Tiếng Việt | English

29/03/2022 - 08:26

Đất lửa 'nở hoa'

Trước ngày giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), nhiều người bảo Quảng Trị “đất cày lên sỏi đá”. Các địa danh: Gio Linh, Đông Hà, Hải Lăng,... luôn tràn ngập tin chiến sự hàng ngày. Suốt thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Quảng Trị là điểm nóng nhất của vùng Một chiến thuật; còn bây giờ, vùng đất lửa năm nào đã “nở hoa”.

Sỏi đá nở hoa cà phêSỏi đá nở hoa cà phê

1. Mùa hè năm 1980, tôi đi viết phóng sự về làng chài Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), gặp rất nhiều người Quảng Trị “tha phương cầu thực” từ bến cá, chợ cá cho tới bãi biển cháy nắng với xóm lều hơn 30 cái chằm lá rừng, tấm nylon và giấy cạc tông “vá chùm vá đụp” mà vẫn rách tả tơi. Hơn trăm con người - già trẻ, lớn bé, gái trai “bám víu” nhau trên cái xóm lều ấy để mưu sinh.

Ông Phan Luật, 74 tuổi, cho biết, ông đến từ Hải Lăng sau ngày 30/4/1975 khi làng chài Bình Châu chỉ lác đác mươi nóc nhà tạm chứ không như bây giờ là phố biển, làng chài sầm uất không còn đất ở. “Giờ tui giao hết nhà cửa, ghe lưới cho con cháu, còn vợ chồng tui ra xóm lều này để ở, lượm ve chai do ghe tàu cá vứt xuống biển, sóng đánh dạt vô bờ, để độ nhật” - ông Luật nói.

Chị Võ Thị Lời, 60 tuổi, ở lều kế bên, cho biết nhà chị có 10 miệng ăn. Chị đã bán hết nhà cửa, đất đai ở Hải Lăng, đưa cả nhà vô đây “cắm dùi”. “Tui sắm một tấm lưới đánh bắt trong bờ. Lũ nhỏ không làm nghề biển được thì đi Bưng Riềng hơn chục cây số, chăn bò mướn mà không được chủ trả tiền công, chỉ khoán cho số phân bò thải trên bãi bò ăn để hốt về đổi lấy gạo” - chị tâm sự. Vậy nên chị nhớ quắt nhớ quay đất cũ làng xưa, bán đổ bán tháo những gì có được để đưa cả nhà về lại quê cũ với ý chí: Người ta sống được thì mình sống được. “Hồi trước, đất cày lên sỏi đá; có sức người sỏi đá cũng thành cơm” - chị nói rồi cất giọng ru buồn: “Cây khô tưới nước cũng khô, phận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo!”. Nghe chị Lời trải lòng mà tôi thắt cả ruột. Chị cho biết: Toàn xóm lều không tên này đều là dân Hải Lăng.

2. Những phận đời như vậy ám ảnh tôi mãi. Rồi tôi đọc ký ức Một trận nhớ đời (1) của cựu chiến binh Huy Thịnh, kể lại năm 1972, bên bờ sông Thạch Hãn, đơn vị anh chịu một trận pháo Mỹ dài cả ngày. Hàng ngàn, hàng vạn đạn pháo nã tới tấp... Tôi đọc bài của nhà văn Thu Tứ - từng là Bộ đội Cụ Hồ và phóng viên chiến trường thời chống Mỹ - viết về Anh linh hiển hiện (2) sau khi đi Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị và địa đạo Vĩnh Mốc mà nhớ lại “những cơn mưa bom cực kỳ ác liệt của Mỹ. Từ năm 1965 đến 1972, bình quân mỗi người dân “gánh” 7 tấn bom, pháo”. Năm 2015, Phan Tứ trở lại Quảng Trị “... Ngạc nhiên và vui quá. Cái thị trấn (Hải Lăng) bé nhỏ chìm trong khói lửa mịt mờ năm xưa nay là thành phố khang trang, hiện đại, có cả khách sạn 4 sao...” - cho thấy Gio Linh, Vĩnh Mốc, Hải Lăng,... bừng sức sống!

Xúc động nhất là đọc tản bút của cây đại thụ báo chí kiêm nhà văn lão thành Phan Quang, năm gần 90 tuổi, cụ trở về quê nhà ngồi giữa cỏ lau Thành cổ hồi tưởng đời mình với chân lý con người sống không thể tách rời quá khứ. Cụ nhớ lời cha kể về Đức vua Hàm Nghi trên đường xuất bôn ra Tân Sở, có nghỉ đêm tại nhà mình bên Thành cổ; lính bảo vệ nằm la liệt dưới gốc cau, bụi chuối; hai thớt voi buộc dưới gốc cổ thụ trước nhà. Hôm sau xa giá đi tiếp ra Thành Quảng Trị cho Hoàng thái hậu cùng số lớn cung tần mỹ nữ quay trở lại, để vua nhẹ gánh đi lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp. Tóc bạc tợ bông lau Thành cổ, cụ thầm thĩ chuyện ngày thơ, rồi chuyện thời thanh xuân giã từ nhà trường và quê nhà khói lửa để đi chiến trường chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ khi là khẩu súng, khi là ngòi bút xông pha trận mạc từ Cách mạng Tháng Tám cho tới ngày hòa bình, trở về cùng với trường văn trận bút. “Đã có biết bao người viết về sự tích Thành cổ, về những chiến tích có một không hai trong lịch sử, có những tác giả không chuyên viết trong buồn đau cùng cực nghĩ nhớ đồng đội gục ngã bên chân mình, viết nén cơn giày vò thể xác bởi thương tật, ốm đau di họa chiến tranh. Có bao người nước ngoài, nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, cựu binh Mỹ nay đã là tác giả thành danh, có bao du khách đến từ bốn phương trời đã viết, đã vẽ, đã ghi về Thành cổ...” - tác giả lão thành tha thiết với cỏ lau Thành cổ. Đọc tản bút của cụ, tôi chạnh nhớ bốn câu thơ: Đò lên Thạch Hãn ơi - chèo nhẹ/ Dưới sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.

3. Vừa rồi, bà xã có dịp đi Quảng Trị. Từ Quảng Trị, bà xã tôi gọi điện về rối rít: “Anh mở Zalo đi, em chuyển hình ảnh ở đây cho xem”. Đây là nhà cháu gái chị P. (bạn của bà xã) trong rừng sâu Hướng Hóa - giáp biên giới Việt - Lào mà xe 30 chỗ bon bon đến tận nhà. Hai vợ chồng cháu tự tay đắp từng miếng gạch, tráng từng miếng xi măng. Nể nhất là vợ chồng kiên trì khiêng từng bao xi măng để đắp con đường mòn lên đồi cà phê, hồ tiêu mà hai vợ chồng gầy dựng. Mảnh vườn nhà còn có rau, củ, quả xanh mơn mởn. Cà chua chín đỏ cây, ớt trĩu quả. Cây ăn trái thì đủ loại như ở miệt vườn miền Đông, miền Tây; rẫy đậu phộng, rẫy bắp,... Mùa này, bông cà phê nở như tuyết phủ bít từng ngọn đồi. Hồ tiêu treo lúc lỉu từng chùm hạt bóng mẩy. Nhà ở rừng mà có đủ điện, nước, tủ lạnh, tivi, máy ấp trứng..., tiện nghi như ở đô thị hiện đại vậy!

Vỹ thanh. - Chuyện thời bình “đổi đất đổi đời” tôi không lạ. Bởi trên đất nước đổi mới của chúng ta hôm nay có bao điều kỳ diệu như thế nên nhìn đâu cũng đẹp. Ngay ở vùng Đồng Tháp Mười (Long An) tiếng là “đất mặn đồng chua - nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng” nhưng nay là vựa lúa triệu tấn của tỉnh Long An; có ai tin nơi ấy lắm chỗ đã trồng thành công nhiều loại cây ăn trái như ở miệt vườn miền Tây, miền Đông.

Những hình ảnh người dân Quảng Trị mà tôi gặp ở Bình Châu trên đây có lẽ họ thiếu kiên nhẫn như nhiều người đi kinh tế mới Đồng Tháp Mười từng bỏ đất mà đi. Nay tôi nghĩ họ đã trở về “đất lửa” Hải Lăng ngày nào, và với dòng sông Thạch Hãn, với Thành cổ kiêu hãnh dưới ngọn cờ Tổ quốc tung bay làm chứng tích cho ý chí bất khuất, kiên cường của cả một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục... Ôi! Mừng sao đất của “Mùa hè đỏ lửa” nay đã “nở hoa” - một loài hoa chiến thắng và thanh bình...

(1), (2), (3): Đăng trên Tạp chí Hồn Việt các số: 66, 99, 145.

Ký của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết