Tiếng Việt | English

21/09/2022 - 08:37

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng chính quyền số

Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Long An đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); đồng thời, xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số góp phần phát triển KT-XH.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Hải Tuấn, để đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thông tin cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Hạ tầng về CNTT từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong cơ quan nhà nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ kịp thời người dân và doanh nghiệp. Đến nay, 100% máy tính được kết nối với mạng LAN/Internet; tỷ lệ máy tính được kết nối mạng đạt 100%. 100% văn bản được tiếp nhận, chuyển, giao xử lý, ký số ban hành đúng theo quy trình và chuyển qua môi trường mạng;...

Thủ tục hồ sơ hành chính được khách hàng tra cứu trên môi trường mạng

Huyện Đức Hòa đã ban hành kế hoạch phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn huyện. Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Trường Chinh cho biết: “Việc ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính nhà nước được tập trung đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc và phương tiện làm việc nhằm cải thiện điều kiện làm việc và phát huy hiệu quả công tác của CBCC. Tất cả các quy trình từ tiếp nhận văn bản đến, chuyển giao phân công xử lý đến phát hành văn bản đi đều được thực hiện qua môi trường mạng thông qua Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Đến nay, huyện trang bị 100% máy tính cho CBCC phòng, ban chuyên môn huyện; 20 xã, thị trấn trên địa bàn trang bị máy tính cho CBCC. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số UBND huyện đạt 99,7% ,…”.

“Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước gắn với cải cách hành chính, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho CBCCVC, nhân dân và doanh nghiệp về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CNTT trong cải cách hành chính. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao trong nhiều lĩnh vực tích hợp; phối hợp các doanh nghiệp tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước” - ông Trần Hải Tuấn cho biết.

Tập trung chuyển đổi số

Hiện tỉnh tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình chuyển đổi số (CĐS), hướng đến mục tiêu hoàn thành CĐS đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần phát triển KT-XH bền vững. Chủ tịch UBND TP.Tân An - Nguyễn Minh Hùng cho biết: Để tập trung CĐS, thành phố triển khai 3 lớp tập huấn cập nhật kiến thức về CĐS và đào tạo kỹ năng số, công nghệ số, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm, nền tảng số cho 100% CBCC thành phố, 50% CBCC cấp xã và trưởng các ấp, khu phố. Hiện thành phố tiếp tục tăng cường sử dụng chứng thư số chuyên dùng; đẩy mạnh sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong dịch vụ công trực tuyến, giao dịch thuế điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử, giao dịch điện tử với Kho bạc Nhà nước. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước đạt 100%; tỷ lệ văn bản điện tử được ký số của UBND thành phố đạt 100%; tỷ lệ tài khoản sử dụng thường xuyên đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn trên Phần mềm Một cửa điện tử đạt 99,48%; số hóa hồ sơ giải quyết TTHC và kết quả hồ sơ trên Phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh đạt 92%.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước cùng với cải cách hành chính là các yếu tố cơ bản để xây dựng chính quyền điện tử

“Đến thời điểm này, nhiều dịch vụ đã được thành phố cập nhật lên hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, thành phố từng bước khắc phục những khó khăn về hạ tầng, nhân lực, CĐS đang tạo ra những thay đổi bước đầu trong nhận thức, xử lý công việc cho người dân”- ông Nguyễn Minh Hùng thông tin.

Theo ông Trần Hải Tuấn, quan điểm của tỉnh về CĐS là bước đi tất yếu nhằm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động của hệ thống chính trị; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức, lối sống, làm việc của nhân dân là động lực để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số an toàn, văn minh, rộng khắp và bao trùm;… CĐS được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đồng bộ trong hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị; sự đồng hành của doanh nghiệp và nhân dân nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và thực thi công vụ trong cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn nhân lực phục vụ CĐS.

Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông - Tăng Thị Ngọc Em cho biết: “Để CĐS thành công trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, các xã phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến ấp. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng Internet, sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành; hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống một cửa điện tử; sử dụng các phần mềm quản lý, phần mềm tài chính - kế toán;.... CĐS là một chủ trương đúng đắn giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, xóa đi ranh giới giữa người dân ở hai khu vực và thực hiện đúng quan điểm “lấy người dân làm trung tâm” theo định hướng của kế hoạch CĐS quốc gia”.

“Để quá trình CĐS thành công, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng nhiều ứng dụng dùng chung cho toàn tỉnh; đưa các ứng dụng lên điện thoại thông minh để thuận tiện cho người dân sử dụng; thiết lập hệ thống mạng diện rộng trong các cơ quan nhà nước; tạo lập kho dữ liệu dùng chung và chia sẻ dữ liệu cho toàn tỉnh, kết nối qua trục LGSP về Trung tâm tích hợp dữ liệu phục vụ cho CĐS”- bà Tăng Thị Ngọc Em chia sẻ.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, từng bước hiện đại hóa nền hành chính nhà nước là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay. Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của cơ quan nhà nước cùng với cải cách hành chính là các yếu tố cơ bản để xây dựng chính quyền điện tử giúp chính quyền hoạt động hiệu quả và chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương./.

Công khai, minh bạch hoạt động hành chính nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh đã đề ra trong cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Qua đó, góp phần phát triển KT-XH địa phương, thúc đẩy chuyển đổi số”.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Hải Tuấn

Sông Măng

Chia sẻ bài viết