Tiếng Việt | English

25/04/2025 - 19:36

Đề xuất hoàn trả tiền giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư nhà ở xã hội

Chính phủ đề xuất Nhà nước sẽ hoàn trả chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với những chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Chiều 25/4, tiếp tục phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội

Tại dự thảo nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ đề xuất cho phép Nhà nước hoàn trả hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính các khoản chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với những chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, có quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Theo đó, các khoản chi phí được đề xuất hoàn trả hoặc khấu trừ bao gồm: tiền sử dụng đất; kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các khoản chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội liên quan đến việc tạo lập quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Sinh, trong quá trình thực hiện các dự án nhà ở xã hội, có nhiều trường hợp doanh nghiệp chủ động nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người dân, tự bỏ vốn ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên, các chi phí này không được hoàn trả hoặc không được tính vào cơ cấu giá bán nhà ở xã hội, trong khi tỷ suất lợi nhuận định mức bị khống chế theo quy định.

Việc hoàn trả hoặc khấu trừ các khoản chi phí này sẽ giúp tăng tính hấp dẫn và thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nhà ở xã hội - một lĩnh vực có vai trò an sinh nhưng không mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư.

Cần xin ý kiến Bộ Chính trị việc hoàn trả tiền giải phóng mặt bằng

Thẩm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Hoàng Văn Liên cho biết, nhiều ý kiến không đồng thuận với đề xuất này và đề nghị không đưa nội dung hoàn trả chi phí giải phóng mặt bằng vào nghị quyết.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Hoàng Văn Liên báo cáo thẩm tra tại phiên họp

Các ý kiến này cho rằng, việc hoàn trả chi phí thực chất là chính sách chi ngân sách gián tiếp với phạm vi ảnh hưởng rộng. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, việc hoàn trả các chi phí cho nhà đầu tư có thể tạo gánh nặng tài khóa cho trung ương và địa phương, đặc biệt nếu không kiểm soát tốt số lượng dự án và quy mô chi phí được hoàn trả.

Theo ông Liên, dự thảo chưa có báo cáo đánh giá tác động chính sách về nguồn lực tài chính cần thiết, khả năng cân đối và bố trí ngân sách để thực hiện chính sách này. Cùng đó, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, trong hồ sơ trình Quốc hội cũng chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính - cơ quan có trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước.

Cạnh đó, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng nhấn mạnh, chính sách hoàn trả chi phí cho chủ đầu tư nhà ở xã hội là nội dung mới, chưa có trong kết luận của Bộ Chính trị về chính sách phát triển nhà ở xã hội. Do đó, nếu tiếp tục giữ đề xuất này, cần có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền.

Ngoài các lưu ý nêu trên, Ủy ban Pháp luật - Tư pháp cho rằng, việc mở rộng chính sách hoàn trả chi phí dễ dẫn tới tình trạng kê khai không đúng thực tế các khoản bồi thường, thổi giá chi phí đầu tư hạ tầng, gây thất thoát ngân sách nếu không có cơ chế kiểm soát minh bạch và chặt chẽ.

Trong khi đó, dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ ràng về cơ chế hậu kiểm, kiểm toán, giám sát thực hiện chính sách.

Ngược lại, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật - Tư pháp đồng ý với đề xuất này song cho rằng, cần báo cáo Bộ Chính trị về nội dung này, đồng thời cần quy định chặt chẽ thời điểm hoàn trả, có thể phải đến khi chủ đầu tư hoàn thành dự án, tránh trường hợp chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ dẫn đến mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội không đạt được, làm thất thoát nguồn lực mà Nhà nước đã hoàn trả.

Nhiều ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với các chính sách chưa có trong kết luận của Bộ Chính trị thì phải xin lại ý kiến Bộ Chính trị.

Giải trình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất. Thực tế có một số chủ đầu tư đang có quyền sử dụng đất nhưng muốn chuyển sang làm nhà ở xã hội nhưng theo quy định thì nhà đầu tư có quyền sử dụng đất rồi lại không được miễn trừ tiền sử dụng đất. 

Do đó, nếu cộng tiền sử dụng đất vào giá thành nhà ở xã hội thì không đảm bảo sự ưu đãi đối với người mua nhà ở xã hội vốn thu nhập thấp. Từ đó, đại diện Chính phủ  bày tỏ mong muốn  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình đảm bảo công bằng, và người mua nhà ở xã hội được mua giá nhà thấp hơn./.

Theo Báo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/de-xuat-hoan-tra-tien-giai-phong-mat-bang-cho-chu-dau-tu-nha-o-xa-hoi-185250425172725601.htm

Chia sẻ bài viết