Tiếng Việt | English

14/08/2023 - 10:17

Đổi thay ở những vùng kháng chiến

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước, nhiều địa phương trong tỉnh trở thành vùng căn cứ cách mạng với những chiến tích lẫy lừng. Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đoàn kết xây dựng địa phương phát triển, đời sống ngày càng ấm no, sung túc.

Vững bước đi lên

Khi nhắc đến truyền thống cách mạng của địa phương, người dân xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đều bày tỏ niềm tự hào về lịch sử hào hùng. Suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây là căn cứ địa vững chắc. Trong đó, chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miếu Bà Cố là một trong những chiến thắng vang dội trong lịch sử 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên đất Long An, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954), lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương. Hiện nay, xã còn có Khu lưu niệm Nguyễn Thông, Miếu Bà Cố,... là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Miếu Bà Cố là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phú Ngãi Trị - Nguyễn Minh Trung thông tin: “Chiến tranh kết thúc, xã gánh chịu hậu quả nặng nề. Kinh tế nghèo nàn, sản xuất lạc hậu, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các biện pháp phát triển KT-XH, đến nay, bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc. Các tuyến đường giao thông liên xã, liên ấp, ngõ xóm đều được bêtông hóa, cứng hóa đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao. Hệ thống thủy lợi được nạo vét tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong sản xuất. Hệ thống đèn chiếu sáng nối liền về các ấp, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương”.

Khu lưu niệm Nguyễn Thông được đầu tư xây dựng khang trang

Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ có 14 triệu đồng thì hiện nay đạt trên 65,5 triệu đồng/năm, hộ nghèo chỉ còn 0,58% (13 hộ). Xã đang trên lộ trình phấn đấu “về đích” xã NTM kiểu mẫu vào đầu năm 2024.

Nhằm giúp người dân cải thiện đời sống tinh thần và nâng cao sức khỏe, xã còn thành lập các câu lạc bộ như dưỡng sinh, dân vũ, bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ,...

Đường giao thông trên địa bàn xã Phú Ngãi Trị được bê tông hóa

Anh Tống Thanh Phương (ấp Bình Trị 1, xã Phú Ngãi Trị) bày tỏ: “Đời sống nâng cao, đường sá đi lại thuận tiện, trường học được xây dựng khang trang, trạm y tế có bác sĩ phục vụ nên người dân rất phấn khởi. Gia đình tôi tiếp tục tham gia tích cực các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động”.

Diện mạo mới, sức sống mới

Di tích lịch sử Rừng tràm Bà Vụ tọa lạc tại ấp 1, xã Tân Hòa, huyện Bến Lức. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, khu vực Rừng tràm Bà Vụ là căn cứ quan trọng trong hệ thống liên hoàn các căn cứ cách mạng xung quanh Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn.

Đây còn là nơi trú đóng của các cơ quan đầu não cùng các lãnh đạo tiền bối như Nguyễn Thị Minh Khai, Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần, Hồ Văn Long bám trụ để xây dựng nhiều cơ sở Đảng. Tại Rừng tràm Bà Vụ, dân và quân ta lập nên nhiều chiến công oanh liệt, điển hình là chiến công tại Láng Le - Bàu Cò vào năm 1948 và 1966. Đây cũng là nơi Bí thư Trung ương Cục miền Nam - Nguyễn Văn Linh và Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định - Võ Văn Kiệt về hoạt động vào cuối năm 1967 để lãnh đạo phong trào cách mạng, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, góp phần tạo đà cho những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược tiếp theo mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Rừng tràm Bà Vụ là căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến

Hòa bình lập lại, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây đã tiếp nối, phát huy truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Hòa - Nguyễn Thanh Đức chia sẻ: “Người dân nơi đây luôn tự hào khi địa phương là “cái nôi” của cách mạng và tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng địa phương ngày càng đổi mới. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng luôn được quan tâm. Hiện cây chanh không hạt là cây trồng chủ lực của xã với tổng diện tích trên 600ha.

Ngoài ra, xã còn có cây mai vàng 150ha và một số loại cây trồng khác như ổi, dừa, mãng cầu đều đang sinh trưởng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Trường học trên địa bàn xã Tân Hòa đều đạt chuẩn quốc gia

Với những giải pháp thiết thực, phù hợp tình hình thực tiễn, bộ mặt nông thôn của xã Tân Hòa có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/năm. Hộ dân sử dụng nước sạch đạt 70%. Người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Trạm y tế, trường học đều đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe, dạy và học.

Chuyển mình mạnh mẽ

Có dịp về xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, chúng tôi nhận thấy nơi đây đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ. Đây là vùng đất ghi dấu chiến công vang dội của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực với “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa” (thơ Huỳnh Mẫn Đạt).

Trong kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết, xã Tân Bình vượt qua mọi thách thức, đánh địch bằng 3 mũi “quân sự - chính trị - binh vận” và thế trận lòng dân, góp phần cùng các địa phương trong tỉnh đưa phong trào toàn dân đánh giặc trở thành cao trào.

Hệ thống nước sạch và đường giao thông của xã Tân Bình, huyện Tân Trụ được quan tâm đầu tư xây dựng

Mảnh đất này còn là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của dân và quân Long An trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược. Trận địa chính được bố trí tại khu vực Cầu Tràm, gần chợ Mỹ Bình. Khi địch lọt vào trận địa phục kích, lực lượng ta đồng loạt nổ súng tiêu diệt 135 tên địch, bắn hỏng 1 xe Jeep, thu trên 100 khẩu súng, bọn địch còn lại hốt hoảng tháo chạy về Tân An.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xã Tân Bình trở thành “vùng trắng” vì hứng chịu “mưa bom, bão đạn”.

Trong muôn vàn khó khăn ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đoàn kết, chung sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Xã Tân Bình đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Bình - Nguyễn Ngọc Thanh Phương cho biết: “Xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2023. Đến nay, các tuyến đường trục xã, ấp đều được láng nhựa, bêtông hóa. Thông qua các mô hình: Phân loại rác tại nguồn; Tuyến đường xanh, sạch, đẹp; Ánh sáng đường quê; Camera giám sát an ninh, trật tự;... làm cho bộ mặt nông thôn càng thêm khởi sắc. Hệ thống đê bao, cống, đập trên địa bàn được quan tâm đầu tư giúp ngăn mặn, xả phèn, trữ nước ngọt nên người dân an tâm sản xuất 3 vụ lúa/năm.

Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng đất nên kinh tế phát triển. Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, đời sống được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 68 triệu đồng/năm, hộ nghèo chỉ còn 1,6%. Các giếng nước và hệ thống cung cấp đều đạt theo quy chuẩn của Bộ Y tế, hiện hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn đạt 100%”.

Những vùng kháng chiến năm xưa giờ đây đã khoác lên “màu áo mới”, hòa nhịp cùng sự phát triển của tỉnh và đất nước. Thành tích đã đạt đều bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất, luôn đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân. Tiếp nối truyền thống vẻ vang, cán bộ và nhân dân những vùng căn cứ cách mạng quyết tâm thi đua, chung sức, chung lòng xây dựng địa phương ngày thêm giàu đẹp./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết