Tiếng Việt | English

13/01/2020 - 11:13

Để có cái tết an toàn

Tết là thời điểm lượng người và phương tiện tham gia giao thông khá cao. Đây là khoảng thời gian mọi người được nghỉ ngơi, sum họp cùng gia đình, gặp gỡ bạn bè, người thân. Và trong những cuộc họp mặt đó, có người sử dụng rượu, bia rồi lại điều khiển phương tiện lưu thông trên đường, có thể gây tai nạn giao thông (TNGT). Thực tế, cứ mỗi dịp lễ, tết, số vụ TNGT lại tăng cao. Trong số những người bị tai nạn, có người chấp hành nghiêm luật giao thông nhưng vẫn bị “vạ lây” bởi những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu bia. TNGT để lại nỗi đau, mất mát lớn cho gia đình nạn nhân. Có người vĩnh viễn ra đi, có người phải chịu tàn phế suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. TNGT là điều không ai muốn, thế nhưng vẫn xảy ra do sự chủ quan của người điều khiển phương tiện, trong đó có người sử dụng rượu, bia.

Tết, gặp nhau uống vài ba ly rượu, chai bia là chuyện bình thường nhưng khi đã sử dụng rượu, bia thì đừng điều khiển phương tiện tham gia thông bởi vì có thể gây tai nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân mình và người khác. Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, có quy định mới nhằm cụ thể hóa quy định cấm người đã uống rượu, bia mà còn tham gia giao thông tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019. Cụ thể, người chỉ cần uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông (có nồng độ cồn) đều bị xử phạt với mức phạt tăng cao so với trước đây và tước giấy phép lái xe có thời hạn đối với những trường hợp vi phạm. Nghị định 100 được sự đồng tình của người dân, qua đó nhằm hạn chế tình trạng người khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn, có thể gây TNGT.

Vì sự an toàn của chính bản thân mình và người khác, người điều khiển phương tiện cần chấp hành nghiêm Nghị định 100 của Chính phủ và luôn nhớ “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”./.

Diệu Ái

Chia sẻ bài viết