Tiếng Việt | English

28/05/2024 - 19:53

Đề nghị rà soát và lồng ghép các nội dung, chính sách mang tính đột phá về bảo vệ môi trường

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 28/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận chiều ngày 28/5

Tham gia góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật có liên quan và lồng ghép các nội dung, chính sách được xem là đột phá so với hệ thống pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào dự thảo Luật Thủ đô, nhằm góp phần phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội phát biểu tại phiên họp

Vùng phát thải thấp quy định tại Điều 3 và Điều 28

Theo đại biểu, tại Điều 3 và Điều 28 quy định về vùng phát thải thấp và tiêu chuẩn môi trường. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã quy định về phân vùng môi trường, tiêu chí xác định các phân vùng môi trường để phục vụ công tác quản lý, quy hoạch, bao gồm: vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải, vùng khác và quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Do vậy, việc quy định về vùng phát thải thấp tại khoản 6 Điều 3 và tiêu chuẩn môi trường tại điểm a khoản 3 Điều 28 sẽ không đồng bộ với pháp luật bảo vệ môi trường, trong trường hợp vẫn quy định như dự thảo Luật, đề nghị báo cáo Quốc hội rõ hơn về cơ sở khoa học xác định mức thế nào là phát thải thấp để bảo đảm tính khả thi của quy định này.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì phân vùng môi trường là nội dung của Quy hoạch Thủ đô. Hiện nay, Hà Nội đang tiến hành xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, theo đó, phân vùng môi trường là để định hướng không gian phát triển, lộ trình và giải pháp nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện theo Luật Quy hoạch sẽ khó đảm bảo tính chủ động, linh hoạt của Thủ đô. Như vậy, cần phải có chính sách đột phá so với pháp luật hiện hành đó là: Phân quyền cho Hà Nội về điều chỉnh phân vùng môi trường trong quy hoạch Thủ đô mà không phải áp dụng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Quy hoạch.

Với giải thích như trên, đại biểu đề nghị chỉnh sửa điểm a khoản 3 Điều 28 thành: HĐND TP.Hà Nội có quyền hạn và trách nhiệm “Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định và điều chỉnh vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với từng phân vùng môi trường”. Đồng thời, rà soát, bổ sung quy định phù hợp để tránh vướng mắc trong thực tiễn khi áp dụng Luật này và Luật Quy hoạch.

Về huy động nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường tại Điều 34 và Điều 37

Đại biểu nêu, tại khoản 5 Điều 34 quy định: ngân sách thành phố Hà Nội được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH,… nhưng không có quy định đầu tư cho bảo vệ môi trường, trong khi đầu tư cho bảo vệ môi trường cần nguồn lực tài chính rất lớn cũng như phải có giải pháp huy động tài chính đầu tư cho dự án bảo vệ môi trường.

Chính vì vậy, đại biểu Tuấn Anh đề nghị, sửa đổi khoản 5 Điều 34 thành: “5. Ngân sách TP.Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại khoản 4 Điều này để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH và chi hoạt động kinh tế, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường,…”. Ngoài ra, đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 37 theo hướng tăng cường phân quyền cho Hà Nội trong việc phê duyệt các dự án trọng điểm về bảo vệ môi trường.

Về quy định cơ chế tài chính liên quan đến việc giảm phát thải khí nhà kính tại khoản 4 Điều 28

Theo đại biểu, để bảo đảm triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết thì dự thảo Luật cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để góp phần thực hiện mục tiêu này, do đó, đề nghị bổ sung vào cuối điểm a khoản 4 Điều 28 nội dung: “UBND thành phố ban hành trình tự, thủ tục và quyết định việc lựa chọn nhà đầu tư để giao dịch tín chỉ các-bon trên thị trường” tương tự như cơ chế đặc thù mới được Quốc hội thông qua đối với TP.HCM theo khoản 10 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Đồng thời, tại điểm c khoản 4 Điều 28, đề nghị bỏ nội dung kinh tế số, vì không gắn với bảo vệ môi trường và đề nghị bổ sung dự án bảo vệ môi trường thành “c) HĐND TP.Hà Nội quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon cho các chương trình, dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố”.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội kiến nghị, Hà Nội xem xét chia sẻ trách nhiệm với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia và cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xác định tỷ lệ đóng góp lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn thành phố để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi./.

ND

Chia sẻ bài viết