Tiếng Việt | English

21/06/2023 - 06:29

Đưa chính sách đến với người dân

Công tác truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm nhằm tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động; tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội; kịp thời phát hiện và xử lý những thông tin sai lệch. Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ khẳng định truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Lãnh đạo tỉnh Long An luôn dành sự quan tâm, động viên đến đội ngũ phóng viên, nhà báo (Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được trao bằng khen của UBND tỉnh cho các phóng viên, nhà báo có nhiều tin, bài viết về Long An nhân dịp Họp mặt báo chí Xuân Quý Mão năm 2023) (Ảnh: PV)

Truyền thông chính sách là yêu cầu mang tính chính trị để qua đó người dân hiểu, chia sẻ và ủng hộ với chính sách. Thực tế, thời gian qua, có một số bức xúc trong xã hội bởi người dân chưa hiểu được những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước. Có những dự án luật chưa được thông qua nhưng đã vấp phải sự phản đối từ xã hội. Khi công nghệ thông tin phát triển, người dân được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin khác nhau, trong đó, có cả những thông tin sai lệch, không chính thống. Lợi dụng sự lan tỏa trên môi trường mạng, các thế lực thù địch đưa ra những thông tin sai lệch nhằm kích động người dân. Một số vụ việc nổi lên do người dân chưa hiểu về chính sách, trong đó, có vụ trở thành "sự cố truyền thông", ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội, sản xuất, kinh doanh, an ninh, trật tự địa phương,... cũng bởi công tác truyền thông chính sách chưa hiệu quả, sự thiếu kinh nghiệm xử lý truyền thông từ phía các cơ quan chức năng. Và vũ khí hữu hiệu nhất để xử lý thông tin sai lệch chính là thông tin chính thống. Chính vì vậy, công tác truyền thông chính sách cần được quan tâm nhiều hơn nữa nhằm đưa những chính sách đến gần với dân.

Báo chí, truyền thông góp phần to lớn vào việc tuyên truyền kịp thời chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” của Bộ Tư pháp xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan thông tấn, báo chí, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, hàng năm, phải đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp thông tin cần thiết cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên của tất cả cơ quan thông tấn, báo chí liên quan đến kỹ năng, trách nhiệm trong truyền thông chính sách pháp luật. Bộ Tư pháp có trách nhiệm bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật để phối hợp phóng viên, biên tập viên triển khai công tác truyền thông chính sách.

Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan Trung ương. Còn tại các địa phương, ban, ngành, công tác truyền thông chưa được quan tâm do nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân thiếu nguồn nhân lực, chưa nhận thức hết tầm quan trọng của công tác truyền thông,... Nhiều cơ quan chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách. Việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí ở một số cơ quan hành chính địa phương vẫn được coi là việc "khó", ngại tiếp xúc với báo chí dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để truyền thông chính sách. Có nơi, công chức, viên chức làm truyền thông kiêm nhiệm cả các công việc khác, không có kiến thức chuyên ngành về quan hệ công chúng và xử lý khủng hoảng truyền thông. Giải quyết thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức biên chế của công chức, viên chức làm công tác truyền thông; Bộ Tài chính bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện công tác truyền thông chính sách theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út tặng quà tết cho Báo Long An

Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường thông tin, tuyên truyền trên báo chí, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của các cấp, các ngành về công tác truyền thông chính sách. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác truyền thông chính sách, bảo đảm kịp thời, thông suốt; nắm bắt thông tin dư luận, chủ động cung cấp tài liệu, thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí, truyền thông. Tăng cường sự chỉ đạo, quản lý của các cấp, các ngành nhằm phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong thực hiện truyền thông chính sách. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Công văn số 6246/UBND-VHXH, ngày 02/7/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 12/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Phát huy vai trò của người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của Nghị định số 09/2017/NĐ-CP, ngày 09/02/2017 của Chính phủ, quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Chủ động nắm bắt, tiếp nhận, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí, hệ thống thông tin cơ sở và các phương thức truyền thông khác về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm tại địa phương. Xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách. Tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trên địa bàn tỉnh. Quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin báo chí, mạng xã hội, kịp thời báo cáo UBND tỉnh những thông tin báo chí, truyền thông đăng tải có nội dung nhạy cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội và nhân dân. Đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về truyền thông chính sách và xử lý khủng hoảng truyền thông cho đội ngũ công chức, viên chức. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tổng hợp thông tin báo chí, mạng xã hội; kịp thời báo cáo UBND tỉnh những thông tin báo chí, truyền thông đăng tải có nội dung nhạy cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội;...

Trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, công tác truyền thông chính sách từ sớm, từ xa sẽ góp phần đưa chủ trương, chính sách đến gần với người dân, tạo sự đồng thuận xã hội, bảo đảm các dự luật khi được ban hành thực sự là của nhân dân, vì lợi ích nhân dân. Công tác truyền thông chính sách không chỉ bắt đầu từ khi văn bản được ban hành, có hiệu lực mà phải làm từ khi các cơ quan quản lý có ý tưởng về chính sách, qua đó, có được sự đóng góp từ nhân dân./.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út

Chia sẻ bài viết