề nghiệp, đặc biệt là trong thời đại số.
Và cuối cùng, học ngành nào, làm nghề gì chính là quyết định của các con. Định hướng để con thấy được lợi thế, sở trường của mình đối với nghề nghiệp tương lai chính là cách trang bị cho con động lực để phấn đấu và có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình./.
Tâm An