Cần làm rõ trách nhiệm gây lãng phí đầu tư cho khoa học và công nghệ
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng: Việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội hàng năm, song đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát cả giai đoạn 2016-2021. Thông qua giám sát, những sai sót, thất thoát ở nhiều lĩnh vực được chỉ rõ. Từ đó, đã có nhiều kiến nghị giải pháp, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả giám sát này của Quốc hội đã có tác động lan tỏa, làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, được cử tri và Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận sáng ngày 31/10
Theo đại biểu, một trong những mục tiêu của giám sát này là tập trung đánh giá kết quả đạt được, vướng mắc, xác định nguyên nhân, đặc biệt là chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí”. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, báo cáo vẫn chưa chỉ rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí.
Theo quy định tại Điều 63, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 thì hàng năm doanh nghiệp nhà nước bắt buộc trích lập từ 3% - 10% và doanh nghiệp ngoài nhà nước trích lập không quá 10% thu nhập trước thuế để hình thành Quỹ phát triển khoa học và công nghệ doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2015 - 2021 đã có 1.392 doanh nghiệp thực hiện trích lập Quỹ với tổng số tiền trích lập gần 24.000 tỉ đồng, trong đó mới chỉ sử dụng hơn 11.700 tỉ đồng và còn tồn đọng hơn 12.000 tỉ đồng chưa được sử dụng trong thời gian dài gây lãng phí nguồn lực.
Như vậy có thể thấy, mặc dù có quy định nhưng việc triển khai hoạt động của Quỹ còn nhiều vướng mắc, cụ thể: Quy định về nội dung chi cho hoạt động khoa học và công nghệ; cơ chế giám sát chi tiêu, quyết toán và chế tài phạt nếu sử dụng không hết 70% số trích lập; quy định trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tối thiểu và nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; nghĩa vụ thuế và sử dụng quỹ…
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Hơn 12.000 tỉ đồng còn “nghẽn” trong Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp là một sự lãng phí rất lớn về nguồn lực của nhà nước và xã hội. Nguồn lực này sẽ còn tiếp tục lãng phí nếu không có những chính sách phù hợp, kịp thời. Nhiều cử tri đã đặt câu hỏi tại sao những vướng mắc như vậy tồn tại trong suốt 5 - 6 năm qua mà vẫn không thể giải quyết triệt để và sẽ còn kéo dài đến khi nào? Mặc dù trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, song Nhà nước vẫn luôn quan tâm đầu tư cho khoa học và công nghệ. Cụ thể: Giai đoạn 2016 - 2021, ngân sách nhà nước dành từ 25.000 – trên 35.000 tỉ đồng/năm cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn về chất lượng nghiên cứu khoa học và hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ. Những băn khoăn này đã được quyết nghị tại điểm 0, mục 2.1 Nghị quyết kỳ họp thứ 3, QH15. Và đại biểu cho rằng cử tri cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phê duyệt, cấp kinh phí và triển khai, thực hiện tất cả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ bị dừng thực hiện, gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước nếu có.
Từ thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị: Thứ nhất, đối với Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, cần rà soát tổng thể chính sách quản lý, sử dụng quỹ để đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định về quản lý, sử dụng quỹ. Trước mắt, Bộ Tài chính cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp khi trích lập và sử dụng quỹ để sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 12 năm 2016.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đo lường hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ, từ đó đánh giá đúng mức độ đóng góp của khoa học và công nghệ. Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học và công nghệ, trước mắt, cần bổ sung phụ lục chỉ tiêu về khoa học và công nghệ trong báo cáo kinh tế-xã hội hàng năm, sau đó sớm xây dựng chỉ tiêu pháp lệnh để góp phần ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Có giải pháp xử lý dứt điểm đối với Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam
Cùng tham gia thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, cho rằng: Vẫn còn hàng loạt các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Dự án này đã dừng hoạt động quá lâu (gần 20 năm từ khi bắt đầu triển khai) và trên thực tế dự án này không thể đưa vào hoạt động nữa vì không còn vùng nguyên liệu sản xuất (đó là cây đai); máy móc, công nghệ sản xuất của nhà máy lạc hậu, bị hư hỏng; việc dừng dự án quá lâu, chưa có phương án xử lý dứt điểm đã gây nên tình trạng lãng phí lớn. Đây là vấn đề cử tri bức xúc trong nhiều năm qua.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An kiến nghị Chính phủ có giải pháp xử lý dứt điểm dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam
Từ đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung kiến nghị Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công Thương quan tâm đẩy nhanh tiến độ, có giải pháp xử lý dứt điểm đối với dự án trên, vì kéo dài càng lâu thì lãng phí nguồn lực càng lớn, đặc biệt là nguồn lực đất đai, ngân sách nhà nước đã đầu tư. Việc xử lý dứt điểm Dự án này còn tạo cơ hội cho tỉnh Long An thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và cả vùng Đồng Tháp Mười trong thời gian tới./.
Kiến Quốc