Tiếng Việt | English

15/09/2015 - 14:34

Đại đức Thích Lệ Tấn: Tấm lòng tựa đóa sen thơm

Khoác chiếc áo nâu sồng và chiếc xe máy cũ, ngày ngày, có một vị tu sĩ luôn âm thầm, cần mẫn giúp đời, chẳng màng công danh, lợi lộc. Ở bất kỳ nơi đâu, khi thấy người dân khó khăn là ông dang tay cứu giúp. Với ông, được làm việc thiện là một niềm hạnh phúc, là cách để vun bồi công đức, hành đạo, giúp đời!


Niềm vui tại lễ thông cầu treo Hậu Thạnh Đông (xã Hậu Thạnh Đông, Tân Thạnh)

20 năm bắc những nhịp cầu

Đại đức Thích Lệ Tấn - thế danh là Võ Văn Dực (sinh năm 1950), xuất thân từ một gia đình có truyền thống theo Phật giáo, đồng thời cũng có truyền thống cách mạng trong cả 2 thời kỳ tại xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.
Xuất gia từ khi còn trẻ, đối với thầy, phụng sự Phật pháp cũng là phụng sự cuộc đời, phụng sự nhân dân. Một hoạt động đã gắn liền với “thương hiệu” của thầy từ lâu mà nhiều người còn gọi thầy là người “kỹ sư áo nâu” - người vận động xây cầu.

Cây cầu đầu tiên thầy xây dựng là tại ấp 915 (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) vào năm 1995, dài 18m, rộng 1,5m, đến nay đã gần 20 năm. Đến bây giờ, đã có 80 cây cầu hoàn thành, với tổng số tiền trên 19,6 tỉ đồng. Ngoài ra, thầy còn đến Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre,... tiếp tục xây cầu, giúp đỡ người dân.

Thầy kể, nhiều lần chứng kiến các cháu nhỏ đi học, do chủ đò thường được chính quyền địa phương vận động không thu phí, vì vậy, họ luôn ưu tiên cho các đối tượng, phương tiện khác, nhiều cháu đã xuống đò nhưng lại bị “đuổi” lên chờ vãng khách. Nhiều em trễ học, đứng khóc ròng, thầy xót xa không chịu được! Vậy là, dù khó khăn đến mấy, tiền bạc túng thiếu đến mấy, thì thầy cũng cố gắng xoay xở, vận động để nhịp cầu lại tiếp tục nối những bờ vui.

Đặc biệt, có lẽ những cây cầu đã hoàn thành và thầy tự hào nhất là cầu treo Hậu Thạnh Đông (trị giá 1,6 tỉ đồng), cầu treo 79 (xã Bắc Hòa), cầu treo Nhơn Ninh giúp xã đạt tiêu chí nông thôn mới,...

Hiện tại, cầu treo Tân Lập đang xuống cọc, dự kiến khoảng 40 ngày nữa là thông xe. Cầu Đại Đoàn Kết (cầu Kênh Ranh) nối liền xã Tân Thành (huyện Tân Thạnh, Long An) và xã Tân Kiều (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) với trị giá 136 triệu đồng, dài 27m, rộng 1,7m; xây dựng bằng mô hình mới và khởi công xây dựng trong thời gian ngắn vì quá bức thiết. Bởi trước kia, nơi đây có bến đò, khi lộ cơi nới cao vượt lũ, người qua đò thường trượt ngã vì đường lên quá dốc, thậm chí có người bị gãy xương, nguy hiểm luôn rình rập. Chưa có tiền, thầy mượn tiền Phật tử, mạnh thường quân để mua vật liệu. Vậy là chỉ trong thời gian ngắn, “ông bụt” áo nâu đã “hô biến” thành hiện thực, 20 ngày sau, chiếc cầu được thông xe và làm lễ khánh thành.

Lòng từ bi của người con Phật

Dù phải chu toàn Phật sự, nhưng thầy vẫn tích cực tham gia trên 20 mảng từ thiện, từ xây cầu, mổ mắt, khám chữa bệnh, phát thuốc cho người nghèo, học bổng cho học sinh nghèo hiếu học,... Việc nào thầy Thích Lệ Tấn cũng lo chu toàn.

Bà Nguyễn Thị Chanh, ngụ ấp Huỳnh Thơ, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh tâm sự: “Tôi là thương binh 4/4 khi tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nam, chồng cũng bị tai nạn chiến tranh mà mất hết một chân, cuộc sống gia đình rất vất vả. Nhờ có thầy thường xuyên động viên, hỗ trợ vốn mà tôi có vốn để buôn bán, đắp đổi qua ngày”.

Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh - Lê Thị Út cho biết, bất kể việc gì, miễn có lợi cho dân thì thầy đều không ngại khó khăn, sẵn sàng làm. Những gia đình thiếu vốn làm ăn, thầy cũng cho “cần câu”... hỗ trợ vốn để họ tự vươn lên. Nhiều học sinh đã được thầy đỡ đầu, có em mỗi năm được thầy hỗ trợ gần 10 triệu đồng tiếp tục đến trường. Nhiều em nhớ ơn thầy, về thăm, khi thành đạt đã giúp lại những em có hoàn cảnh như mình thuở trước.


Ngoài việc xây cầu, Đại Đức Thích Lệ Tấn cũng thường xuyên vận động, quyên góp hỗ trợ quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Trong cuộc đời làm việc thiện của mình, có một kỷ niệm đến giờ vẫn còn in đậm trong tâm trí Đại Đức Thích Lệ Tấn. Một cụ già đã 90 tuổi ở xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, ước mơ được mổ mắt để nhìn thấy con cháu, dù mổ xong có chết cũng an lòng. Nhờ được thầy giúp đỡ, sau khi phẫu thuật, cụ thọ đến 94 tuổi.

“Là một tu sĩ, thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với lòng từ bi của người con Phật, tôi luôn thực hiện theo phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội. Tôi luôn tâm nguyện, làm việc thiện phải xuất phát từ tâm, việc nào có lợi cho nhân dân, bá tánh thì dù khó khăn cũng phải cố gắng hoàn thành” - Đại Đức Thích Lệ Tấn chia sẻ.

Đại Đức Thích Lệ Tấn đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong công tác xã hội-từ thiện vào năm 2012; bằng khen của BCH TW Hội Khuyến học Việt Nam cùng rất nhiều bằng khen của UBND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh,... được trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là nhà sư vận động xây cầu và thực hiện các công trình từ thiện nhiều nhất tỉnh Long An cùng rất nhiều bằng khen, giấy khen cao quý khác./.

Đức Tâm

 

 

Chia sẻ bài viết