Tiếng Việt | English

28/03/2017 - 11:05

Đức Hòa: Tập hợp đoàn viên, thanh niên - Dễ mà khó

Tập hợp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia sinh hoạt trong tổ chức Đoàn, Hội tưởng dễ nhưng lại rất khó. Để ĐVTN nông thôn “mặn mà” tham gia sinh hoạt, tổ chức Đoàn, Hội phải năng động, sáng tạo thực hiện nhiều phong trào, mô hình thu hút người trẻ.

Tập hợp bằng nhiều hình thức

Tiệm cắt tóc nhỏ của anh Ngô Công Trường ở ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vào cuối tháng rất đông người trẻ tìm đến. 42 tuổi nhưng anh Trường vẫn nhiệt huyết với công tác Đoàn nên sẵn sàng cho mượn nhà làm điểm sinh hoạt cho ĐVTN của 3 ấp trong xã vào mỗi tháng. \

“Thông thường là tổ chức vào cuối tháng với khoảng vài chục ĐVTN tham gia sinh hoạt văn nghệ và vui chơi. Giới trẻ mà, đến nghe báo cáo, tuyên truyền sẽ dễ chán nên những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn vừa vui, vừa giữ chân các bạn tiếp tục tham gia sinh hoạt”- anh Trường chia sẻ.

Để làm được điều này, không những khuyên các bạn trẻ nên tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội, anh Trường còn hỗ trợ viết kịch bản, tập các tiết mục kịch cho các ĐVTN để chuẩn bị diễn khi đến ngày sinh hoạt.

“Tuy nhiên, nếu chỉ vui chơi thì không đủ. Khi tham gia sinh hoạt trong tổ chức Đoàn, Hội, ĐVTN phải được tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phong trào ở địa phương để nâng cao nhận thức, hiểu biết. Vì vậy, vui chơi là hình thức để tập hợp đoàn viên dễ dàng hơn nhưng qua đó phải lồng ghép tuyên truyền bằng cách dành ít thời gian đọc văn bản hoặc tuyên truyền thông qua bài học rút ra từ mỗi vở kịch”- Bí thư Đoàn xã Mỹ Hạnh Bắc – Huỳnh Thanh Vị bày tỏ.

Chính sự gần gũi, thân tình này nên ĐVTN ở xã Mỹ Hạnh Bắc gắn bó với tổ chức và mỗi khi phát động phong trào như dọn dẹp vệ sinh môi trường, hỗ trợ các hoạt động của địa phương hay thi đấu các giải thể dục thể thao, nhiều ĐVTN nhiệt tình tham gia.

“Dù khó khăn về kinh phí nhưng sau khi ĐVTN tham gia các phong trào, khi thì tôi bỏ tiền túi, khi thì vận động để mua con vịt nấu cháo đãi các bạn. Tuy đơn sơ nhưng ấm cúng và qua đó, cán bạn trẻ thấy được sự quan tâm của Đoàn đối với các bạn”- anh Huỳnh Thanh Vị cho biết thêm.

Ngoài ra, ở xã Mỹ Hạnh Bắc, tập hợp ĐVTN còn thực hiện thông qua hình thức sinh hoạt liên chi đoàn. Toàn xã có 11 chi đoàn với 124 đoàn viên và 4 chi hội Thanh niên với 357 hội viên, trong đó 3 chi đoàn ấp duy trì sinh hoạt liên chi đoàn hàng tháng.

Theo anh Vị, địa điểm tổ chức luân phiên từng ấp và mỗi lần sinh hoạt, có Ban Chấp hành Chi đoàn của 3 ấp và hơn 10 ĐVTN của mỗi ấp cùng dự. Những buổi sinh hoạt này thường tổ chức vào buổi chiều tối hoặc ngày nghỉ để tạo điều kiện cho ĐVTN tham gia.

Hơn nữa, Đoàn xã Mỹ Hạnh Bắc linh hoạt trong hình thức sinh hoạt. Anh Huỳnh Thanh Vị bảo rằng, tập hợp không nhất thiết phải đợi đến ngày, đến giờ mà khi cần, các bạn ĐVTN có thể gọi điện thoại Bí thư Chi Đoàn ấp đi uống cà phê, trò chuyện, tư vấn để nắm bắt tư tưởng ĐVTN trong ấp.

Còn ở xã Hòa Khánh Đông, việc tập hợp ĐVTN chủ yếu thông qua các phong trào. Bí thư Đoàn xã Hòa Khánh Đông – Lê Thị Thi Thơ thông tin: “Ở xã tập hợp ĐVTN qua các hoạt động nhân các ngày lễ lớn với gần 40 ĐVTN tham gia. Còn lại hầu như công tác tập hợp ĐVTN do Chi đoàn ấp thực hiện”.

Bí thư Chi đoàn ấp Giồng Ngang, xã Hòa Khánh Đông – Đặng Thị Thu Hồng, dù đang là sinh viên ở TP.HCM nhưng vẫn năng nổ tổ chức các phong trào ở ấp để thu hút các ĐVTN trong ấp tham gia.

