Đạo diễn, Kỹ thuật viên chuẩn bị thu hình. Ảnh: Trí Dũng
Năm, tháng khó quên
Ngày 13/01/1978, UBND tỉnh ký quyết định thành lập Đài Phát thanh Long An do ông Trương Vĩnh Đức - Tỉnh ủy viên làm Giám đốc. Ông Lê Hằng và Phan Văn Nhẫn là Phó Giám đốc.
Ông Ngô Hồng Hải, nguyên là phóng viên của đài, nay đã nghỉ hưu nhớ lại: “Hồi đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên hơn 10 người, chưa qua đào tạo nghiệp vụ báo chí, cùng làm việc trong 2 căn phòng nhỏ thuộc khu Tỉnh ủy. Mọi hoạt động của đài lúc bấy giờ, từ phương tiện đi lại đến máy móc, thiết bị đều thiếu thốn. Đời sống cán bộ, nhân viên kham khổ, lương thấp và làm báo không hưởng nhuận bút...”.
Nguyên Trưởng phòng Thời sự Đài PT&TH Long An, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Long An - nhà báo Lê Anh Dũng kể: “Khó khăn là vậy nhưng tập thể đài vẫn hăng hái lao vào công việc, vừa học, vừa làm; kịp thời đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân đến Đảng và chính quyền các cấp. Nhiều chương trình được đông đảo thính giả gần, xa thường xuyên theo dõi: Thời sự, Nông nghiệp, An ninh - quốc phòng, Khoa học - kỹ thuật, Người tốt - việc tốt, Tiếp chuyện bạn nghe đài, Ca nhạc, Cải lương,... cùng loạt tin, bài nói về trận lụt lịch sử năm 1978, cuộc chiến đấu kiên cường của quân, dân Long An để bảo vệ từng tấc đất biên giới thuộc địa bàn của tỉnh”.
Năm 1982, Đài Phát thanh Long An có thêm Phòng Truyền hình với gần 10 cán bộ, nhân viên (được tách ra từ ngành Văn hóa Thông tin tỉnh cùng một số người mới được bổ sung), chính thức có tên gọi Đài PT&TH Long An. Hoạt động của bộ phận truyền hình là sản xuất tin, phóng sự, tài liệu gửi cộng tác Đài Truyền hình TP.HCM phát sóng.
Đài cử phóng viên theo chân các đoàn, sang tận Campuchia đưa tin về hoạt động của bộ đội ta giúp người dân nước bạn thoát nạn diệt chủng. Khi Campuchia được giải phóng, đài cử phóng viên tháp tùng cùng lãnh đạo tỉnh sang nước bạn dự lễ đón quân tình nguyện Long An hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về quê hương. Ống kính truyền hình ngày ấy ghi lại không khí tiễn đưa trang trọng, tấm lòng tri ân sâu sắc của cán bộ, nhân dân đất nước Chùa tháp dành cho bộ đội Việt Nam, trong đó có Long An. Cũng giai đoạn này, tỉnh Svay Rieng kết nghĩa với Long An, theo chỉ đạo của tỉnh, đài hỗ trợ máy móc, thiết bị, cử nhiều cán bộ kỹ thuật luân phiên sang giúp Svay Rieng xây dựng đài phát thanh tỉnh.
Mặt khác, đài cũng tập trung tuyên truyền cuộc tiến quân khai phá vùng Đồng Tháp Mười, bởi đây là chủ trương lớn của tỉnh và Chính phủ nhằm đánh thức tiềm năng vùng đất này cũng như phân bố lại dân cư. Phóng viên đài ngày đêm bám sát, phản ánh hoạt động của cán bộ, nhân dân, của 5 đoàn kinh tế tỉnh trên các công trình đào kinh, đắp đường, mở lộ 49 (nay là Quốc lộ 62), trên các vùng đất hoang vu vừa khai mở,...
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Trương Văn Tiếp nói: “Khi tỉnh có chủ trương tiến quân lấp kín Đồng Tháp Mười, Đài Long An tích cực vào cuộc, góp phần cổ vũ, động viên mọi người khai thác tiềm năng vùng đất hoang sơ, bố trí lại dân cư, thế trận quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh”.
Năm 1995, đài chính thức phát sóng truyền hình, với máy analog 5kw, kênh 34 UHF. Năm 2003, đài khởi công xây dựng trụ sở làm việc mới. Sự thay đổi về hạ tầng - kỹ thuật giúp đài có điều kiện tạo ra đột phá trên lĩnh vực thông tin, tuyên truyền. Bên cạnh những người dày dạn kinh nghiệm làm nòng cốt, đài bổ sung hơn 50 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên qua đào tạo cơ bản, nâng tổng số cán bộ, nhân viên lên khoảng 100 người.
