Tiếng Việt | English

09/08/2021 - 09:36

Để tiền hỗ trợ đến với các đối tượng thụ hưởng nhanh nhất, hiệu quả nhất

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Long An đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết (NQ) 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (LĐ) và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm giúp các đối tượng vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được trao tiền hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do ở huyện Bến Lức

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Trong một ngày đầu tháng 8, chúng tôi theo chân cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thị trấn Cần Giuộc đến thăm, tặng quà cho gia đình bà Nguyễn Thị Bẹ, đang ở trọ cùng với 2 đứa cháu tại thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc. Trước đó, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, hàng ngày, 3 bà cháu đi bán vé số để trang trải cuộc sống. Thấy đoàn đến, bà Bẹ rất mừng vì lần nào đến, cán bộ LĐ-TB&XH thị trấn cũng hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Lần này, đoàn đến trao 2.250.000 đồng hỗ trợ 3 bà cháu (mỗi người 750.000 đồng). Bà Bẹ bị bệnh tai biến nhẹ. Từ ngày địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch, công ty xổ số tạm ngừng hoạt động, 3 bà cháu không có thu nhập. Nhờ số tiền hỗ trợ từ NQ68 giúp gia đình bà trang trải cuộc sống.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai khẳng định, các cấp, các ngành đang nỗ lực đưa Nghị quyết 68 vào cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất

Tương tự trường hợp bà Bẹ, bà Phạm Thị Ước (thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) cũng vui mừng khi nhận được số tiền hỗ trợ theo tinh thần của NQ68. Được biết, vợ chồng bà Ước sống bằng nghề thu mua phế liệu. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, việc mua bán gặp nhiều khó khăn. Đến khi địa phương thực hiện giãn cách xã hội, bà không mua, bán được nên không có thu nhập trang trải cuộc sống. Chia sẻ khó khăn với gia đình bà, UBND thị trấn Tân Thạnh thường xuyên đến tặng quà. Nhận được suất hỗ trợ, bà Ước nghẹn ngào: “Nhờ có số tiền hỗ trợ của Nhà nước và các phần quà của mạnh thường quân mà vợ chồng tôi có cái ăn, có tiền mua thuốc. Cảm ơn Nhà nước luôn quan tâm, hỗ trợ người nghèo!”.

Bà Phạm Thị Ước có tiền trang trải trong thời gian cách ly nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 68

Bà Bẹ, bà Ước là 2 trong hàng ngàn trường hợp người LĐ tự do được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước theo NQ68. Ngoài nhóm LĐ tự do vừa được hỗ trợ, tỉnh còn hoàn thành việc hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người LĐ là hướng dẫn viên du lịch, với 40 người, tổng tiền hỗ trợ gần 150 triệu đồng. Bình quân mỗi người được hỗ trợ 3.710.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Thu Mỹ (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An) nói: “Từ đầu năm đến nay, tôi chỉ diễn được một suất ở đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) nên không có thu nhập nào khác ngoài lương, trong khi đó, lương cũng chỉ mang tính chất tượng trưng nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Khi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước theo tinh thần NQ68, tôi mừng lắm! Số tiền không lớn nhưng là sự động viên, chia sẻ với anh em nghệ sĩ. Giờ đây, chúng tôi chỉ mong dịch bệnh qua mau để cuộc sống trở lại bình thường, đời sống của anh em nghệ sĩ cũng bớt vất vả”.

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh kết quả đã đạt, hiện nay, việc thực hiện NQ68 tại tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, theo quy định tại Điều 1, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ: “Người sử dụng LĐ hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp cho người LĐ phòng, chống Covid-19” nhưng hiện doanh nghiệp (DN) lúng túng trong việc chi trả, hướng dẫn người LĐ mục đích sử dụng và quyết toán kinh phí này.

