Tiếng Việt | English

01/04/2024 - 11:35

Đồng bộ các giải pháp để 'sống chung' với hạn, mặn

Những ngày qua, khu vực Nam Bộ xảy ra nắng nóng kéo dài, tại một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tình trạng thiếu nước do hạn, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân.

Nhận định chung về tình hình xâm nhập mặn tại ĐBSCL mùa khô năm 2023-2024, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020.

Liên quan đến công tác ứng phó, từ đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Mới đây, trong tháng 3, Thủ tướng Chính phủ lại có Công điện số 19 chỉ đạo ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL.

Diễn biến hạn, mặn ngày càng khốc liệt hơn. Mặc dù các địa phương cùng các ngành chức năng liên quan đã có nhiều phương án “giải khát” tạm thời nhằm bảo đảm nước sinh hoạt, sản xuất của người dân nhưng về lâu dài, để “sống chung” với hạn, mặn thì cần có phương án liên hoàn công trình và phi công trình để thích ứng bền vững.

Theo các chuyên gia ngành Thủy lợi, nếu chỉ một địa phương ứng phó hoặc đầu tư công trình ngăn mặn cũng không mang lại hiệu quả, vì vậy, cần có kế hoạch và thực hiện đồng bộ trong điều tiết nước mặn - ngọt.

Ngoài các giải pháp công trình để giải quyết sự xung đột nguồn nước khi mặn xâm sâu vào nội đồng thì việc ưu tiên điều kiện thực tế của địa phương, chuyển đổi giống cây trồng thích ứng với thời gian hạn kéo dài, tập quán sinh hoạt và nhu cầu sử dụng nước của người dân là giải pháp linh hoạt nhất.

Đến hẹn lại lên, hạn, xâm nhập mặn đã không còn xa lạ với người dân Vùng ĐBSCL. Với kinh nghiệm quý giá từ những đợt hạn, xâm nhập mặn lịch sử, các địa phương đã chủ động trong công tác thông tin, dự báo, thường xuyên đo, kiểm tra độ mặn trên các sông, rạch, vận hành công trình thủy lợi để hỗ trợ người dân lấy và trữ nước hợp lý, phù hợp trong từng giai đoạn.

Người dân cũng rất linh hoạt áp dụng các biện pháp ở nhiều hình thức và quy mô khác nhau để tích trữ nước phục vụ sinh hoạt và bảo vệ mùa màng.

Tại Long An, các ngành chức năng tăng cường theo dõi, đo đạc chất lượng nước, xâm nhập mặn trên các tuyến sông trục chính và các tuyến kênh, rạch trong nội đồng; thường xuyên liên hệ, phối hợp, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo về tình hình xâm nhập mặn, diễn biến nguồn nước nhằm kịp thời thông báo chính quyền địa phương và người dân nắm biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương không được lơ là; chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, góp phần bảo vệ vùng sản xuất và đời sống người dân.

Các địa phương đã tổ chức rà soát, xác định, khoanh vùng các khu vực có khả năng, nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai các giải pháp cụ thể, bảo đảm cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân; nhất là tại các vùng xa khu dân cư tập trung, vùng ven sông các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô để có giải pháp bảo đảm nguồn nước phù hợp.

Mặt khác, các địa phương tăng cường vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, tránh triệt để làm thất thoát, lãng phí nước, quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt; đồng thời, hỗ trợ người dân mua sắm, sử dụng các dụng cụ, trang thiết bị cấp, trữ nước như lu, bể, bồn, túi chứa nước và các hình thức khác,... để tích trữ đủ nguồn nước ngọt phục vụ cho toàn bộ thời gian xảy ra hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023-2024.

Theo các chuyên gia, cách thích ứng tốt nhất trước mắt là chủ động né hạn, xâm nhập mặn bằng cách điều chỉnh lịch thời vụ; chủ động tích trữ nước ngọt cho sinh hoạt trong mùa khô.

Về lâu dài, cần thực hiện theo quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ công bố vào tháng 6/2022. Theo đó, vùng ngọt được lùi vào phía trong còn vùng ngọt - lợ sẽ được trả lại tự nhiên và canh tác theo mùa mặn ngọt chứ không cố chống lại mặn như trước giờ nữa.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn gây ra, bên cạnh sự vào cuộc và áp dụng đồng bộ các giải pháp ứng phó của địa phương và ngành chức năng thì người dân cũng cần chủ động tham gia thực hiện tốt những giải pháp phi công trình, góp phần phát huy giá trị của những công trình phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất và sinh hoạt.

Khi chính quyền và Nhân dân đồng lòng, tin rằng, công tác thích ứng với biến đổi khí hậu nói chung và hạn, xâm nhập mặn nói riêng sẽ ngày càng hiệu quả./.

Hoàng Trà

Chia sẻ bài viết