Về chuyên môn, đài tăng cường thời lượng phát sóng; tổ chức thêm nhiều chuyên đề, tiết mục mới nhằm phản ánh đầy đủ hơn các chủ trương, thông tin trong đời sống xã hội: Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những sự kiện chính trị lớn của địa phương, các kỳ đại hội Đảng, bầu cử HĐND, xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm, giảm nghèo; xây tặng nhà tình nghĩa, tình thương; xây dựng cánh đồng lớn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp;... Song song đó, đài phối hợp một số ngành: Công an, quân đội, các hội, đoàn thể mở các chuyên mục: An ninh Long An, Quốc phòng toàn dân,…
Đoàn Long An tham dự Hội thao - Giao lưu văn nghệ các Đài PT-TH Cụm thi đua số 8, Bắc sông Hậu lần thứ XII năm 2015. Ảnh: Thanh Nguyên
Từ năm 2010 đến nay, Đài PT&TH Long An liên tục giành giải thưởng tại 4 lần Liên hoan Phát thanh cấp Quốc gia. Về giải Liên hoan Truyền hình toàn Quốc, đài giành được 1 Huy chương Vàng phim ca nhạc “Chuyện tình của dòng sông”; Huy chương Bạc cho các phim: Sống chung với lũ, Người kỹ sư không bằng, Chuyện từ vạn cấy, Chuyện người nhặt đinh, Thả nổi, Chuyện lạ ở Thuận Bình,... Đặc biệt, có những phóng sự tài liệu kết hợp ngành công an thực hiện, đoạt giải thưởng cao trong các đợt liên hoan phim truyền hình toàn quân: Những viên đạn thao trường, Má Tư Cái Đôi, Lời nguyền của lúa,... |
Những dấu ấn
Nhiều chương trình tạo dấu ấn tốt với khán, thính giả như Bản tin thời sự; Chuyên đề pháp luật; Nhịp cầu nhà nông, Vượt qua hiểm nghèo,... “Thời gian qua, chương trình Vượt qua hiểm nghèo của Đài PT&TH Long An có sức lan tỏa lớn, có 300-400 nhà hảo tâm hỗ trợ sau mỗi lần phát sóng. Từ năm 2006 đến nay, hàng năm, các tổ chức, cá nhân đóng góp bình quân hơn 1 tỉ đồng, giúp người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh có điều kiện vươn lên trong cuộc sống…” - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ - Hồ Văn Cưng cho biết.
Anh Nguyễn Chí Trãi và Nguyễn Văn Rìa - nông dân ở huyện Vĩnh Hưng, bộc bạch: “Tôi tâm đắc nhất là chương trình Nhịp cầu nhà nông và Thời sự vì thu thập được nhiều kiến thức khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất cũng như nắm được thông tin thời sự tỉnh nhà”.
Nhiều phim tài liệu của đài ghi lại câu chuyện, hình ảnh những người con ưu tú của Long An đóng góp cho quê hương, đất nước, trở thành tấm gương sáng để các thế hệ mai sau học tập, phấn đấu như Nhà giáo Nhân dân, cố Giáo sư Trần Văn Giàu, ông Nguyễn Văn Chín (còn gọi Chín Cần - cố Bí thư Tỉnh ủy), ông Bùi Văn Giao (còn gọi Tư Giao - cố Phó Chủ tịch UBND tỉnh),...
Cùng với những tin, bài biểu dương nhân tố tích cực, đài mạnh dạn phê phán các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận như bắt giữ người trái phép, ô nhiễm môi trường, quy hoạch treo,... Khi tác nghiệp để thông tin những vấn đề trên, không ít lần, phóng viên bị một số tổ chức, cá nhân cản trở, đe dọa, thậm chí dùng vũ lực tấn công mà gần nhất là vụ 2 phóng viên bị hành hung khi đang tác nghiệp gần Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa.
Bên cạnh mảng tin tức thời sự - chính trị, đài liên kết với đài tỉnh Tây Ninh và đài một số tỉnh miền Tây Nam bộ tổ chức truyền hình trực tiếp nhiều chương trình văn nghệ, thu hút đông đảo khán, thính giả gần, xa như Tiếng vọng quê hương, Những dòng sông hò hẹn, Nghệ sĩ và tri âm, Biên giới khúc tình ca,... Nhưng, gây tiếng vang, được dư luận đánh giá cao có lẽ là cuộc thi Tiếng hát truyền hình và Giọng ca cải lương truyền hình do đài tổ chức dành cho thí sinh trong, ngoài tỉnh.
Đài PT&TH Long An còn đưa nhiều tin, bài ngoài địa phương về Quân chủng Hải quân, lính đảo Trường Sa đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc; hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư tại các nước: Nhật Bản, Trung Quốc của lãnh đạo tỉnh,... Ê kíp phóng viên đài đi nhiều tỉnh, thành phố trong nước thực hiện hàng loạt phim phóng sự, tài liệu về danh lam thắng cảnh, tên đất, tên người và phát sóng qua chương trình: Đất - người Nam bộ, Hành trình khám phá.
Trên lĩnh vực phát thanh, những năm gần đây, đài nối sóng truyền thanh trực tiếp với Đài Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau thực hiện chương trình Qua miền văn hóa, trực tiếp truyền thanh định kỳ hàng tuần chương trình văn nghệ Giao lưu với thính giả và nghệ sĩ, Ca nhạc theo yêu cầu, Tri âm đồng điệu,... Năm 2017, Đài Long An có thêm trang thông tin điện tử nhằm giúp khán, thính giả dễ dàng lựa chọn các chương trình của LA34.
Chặng đường hình thành và phát triển của đài cho đến hôm nay là nhờ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo, đầu tư máy móc, thiết bị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Giám đốc đài qua các thời kỳ. Hiện nay, cùng các cơ quan báo chí khác chịu nhiều áp lực về nguồn kinh phí hoạt động nên để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, Đài PT&TH Long An tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành, vận động quảng cáo từ các nhà đầu tư, tài trợ để tăng nguồn thu bảo đảm sự phát triển.
Song song đó, đài phải nhanh chóng xây dựng, thực hiện nhiều chương trình, tiết mục mới nhằm thu hút khán, thính giả. Ðồng thời, Đài cần phát huy tốt dân chủ cơ sở, tạo môi trường lao động sáng tạo, đoàn kết, xây dựng và cống hiến, góp phần đưa Đài PT&TH Long An ngày càng phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng và đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của người dân./.
Nguyễn Dũng