Tiếng Việt | English

06/06/2023 - 11:02

Đề nghị quy định rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, Dự thảo Luật đã thể chế hóa được chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước; đã nghiên cứu bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn để quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước cho phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực tổ chức rà soát, tập trung vào 48 bộ luật, luật, nghị quyết, 2 điều ước quốc tế có liên quan đến Luật Tài nguyên nước, trong đó 11 luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp để xây dựng, hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật, hướng tới việc tích hợp đồng bộ, tổng hợp, thống nhất các chính sách pháp luật về tài nguyên nước.

Tuy nhiên, để giải quyết được các tồn tại và đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong thực tiễn, dự thảo luật cần tiếp tục quy định hoàn chỉnh các nội dung sau.

Trước hết, về quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa tại Điều 39, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu: Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông: Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia-Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn-Hà Thanh, Ba, Sê San, Srê Pốk và Đồng Nai với tổng cộng khoảng 133 hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn, quan trọng, trong đó đã quy định trách nhiệm cho nhiều đơn vị liên quan. Quy trình vận hành liên hồ chứa trong những năm qua đã mang lại hiệu quả và góp phần giảm đáng kể tác hại do mưa lũ, hạn gây ra.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trên thực tế mặc dù trong quy trình đã quy định rõ thẩm quyền, khung quy định vận hành các hồ chứa trong các thời kỳ, trong các trường hợp, nhưng hiệu quả công tác phối hợp liên ngành còn chưa cao. Qua làm việc thực tế cho thấy: Một số khu vực còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành các hồ chứa, khó khăn trong công tác xây dựng phương án phòng, chống lũ, đặc biệt là việc đưa ra các quyết định kịp thời trong các tình huống khẩn cấp. Chẳng hạn vào mùa cạn, trong một số trường hợp, yêu cầu về điều tiết nước các hồ chứa trong mùa cạn còn chồng chéo giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, việc lập kế hoạch vận hành của các nhà máy thủy điện vừa đáp ứng nhu cầu phụ tải điện, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước còn có nhiều khó khăn. Vì vậy, kiến nghị bổ sung những điều, khoản phân rõ trách nhiệm của bộ chủ trì, phối hợp ra sao để không lúng túng, chồng chéo trong thực tiễn triển khai. Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng, vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định điều tiết, vận hành liên hồ chứa quy định tại khoản 4, Điều 39 dự thảo Luật.

Đại biểu thảo luận tại Tổ 7 để đóng góp dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Về thủ tục hành chính quy định trong dự thảo Luật, theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số quốc gia, việc này là để cắt giảm các quy định thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, qua đó từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Gần đây, Thủ tướng có Công văn 493/TTg-KSTT, ngày 01/6/2023 về việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó yêu cầu rà soát thủ tục hành chính để giảm ít nhất 20% quy định, chi phí tuân thủ pháp luật. Từ đó, đại biểu đề nghị cân nhắc bỏ quy định tại khoản 8, Điều 60 do phát sinh thủ tục hành chính gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong quá trình sử dụng đất; ngoài ra, tại Điều 6 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể về nguyên tắc sử dụng đất; bỏ quy định tại khoản 2, Điều 63, do nội dung này đã được quy định cụ thể trong pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản. Đặc biệt, trong dự thảo Luật có đến 20/83 điều có nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần xem xét cụ thể hóa bằng các quy định chi tiết trong dự thảo Luật để bảo đảm tránh phát sinh thủ tục hành chính tại các văn bản hướng dẫn dưới Luật và tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Còn về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước tại điểm a, khoản 2, Điều 76 dự thảo Luật quy định: Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông, nguồn nước trong phạm vi cả nước và có trách nhiệm: Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước; ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá về quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, trám lấp giếng không sử dụng. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, quy định này chưa phù hợp với Luật Thủy lợi, cụ thể là tại khoản 2, Điều 56, Luật Thủy lợi năm 2017 quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thủy lợi với đầy đủ các nội dung từ quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển thủy lợi và cấp phép sử dụng.

Bên cạnh đó, theo nội dung của Điều 56, Luật Thủy lợi thì việc quản lý nhà nước về thủy lợi cũng bao gồm những nhiệm vụ mà Điều 76 của dự thảo Luật Tài nguyên nước và phạm vi bao trùm cả Luật Thủy lợi. Từ đó, đại biểu đề nghị cần được làm rõ vấn đề này trong dự thảo Luật Tài nguyên nước để tránh chồng chéo trong công tác quản lý nguồn tài nguyên nước giữa 2 Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, tại Điều 76 và Điều 77 Dự thảo Luật quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp. Tuy nhiên, tại các điều, khoản khác của Dự thảo Luật cũng đang quy định “rải rác” trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Điều này sẽ gây khó khăn cho theo dõi, phân biệt trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải,... cần rà soát, quy định cụ thể trong Dự thảo Luật trên cơ sở tách bạch rõ phạm vi quản lý nhà nước của từng bộ, ngành, tránh chồng chéo, không rõ ràng trong quá trình thực hiện; bảo đảm phân định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan đối với các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên nước nhưng vẫn có sự phối hợp, chia sẻ thông tin trong tổ chức thực hiện.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023./.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết