Tiếng Việt | English

01/11/2023 - 09:11

Đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc về Quân đội Nhân dân Việt Nam

Thời gian qua, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa nhân văn và tinh thần quốc tế cao cả của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ). Chúng cho rằng, Nhà nước Việt Nam cử lực lượng quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ để “nhằm tìm cách đánh bóng mình”, “Nhà nước không lo bảo vệ chủ quyền lại lo làm những việc vô bổ”, “Chính phủ đưa QĐND tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ là tham gia liên minh quân sự, đi xâm lược, chiếm đóng nước khác”,... Với những luận điệu đó, mục đích của chúng là nhằm xuyên tạc đường lối, chính sách quốc phòng của Việt Nam, chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, các thế lực thù địch luôn xác định đường lối, chính sách quốc phòng của Việt Nam là một trong những nội dung chủ yếu cần phải tập trung công kích, chống phá; từ đó, từng bước xóa bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, “phi chính trị hóa quân đội”, làm cho quân đội xa rời mục tiêu, lý tưởng, không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.

Qua việc Nhà nước ta cử lực lượng QĐND tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, chúng lợi dụng sự kiện này tuyên truyền nhằm xuyên tạc đường lối, chính sách quốc phòng của Việt Nam. Qua đó, hòng bôi nhọ hình ảnh của quân đội ta, làm xói mòn niềm tin của nhân dân.

Nhằm thực hiện ý đồ trên, các thế lực thù địch đã thông qua Internet, mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, nhất là vào thời điểm trong nước diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng. Trước những thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc về hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ của QĐND Việt Nam trong thời gian tới, cần tập trung tuyên truyền một số nội dung sau:

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu và hiệu quả của công tác vận động, tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên, quân nhân và người dân, kiều bào ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế nhận thức đúng đắn, đầy đủ về đường lối, chính sách quốc phòng của Việt Nam nói chung, vị trí, vai trò của hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ của QĐND Việt Nam trong đường lối đối ngoại quốc phòng của Việt Nam nói riêng; những thành tựu mà QĐND Việt Nam đã đạt khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Đặc biệt, cần vận động, tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên và người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, có khả năng nhận diện và “miễn dịch” đối với các thông tin xấu, độc, xuyên tạc về đường lối, chính sách quốc phòng của Việt Nam.

Công tác đấu tranh phòng, chống hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch luôn phải đặt dưới sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Cuộc đấu tranh này phải được triển khai sâu, rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, cần huy động sự đồng lòng ủng hộ, tham gia của các nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại quốc phòng, tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia, các tổ chức quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng nhằm kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Đấu tranh phản bác với những quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ đường lối đối ngoại quốc phòng và hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ của quân đội ta là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, quyết liệt.

Dù có khó khăn, lâu dài phức tạp nhưng tin tưởng rằng, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, qua đó nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, khẳng định một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng làm bạn với tất cả quốc gia trên thế giới./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết