Tiếng Việt | English

13/09/2021 - 10:04

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt

“Phi chính trị hóa” quân đội là một âm mưu, thủ đoạn nham hiểm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, với mục đích tách Quân đội nhân dân Việt Nam ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho quân đội không còn là công cụ sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Những năm qua, lợi dụng thông tin bùng nổ trên mạng xã hội, các phần tử xấu ra sức tuyên truyền phủ nhận, xuyên tạc tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối quân sự của Đảng ta, đặc biệt là quan điểm về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các phương tiện truyền thông phương Tây ra sức công kích phủ nhận nguyên tắc “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chúng lập luận rằng, quân đội “chỉ là công cụ của quốc gia, dân tộc”, vì thế “không cần phải đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào”; “không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào”; “quân đội trung lập, quân đội đứng ngoài chính trị”; có kẻ đề nghị “từ bỏ nguyên tắc lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”,... Gần đây, lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và

Nhà nước ta, chúng xuyên tạc, khoét sâu những hạn chế, yếu kém, tạo dư luận trái chiều nhằm làm cho một bộ phận cán bộ, chiến sĩ có phần bi quan, dao động. Cần khẳng định, luận điệu đòi “phi chính trị hóa” quân đội là luận điệu xuyên tạc, thiếu căn cứ cả về cơ sở lý luận và thực tiễn.

Cách đây hơn 200 năm, Claudơvít - nhà lý luận quân sự nổi tiếng của nước Phổ, đã nói rằng: “Chiến tranh là sự kế tục của chính trị”, trong khi quân đội ra đời để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh. Luận điểm này được thừa nhận rộng rãi trong cả khoa học quân sự tư sản lẫn khoa học quân sự vô sản.

Vì vậy, khi đã thừa nhận “chiến tranh là sự kế tục của chính trị” thì tất yếu phải thừa nhận rằng không bao giờ và không ở đâu có thứ quân đội “đứng ngoài chính trị” hoặc “trung lập về chính trị”, bởi bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng có mục tiêu chính trị và quân đội của các bên tham chiến đều được tổ chức, giáo dục để thực hiện mục tiêu chính trị đó của cuộc chiến tranh.

Lịch sử ra đời và phát triển của quân đội trên thế giới cho thấy, quân đội là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp, mang bản chất giai cấp sâu sắc. Quân đội mang bản chất của giai cấp tổ chức xây dựng, giáo dục, rèn luyện và sử dụng nó. V.I.Lênin từng khẳng định: Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị, đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ, giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản. Thực tiễn trên thế giới cho thấy, quân đội của bất kỳ quốc gia nào cũng là một lực lượng chính trị quan trọng mà bất cứ nhà nước nào, giai cấp cầm quyền nào cũng phải nắm lấy để bảo vệ quyền lợi chính trị và kinh tế của mình.

Thực tiễn ngay từ ngày đầu thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã được tổ chức theo mô hình có chi bộ Đảng lãnh đạo. Bên cạnh người đội trưởng, có một cán bộ chính trị chuyên làm công tác chính trị theo đường lối của Đảng,...

Hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta luôn là lực lượng chính trị trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực hiện chiến đấu thắng lợi.

Các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó có đòi hỏi “phi chính trị hóa” quân đội. Do vậy, chúng ta phải vạch trần sự phi lý và ngụy tạo của quan điểm xuyên tạc đó; đồng thời, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh phải luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, kiên định vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; luôn đề cao cảnh giác; thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị để đánh bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của kẻ thù./.

Lê Đình Lượng

Chia sẻ bài viết