Tại khoản 2, Điều 13 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định: Người LĐ phải “đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người LĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương”, trong khi đó, có một số DN gặp khó khăn, nợ BHXH 1-2 tháng, chưa đóng BHXH trước tháng đề nghị hỗ trợ thì danh sách người LĐ không được cơ quan BHXH xác nhận, DN sẽ không lập được hồ sơ đề nghị hỗ trợ, như thế thiệt thòi cho người LĐ.

Đối với chị Nguyễn Thị Thu Mỹ, khoản tiền hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 không chỉ giúp anh em nghệ sĩ trang trải cuộc sống mà còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn (Ảnh tư liệu)

DN đang hoạt động mà có khó khăn hoặc không bảo đảm phương án “3 tại chỗ” phải tự dừng hoạt động toàn bộ DN hoặc DN chỉ bảo đảm một tỷ lệ người LĐ nhất định theo phương án “3 tại chỗ”, số LĐ còn lại phải nghỉ không hưởng lương, thì theo quy định, cả 3 trường hợp trên sẽ không được hỗ trợ theo tinh thần của NQ68. Về nội dung kê khai theo các biểu mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, có quy định ghi tài khoản cá nhân của từng người LĐ nhưng trong thực tế, có một số DN chưa áp dụng chi lương qua tài khoản nên người LĐ không có tài khoản cá nhân.

Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế cho phép F0 có thể tự điều trị tại gia đình và F1 được cách ly tại gia đình (tỉnh đã áp dụng), khi hỗ trợ tiền ăn có phát sinh một số bất cập như F2 vẫn yêu cầu thực hiện tự cách ly tại gia đình, do đó dẫn đến sự so bì khi chỉ chi hỗ trợ tiền ăn cho F1; F0 tự điều trị tại gia đình nhưng trong Mẫu số 8C yêu cầu phải có ký nhận; tuy nhiên, trong thực tế thì việc ký nhận trường hợp này rất khó thực hiện.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Hồng Mai cho biết: “Để nhanh chóng thực hiện NQ68, ngành LĐ-TB&XH đề xuất giao DN có trách nhiệm lập danh sách chi hỗ trợ trực tiếp cho người LĐ (có ký nhận của từng người LĐ) và hướng dẫn người LĐ sử dụng đúng mục đích để phòng, chống dịch cho cá nhân, trong đó danh sách chi hỗ trợ được lưu trữ tại DN để phục vụ công tác đối chiếu, kiểm tra sau này.

Các ngành chức năng cần phải hỗ trợ DN, khi đó chủ sử dụng LĐ phải có thông báo tạm ngừng hoạt động với thời gian cụ thể để có cơ sở tính toán chế độ hỗ trợ cho người LĐ theo quy định; khi lập các biểu mẫu, DN có thể kê khai theo tài khoản của DN để nhận hỗ trợ và chịu trách nhiệm chi trực tiếp cho người LĐ (bảo đảm có ký nhận của từng người LĐ); đề nghị căn cứ vào giấy điều trị để chi hỗ trợ tiền ăn không cần F0 ký nhận vào biểu 8C. Riêng ngành LĐ-TB&XH đang yêu cầu các địa phương tiếp tục điều tra, rà soát đối tượng LĐ tự do để cấp kinh phí hỗ trợ đợt 2”./.

Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 68, tỉnh triển khai hỗ trợ cho các nhóm đối tượng với tổng kinh phí gần 155 tỉ đồng, trong đó Bảo hiểm xã hội tỉnh giảm mức đóng cho 5.237 tổ chức, cơ quan, đơn vị, với số lao động được giảm mức đóng là 296.119 người tương ứng với số kinh phí tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm gần 105 tỉ đồng; hỗ trợ 6 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với số tiền gần 17 triệu đồng; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 và người cách ly y tế (F1) trên 12.780 người, với tổng số tiền gần 14 tỉ đồng; hỗ trợ cho 12 trẻ em trong các khu cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19 (F1) với tổng số tiền 20 triệu đồng; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch 40 người, với số tiền gần 150 triệu đồng; hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) gần 36 tỉ đồng.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết