Tiếng Việt | English

08/11/2023 - 19:10

Đề nghị bổ sung quy định chức danh đấu giá viên

Chiều 08/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tổ chức thảo luận Tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Quang cảnh buổi thảo luận 

Tham gia góp ý tại buổi thảo luận đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, đề nghị bổ sung quy định chức danh đấu giá viên.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, tham gia phát biểu tại buổi thảo luận

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho biết, theo quy định hiện hành tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 62/2017/NĐ-CP, ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản thì “Người được cấp thẻ đấu giá viên không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng, thừa phát lại”.

Đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể chức danh mà đấu giá viên không được kiêm nhiệm dựa trên cơ sở bảo đảm thống nhất với các ngành nghề bổ trợ tư pháp khác như không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thừa phát lại, thẩm định giá, quản lý, thanh lý tài sản. Đồng thời, dẫn chiếu quy định này vào các trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá (nếu vi phạm) để bảo đảm tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 4 về tài sản đấu giá, đại biểu thống nhất dự thảo đã sửa đổi, bổ sung cụ thể 18 nhóm loại tài sản đưa ra đấu giá và một quy định chung “Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá”.

Tuy nhiên, dự thảo Luật này lại chuyển tài sản đấu giá là “tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước”, tức là chuyển thành tài sản công, là chưa phù hợp thực tiễn trong một số trường hợp.

Về địa điểm đấu giá

Tại khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 37, quy định: “Trường hợp sau khi hết hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá và nộp tiền đặt trước theo Quy chế cuộc đấu giá mà thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thỏa thuận thống nhất với người có tài sản bằng văn bản và thông báo cho tất cả người đủ điều kiện tham gia đấu giá về việc thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá trước ngày mở cuộc đấu giá 1 ngày làm việc”.

Theo quy định trên, nếu thay đổi địa điểm đấu giá sau khi hết hạn nộp hồ sơ và tiền đặt trước thì chỉ cần thông báo với người đã đăng ký tham gia và nộp tiền đặt trước mà không cần được sự đồng ý của những người này, quy định này gây rủi ro cho những người đã nộp tiền đặt trước, nhưng do thay đổi địa điểm nên không thể tham gia đấu giá, dẫn đến mất tiền đặt trước, đại biểu băn khoăn và đề nghị nghiên cứu lại.

Về đăng ký tham gia đấu giá

Tại điểm c khoản 12 Điều 1 về bổ sung điểm e vào khoản 4 như sau: “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con; các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản”, đại biểu đề nghị xem xét lại quy định này, vì thành lập, mở công ty mẹ, con thuộc điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, mối quan hệ anh chị em ruột được xác định qua pháp luật Hộ tịch và cơ sở nào để xác định có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp và trách nhiệm xác định này thuộc về ai, người có tài sản đấu giá hay tổ chức đấu giá? 

Về lưu trữ hồ sơ đấu giá

Lưu trữ hồ sơ đấu giá là khâu cuối cùng của quy trình đấu giá tài sản và có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc lưu giữ thông tin để phục vụ cho hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản, công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước. Trong một số trường hợp, hồ sơ đấu giá còn là tài liệu, chứng cứ quan trọng để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Đặc biệt, đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, tài sản Nhà nước, tài sản có giá trị lớn thì hồ sơ đấu giá càng cần phải được bảo quản cẩn thận, lưu trữ lâu dài.

Tuy nhiên, theo quy định tại các Điều 31, Điều 32 của Luật Đấu giá tài sản không quy định khi doanh nghiệp đấu giá tài sản giải thể, hợp nhất, bị sáp nhập; phá sản và bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động thì Luật không quy định việc lưu trữ hồ sơ đấu giá khi tổ chức đấu giá tài sản chấm dứt hoạt động.  

Ngoài ra, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung còn đề nghị, người tham gia đấu giá trúng đấu giá sau thời gian quy định mà không nộp tiền mua tài sản nhưng không chứng minh được vì lý do bất khả kháng, thì ngoài việc mất tiền đặt trước và còn phải bị phạt nộp thêm một số tiền bằng với số tiền đã nộp trước, tất nhiên phải bổ sung cơ chế chế tài về xử lý hành chính.

Đại biểu Hoàng Văn Liên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, phát biểu thảo luận tại Tổ chiều ngày 08/11

Tham gia góp ý tại buổi thảo luận đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Hoàng Văn Liên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo xác định lại giá khởi điểm cho phù hợp với thực tiễn; bổ sung chế tài đối với các hành vi “bỏ cọc”; bổ sung quy định kiểm soát quyền lực, phòng, chống tiêu cực trong công tác đấu giá tài sản, tránh tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong một số trường hợp./.

ND

Chia sẻ bài viết