Tiếng Việt | English

03/11/2015 - 12:06

Đời rọc lá

Chỉ một cái lưỡi liềm cùng thanh sào dài, một số nông dân sống tại TP.Tân An, tỉnh Long An đã gắn bó hàng chục năm với công việc mưu sinh tuy đơn giản nhưng không kém phần vất vả: Nghề rọc lá chuối.


Chị Nguyễn Thị Anh đã có hơn 40 năm theo nghề rọc lá chuối

Chiều, khi nắng chỉ còn le lói trên con đường nhựa dẫn vào trung tâm TP.Tân An, chị Nguyễn Thị Anh, ngụ ấp Vĩnh Bình, xã An Vĩnh Ngãi mới chậm rãi trở về nhà, kết thúc một ngày làm việc. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, chị chất cả trăm ký lá chuối tươi. Nở nụ cười trên gương mặt còn toát lên sự mệt mỏi, chị dí dỏm: “Thấy tôi chở như thế, nhiều ông chạy xích lô cũng chào thua”.

Dựng “phương tiện hành nghề” bên hiên nhà, chị Anh cho biết hôm nay phải đến trưa, đạp gần 20 cây số mới tìm được chủ vườn bán lá. Cũng may, vườn trồng nhiều chuối nên chỉ cần “đóng quân” ở đây là chị có đủ lá cần để giao cho mối. “Nghề này cũng ngộ lắm chú ơi, có ngày vừa ra khỏi nhà là có lá chuối để rọc, nhưng cũng có khi đạp mỏi cả chân mới có chủ vườn đồng ý bán lá”- chị Nguyễn Thị Anh chia sẻ về nghề.

Từ khi mới 15 tuổi, chị Anh đã làm quen với nghề rọc lá chuối. Hồi ấy, chị đi theo người thím để phụ rọc lá. Đến khi lập gia đình, chị Anh chọn nghề này để mưu sinh. Đến nay, chị đã có hơn 40 năm theo nghề rọc lá chuối.

Cũng có kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề, chị Nguyễn Thị Thu, 51 tuổi, ngụ ấp An Thuận 1, phường 7, TP.Tân An nhớ như in ngày bước vào nghề rọc lá này: “Hồi đó, tôi mới 20 tuổi, lên nhà bà chị để giữ em. Thấy bà chị làm nghề rọc lá chuối cũng có đồng ra đồng vào nên quyết định đi theo nghề”.

Nghề rọc lá chuối tuy đơn giản nhưng đòi hỏi người theo nghề phải chịu khó đi xa thì mới mua được nhiều lá. Chị Nguyễn Thị Anh kể, khoảng 7 giờ sáng là chị đạp xe đi rọc lá. Không ăn trưa, chị cứ đi hết vườn chuối này đến vườn chuối khác rọc lá đến khi mặt trời ngả bóng thì quay về. “Các mối chỉ lấy lá chuối sứ, chuối hột nên phải chịu khó đi nhiều nơi mới gặp lá thích hợp. Lúc nào mệt thì tôi tựa lưng vào mấy bụi chuối nghỉ tạm và uống vài ngụm nước mang sẵn từ nhà” - chị Anh tâm sự.


Người rọc lá chuối phải chịu khó đi xa thì mới mua được nhiều lá

Dù chỉ là đi rọc lá chuối, nhưng công việc này nhiều khi cũng gặp tai nạn nghề nghiệp. Chị Nguyễn Thị Thu cho biết, đối với những vườn chuối mới đến lần đầu, nếu không hỏi rõ chủ vườn thì rất dễ gặp tổ kiến. Tuy nhiên, tai nạn khiến những người làm nghề rọc lá chuối như chị Thu “oải” nhất chính là bị ong đốt. “Có lần tôi suýt mất mạng vì bị ong mặt quỷ đốt”- chị Thu nhớ lại. Lần đó, chị đi rọc lá ở tận xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ. Vì thấy đám lá tốt quá, chị hăng hái lao vào rọc lá, ai ngờ ong mặt quỷ từ đâu bay ra đốt vào người. “Tôi ráng hết sức để chạy về nhà. Đợt ấy nghỉ hết 2-3 ngày liền” - chị Thu kể lại.

Còn chị Anh tâm sự, dù dãi nắng dầm mưa, nhưng nghề rọc lá chuối cũng mang lại cho chị nguồn thu nhập kha khá. “Tôi mua lá trong vườn 2.000 đồng/kg, bán lại cho mối 6.000/kg, 1kg tôi lời khoảng 4.000 đồng. Mỗi ngày nếu chịu khó tôi bán được trên 100kg lá, kiếm được cũng hơn 400.000 đồng”. Ngồi trong căn nhà khang trang, chị Anh tự hào: “Căn nhà này cũng từ lá chuối mà ra”.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người theo nghề rọc lá chuối cũng có ý định chuyển sang hướng khác. Chị Võ Thị Nhàn, ấp 3, xã Bình Tâm, TP. Tân An đã có hơn 10 năm theo nghề rọc lá. Nhưng với thực tế ngày càng có nhiều người phá chuối để xây nhà trọ, xây xưởng cho thuê, hoặc để chuyển qua trồng thanh long, chị Nhàn đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề để tập trung trồng thanh long trên diện tích đất của gia đình.

“Lá chuối ở trong xã ngày một hiếm nên nếu tiếp tục với công việc này tôi phải đi xa hơn để tìm mối mới, trong khi sức khỏe của mình ngày càng yếu. Nhiều người cũng tính bỏ nghề để trồng thanh long như tôi”- Chị Võ Thị Nhàn nói về tương lai của mình.

Với quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, hình ảnh những người phụ nữ tảo tần chở hàng trăm ký lá chuối để nuôi sống cả gia đình sẽ không còn xuất hiện trên đường phố Tân An trong một thời gian không xa./.

Linh Nguyễn
 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
rọc lá chuối