Tiếng Việt | English

26/06/2018 - 19:30

Đã có 14 người chết, 11 người mất tích do mưa lũ tại Lai Châu

Các lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ tìm kiếm người mất tích tại trang trại nuôi cá nước lạnh ở bản Chu Va, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Các lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ tìm kiếm người mất tích tại trang trại nuôi cá nước lạnh ở bản Chu Va, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Đến 16 giờ ngày 26/6, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu cho biết, số người chết và bị thương do mưa lũ tiếp tục tăng. 

Cụ thể, đã có 14 người chết, 11 người mất tích, 11 người bị thương (so với thời điểm 9 giờ ngày 26/6 đã tăng thêm 2 người chết, 3 người bị thương). 

Trong số các nạn nhân huyện Sìn Hồ có 10 người chết, 7 người mất tích; huyện Nậm Nhùn 2 người chết; huyện Than Uyên 1 người chết, 1 người mất tích; huyện Mường Tè 1 người chết, 2 người mất tích, trong đó 1 người vẫn chưa xác định danh tính; huyện Tam Đường 1 người mất tích… 

Theo đánh giá sơ bộ, tổng giá trị thiệt hại về tài sản, cây trồng, vật nuôi, cơ sở hạ tầng là trên 300 tỉ đồng. 

Hiện tại, công tác ứng cứu, khắc phục đang được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương bám sát địa bàn để thực hiện nhiệm vụ. 

Các tổ chức, cá nhân cũng đã đến các xã, bản bị thiệt hại do mưa lũ để thăm hỏi và gửi các phần quà hỗ trợ để động viên người dân vượt qua khó khăn. 

Dự báo trong những ngày tới, thời tiết vẫn diễn biến thất thường, vì vậy Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn cùng các địa phương ngay sau khi kiểm tra rà soát, thống kê sẽ tiến hành di chuyển 293 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến nơi an toàn. 

Cùng với đó, tỉnh duy trì nghiêm chế độ trực phòng chống thiên tai 24/24giờ; tiếp tục tổ chức kiểm tra theo dõi các vùng bị mưa lũ; báo cáo và ứng phó kịp thời khi có tình huống khẩn cấp. 

Ngoài ra, các đơn vị được phân công nhanh chóng tổ chức thanh thải dòng chảy thoát lũ cho các sông suối trên địa bàn đã bị bồi lấp; lập phương án sửa chữa, khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt bị hư hỏng; đầu tư một số công trình giao thông, thủy lợi để khôi phục, phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống của người dân sau thiên tai.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, gây sạt lở, chia cắt nhiều nơi và làm thiệt hại về người, tài sản, đặc biệt là các tỉnh Hà Giang, Lai Châu; Bộ Y tế đã có công điện số 614/ CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang và các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực phía Bắc yêu cầu triển khai công tác y tế trong ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ. 

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố có tên trên và các đơn vị thuộc Bộ khu vực phía Bắc cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, triển khai công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ, tập trung cùng các cấp, ban ngành tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ bị thiếu đói, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, tuyệt đối không để người dân bị đói, bị thiếu thuốc khi ốm đau. 

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương củng cố lại những cơ sở y tế bị ảnh hưởng do mưa lũ, đảm bảo lại cơ sở vật chất để nhanh tróng phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng ảnh hưởng. 

Đồng thời tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất. 

Các địa phương trong vùng ảnh hưởng mưa lũ cần chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi mưa lũ đã rút, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ như: sốt xuất huyết, đau mắt đỏ và những bệnh về đường tiêu hóa…; chỉ đạo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh. 

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết