Tiếng Việt | English

30/06/2020 - 12:40

Dân vận khéo góp phần hoàn thành chương trình nông thôn mới

Những năm qua, phong trào thi đua Dân vận khéo được các cấp, các ngành TP.Tân An, tỉnh Long An phát động sâu, rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều cách làm sáng tạo, mang ý nghĩa thiết thực đã được khơi dậy, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Vận động xây dựng kết cấu hạ tầng

Năm 2011, TP.Tân An chỉ có 1 xã đạt tiêu chí giao thông là Bình Tâm. Trong đó, đường trục xã, liên xã với tổng chiều dài 44,12km nhưng chỉ có 17,5km đạt chuẩn, chiếm 39,7%; đường trục ấp và liên ấp có tổng chiều dài 57,2km nhưng chỉ có 33,8km đạt chuẩn, còn lại 23,3km là đường đất; đường ngõ, xóm tổng chiều dài 66,5km, trong đó có 46,7km đạt chuẩn, chiếm 70,12%; đường nội đồng còn 12,1/27,5km chưa được cứng hóa.

Đường giao thông được xây dựng với sự đồng tình, góp sức của nhân dân

Nhằm mang lại diện mạo mới cho thành phố, nhất là khu vực nông thôn, Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã xác định đầu tư phát triển hệ thống giao thông là yêu cầu cấp thiết. Qua 9 năm xây dựng, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các trục đường giao thông nông thôn được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng khá tốt yêu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố.

Có dịp trở lại An Vĩnh Ngãi - 1 trong 2 xã đầu tiên của thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2014. Chúng tôi nhận thấy, các tuyến đường trục xã, trục ấp tiếp tục được nâng cấp so với trước đây. Đường nhựa, bêtông rộng rãi, sạch sẽ nối liền giữa các ấp. Phó Bí thư Đảng ủy xã - Ngô Tấn Hổ cho biết: “Việc đóng góp xây dựng đường giao thông luôn nhận được sự đồng tình rất cao của nhân dân, bởi tất cả đều hiểu được lợi ích khi các công trình hoàn thành”.

Cùng với phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất trường học trên địa bàn các xã cũng được nâng cấp đạt chuẩn 100%. Hiện nay, 5/5 xã có trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng và trạm y tế đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Theo thống kê, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình XDNTM từ năm 2011-2019 của thành phố trên 324 tỉ đồng, trong đó, nguồn vốn do doanh nghiệp và nhân dân đóng góp trên 46 tỉ đồng.

Từ nguồn vốn trên, UBND thành phố chỉ đạo các xã tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh. Bà Trần Thị Bạch Lan, ngụ ấp Vĩnh Bình, xã An Vĩnh Ngãi, phấn khởi: “Dù là xã nhưng bây giờ An Vĩnh Ngãi phát triển đâu thua gì các phường. Việc đi lại, sản xuất của người dân vô cùng thuận tiện. Tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng, còn hộ khó khăn cũng được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời”.

Cổng ấp văn hóa xã Nhơn Thạnh Trung được xây dựng với nguồn vốn xã hội hóa 100%

Lấy sức dân để chăm lo cho dân

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy - Lê Thành Phước, để đạt kết quả như hôm nay, công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu được ý nghĩa, mục đích của chương trình XDNTM đóng vai trò hết sức quan trọng. Những năm qua, thành phố đã lắp đặt 25 panô tuyên truyền trên địa bàn 5 xã; đăng, phát 986 tin, 48 bài phóng sự, 488 bài viết chuyên mục về XDNTM; tổ chức 120 cuộc hội thi tìm hiểu về Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM; cấp phát 695 tài liệu tuyên truyền về NTM;…

Bên cạnh đó, vai trò chủ thể của người  dân được phát huy tốt, thể hiện bằng việc người dân ở các ấp, xóm, khu dân cư tự quyết định đầu tư các công trình theo quy hoạch và định hướng của chính quyền địa phương. Người dân cũng được trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp thông qua các ban phát triển ấp, ban giám sát cộng đồng nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao, đáp ứng yêu cầu tiến độ và chất lượng xây dựng công trình.

Xã Nhơn Thạnh Trung được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Trong 5 năm qua, xã tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư giữ vững và nâng chất các tiêu chí NTM. Bí thư Đảng ủy xã - Lê Văn Thanh thông tin: “Hiện nay, kinh tế chính của xã vẫn là nông nghiệp. Nhằm giúp người dân tăng thu nhập, xã vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thổ nhưỡng và thị trường, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế tập thể”.

Song song đó, xã tập trung củng cố, giữ vững các tiêu chí “động” như môi trường, an ninh, trật tự, phấn đấu đạt xã NTM nâng cao trong nhiệm kỳ 2020-2025. Theo ông Lê Văn Thanh, điều đáng phấn khởi nhất trong quá trình XDNTM của xã là người dân đã hiểu chủ trương và đồng thuận rất cao khi xã triển khai, thực hiện các công trình. Điển hình là nhân dân hiến đất xây dựng các đài lắng lọc nước, góp tiền xây dựng cổng ấp văn hóa, tham gia trồng, chăm sóc cây xanh,...

Qua vận động, người dân hiến đất xây dựng các đài lắng lọc nước

Thông tin từ UBND thành phố, giai đoạn 2011-2019, các xã vận động trên 1,8 tỉ đồng để sửa chữa, xây dựng mới 78 căn nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà tình bạn. Do đó, trên địa bàn 5 xã hiện không có nhà tạm, nhà dột nát. Tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn chiếm 93,5%. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố đạt 69,4 triệu đồng, trong đó, khu vực nông thôn đạt 58,46 triệu đồng; hộ nghèo giảm còn 0,57%, khu vực nông thôn giảm còn 1,20%.

Có thể thấy, công tác dân vận đã tác động tích cực đến quá trình XDNTM của TP.Tân An trong thời gian qua. Việc huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân đã giúp thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra./.

Đến nay, 5/5 xã trên địa bàn TP.Tân An đều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Bình Tâm, An Vĩnh Ngãi (năm 2014); Nhơn Thạnh Trung, Lợi Bình Nhơn (năm 2015) và Hướng Thọ Phú (năm 2017).

An Kỳ

Chia sẻ bài viết