Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch-Nguyễn Văn Danh trao giải thưởng cho các Ban Đờn ca tài tử
Hướng về cội nguồn
Mỗi khi nhắc đến nghệ thuật đờn ca tài tử, lại nhớ đến câu “Nhất Bạc Liêu, nhì Cần Đước”! Long An, đặc biệt là mảnh đất Mỹ Lệ - quê hương của gạo Nàng Thơm Chợ Đào tự hào là một trong những nơi nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại từng truyền dạy dòng nhạc lễ, nhạc tài tử.
Nhạc sư Nguyễn Quang Đại sống và hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp trong dàn nhạc cung đình Huế. Vào khoảng năm 1885, khi vua Hàm Nghi xuất bôn, ông theo phong trào Cần Vương vào Nam truyền dạy âm nhạc ở nhiều địa phương. Ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân An, ông đã dạy rất nhiều học trò. Vì vậy, giới đờn ca tài tử xem nhạc sư là hậu tổ vì tài nghệ của ông vượt trội trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc và sân khấu truyền thống dân tộc so với các nhạc sư, nhạc sĩ đương thời ở Nam bộ.
Ghi nhớ công ơn đức nghệ nhân đã sáng tạo nên loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo ấy, mái đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ trở thành nơi tôn thờ nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Cũng tại nơi đây, hơn 2 thập niên qua, cứ mỗi năm vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, đình Vạn Phước lại diễn ra lễ cầu an và lễ húy kỵ nhạc sư Nguyễn Quang Đại.
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng huyện Cần Đước phối hợp tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử với sự tham gia của các Ban Đờn ca tài tử đến từ các huyện trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Nguyễn Văn Danh, đây là hoạt động hướng về nguồn cội, nhằm tôn vinh nghệ nhân có công sáng tạo, truyền dạy bộ môn đờn ca tài tử Nam bộ đồng thời, nhắc thế hệ hôm nay và mai sau nhớ đến công lao ấy.
Ngày hội của giới tài tử
Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ lần thứ XXII năm 2016 diễn ra trong không gian diễn xướng rộng rãi, khang trang hơn những mùa liên hoan trước khi tỉnh đã đầu tư kinh phí xây dựng nhà trình diễn tại đình Vạn Phước. Theo ông Nguyễn Văn Danh, đây là nét mới của liên hoan năm nay. So với các liên hoan lần trước, đa số các tiết mục tham gia đều được sáng tác lời mới dựa trên nền nhạc cổ. Chẳng hạn như bài “Người mẹ Bình Dương” sáng tác theo điệu Nam Ai. Đặc biệt, đội ngũ tài tử trẻ trong mùa liên hoan này nhiều hơn những lần trước. Đây là tín hiệu vui trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống.
Tiết mục tham gia Liên hoan ĐCTT Nam Bộ lần thứ XXII năm 2016
Trong số những “hậu duệ” của nhạc sư Nguyễn Quang Đại tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ lần thứ XXII, ngoài những “lão làng” như nghệ nhân dân gian Út Bù, Tấn Khoa,... còn có các tài tử trẻ. Đó là tài tử Hoàng Oanh-18 tuổi của Trung tâm Văn hóa tỉnh Long An. Dù còn trẻ nhưng Hoàng Oanh trình bày điệu Phụng hoàng lai nghi “Nhớ cha” khá chín chắn.
Hoàng Oanh chia sẻ: “Em đã nhiều lần tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử tại đình Vạn Phước nhưng mỗi năm là một cảm xúc khác nhau. Một mùa liên hoan đi qua, em được học tập thêm cách hát, lối diễn của những tài tử “gạo cội” đi trước. Từ đó, giúp em rèn thêm giọng hát của mình đối với bộ môn đờn ca tài tử”.
Người trẻ đến với liên hoan đâu chỉ có giới tài tử mà còn có cả những người mộ điệu. Trong khi giới trẻ bây giờ đa số thích nhạc trẻ thì đờn ca tài tử vẫn còn đó những khán giả mộ điệu trẻ như em Nguyễn Ngọc Yến Nhi, 17 tuổi, ở xã Mỹ Lệ. Nhi bảo rằng: “Dù nghe không hiểu bản nào là Nam Ai, Lưu Thủy trường hay Tứ Đại oán nhưng thấy giai điệu của đờn ca tài tử nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người nên em rất thích. Vì vậy, liên hoan năm nào em cũng đi cùng mẹ đến đình Vạn Phước để xem”.
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu dân gian, thành viên Ban Thẩm định nghệ thuật tại liên hoan – Võ Trường Kỳ, liên hoan năm nay có nhiều tiến bộ hơn năm trước. Một số tiết mục đờn không còn tạp âm. Đặc biệt, 2 Ban Đờn ca tài tử tỉnh Long An, Đồng Nai biểu diễn tốt, hấp dẫn. Nhìn chung, so với đờn ca tài tử ở những nơi khác, liên hoan tại đình Vạn Phước còn là món quà tri ân dâng lên tổ nghiệp trong ngày lễ húy kỵ của nhạc sư Nguyễn Quang Đại nên các tài tử rất ý thức từ luyện tập đến phong cách biểu diễn. Tuy nhiên, liên hoan vẫn còn những hạn chế như một số tiết mục sử dụng nhiều nhạc cụ, thiếu tính chỉ huy trong dàn đờn, sáng tác theo 8 bài Ngự của nhạc sư Nguyễn Quang Đại còn ít, thiếu dàn dựng,...
Tài tử về tham dự liên hoan, dù đủ thành phần và không cùng quê quán nhưng tất cả đều chung suy nghĩ - Liên hoan Đờn ca tài tử là một ngày hội của giới tài tử, là cuộc tao ngộ của những tri kỷ, tri âm, là ngày hướng về tổ nghiệp và làm sáng thêm nghệ thuật đờn ca tài tử truyền thống./.
Thùy Hương