“Đó là tổ chức tết thiếu nhi, ngày thành lập Đoàn 26-3 để các bạn tham gia phong trào bằng những việc làm thiết thực. Tuy nhiên, vì kinh phí tổ chức các phong trào ở ấp hạn hẹp nên tôi thường dùng khoản tiền phụ cấp của mình để tổ chức. Dù đơn sơ nhưng ấm áp để các bạn có động lực tham gia sinh hoạt”- chị Thu Hồng chia sẻ. Tập hợp ĐVTN tham gia sinh hoạt cần những người trẻ giàu nhiệt huyết, nhiệt tình như vậy!

Việc tập hợp ĐVTN ở xã được thực hiện chủ yếu thông qua các hoạt động phong trào

Để hiệu quả hơn

Dù việc tập hợp ĐVTN ở 2 xã Mỹ Hạnh Bắc, Hòa Khánh Đông có hiệu quả nhưng vẫn còn khó khăn. Ngoài kinh phí hoạt động hạn chế, việc tập hợp ĐVTN thông qua các phong trào, mô hình kinh tế chưa thường xuyên. Số lượng ĐVTN tham gia chưa đều, chủ yếu tập trung vào những người nòng cốt ở mỗi ấp.

Theo Bí thư Huyện Đoàn Đức Hòa – Lê Thị Cẩm Tú: “Đó là khó khăn chung của các xã trong việc tập hợp ĐVTN tham gia sinh hoạt. Hơn nữa, đa số ĐVTN bây giờ đi làm công nhân, một số học tập, làm việc xa nhà nên vận động tập hợp cũng khó”.

Nguyên nhân khác làm công tác tập hợp ĐVTN khó khăn là vì một vài thủ lĩnh Đoàn ở ấp chưa thật sự mặn mà với công tác Đoàn.

Chị Lê Thị Thi Thơ kể: “Trước đây, ấp Thôi Môi, xã Hòa Khánh Đông cũng có nhiều hoạt động phong trào, thu hút ĐVTN tham gia nhưng từ khi bí thư chi đoàn ấp lập gia đình, chăm lo phát triển kinh tế nên phong trào Đoàn lắng xuống. ĐVTN có tham gia sinh hoạt hay không thì vai trò “đầu tàu”, sự xông xáo của Bí thư Chi đoàn ấp rất quan trọng. Vì vậy, Đoàn xã xuống ấp Thôi Môi, nắm tình hình và kịp thời củng cố Ban Chấp hành Chi đoàn ấp để vực dậy phong trào. Không riêng gì ấp này, với 3 ấp còn lại, Ban Thường vụ Đoàn xã thường xuyên đến, gặp gỡ các ĐVTN để nắm tình hình, tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiết để các bạn tham gia sinh hoạt trong tổ chức Đoàn, Hội”.

Cũng theo chị Thơ, hiện nay, ĐVTN tham gia sinh hoạt các phong trào ở địa phương thường là những người có độ tuổi từ 18 đến 25. Còn độ tuổi lớn hơn đều có gia đình nên lo phát triển kinh tế, ít tham gia sinh hoạt. Vì vậy, để thu hút lực lượng này tham gia sinh hoạt phải có mô hình kinh tế hiệu quả và phù hợp.

Tuy nhiên, đây là một vấn đề khó thực hiện với Đoàn xã vì để tiếp cận vốn vay ngân hàng hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, các bạn phải thành lập tổ, có đề án trong khi ĐVTN có nhu cầu vay vốn lại nằm rải rác ở các ấp nên khó thành lập tổ. Ngoài mô hình kinh tế, tổ chức Đoàn cần có phong trào phù hợp để thu hút ĐVTN tham gia.

Mô hình tập hợp thanh niên

Mô hình tập hợp thanh niên 

Cập Nhật 18-02-2016

Chi đoàn ấp 3, xã Hướng Thọ Phú có cách thu hút đoàn viên tích cực tham gia sinh hoạt. Từ đó, các phong trào Đoàn luôn được đoàn viên thanh niên hưởng ứng nhiệt tình, hiệu quả công tác Đoàn cũng được nâng lên rõ rệt.

Ngoài những giải pháp trên, Bí thư Đoàn xã Mỹ Hạnh Bắc – Huỳnh Thanh Vị cho rằng, để tổ chức Đoàn, Hội trở thành nơi đến sinh hoạt của nhiều ĐVTN thì cấp ủy địa phương phải luôn đồng hành và theo sát công tác Đoàn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, hạn chế.

Tổ chức Đoàn, Hội sẽ thu hút được ĐVTN tham gia nếu đó thật sự là nơi mang đến niềm vui và nhiều lợi ích thiết thực. Muốn vậy, tổ chức Đoàn, Hội phải năng động, sáng tạo gầy dựng nhiều phong trào, mô hình ý nghĩa để người trẻ tham gia. Ngược lại, ĐVTN phải tự nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần xung kích “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết