Tiếng Việt | English

05/02/2019 - 06:30

Dựng cây nêu – Nét đẹp phong tục ngày tết

“Cu kêu ba tiếng cu kêu

Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè”

Dựng cây nêu là phong tục không thể thiếu trong ngày Tết Cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Tuy qua thời gian, phong tục ấy dần bị giản lược nhưng tại Long An, một số gia đình vẫn còn gìn giữ. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Huỳnh Triều, 76 tuổi, ngụ phường Khánh Hậu, TP.Tân An – truyền nhân đời thứ 7 của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức là một điểm sáng.

Gia đình ông Nguyễn Huỳnh Triều dựng cây nêu ngày tết

Như các gia đình khác, ông Huỳnh Triều cũng giản lược một số phong tục không cần thiết trong ngày tết để tránh rườm rà và tạo sự thuận tiện nhất cho cháu con. Tuy nhiên, nhiều phong tục truyền thống, gia đình ông vẫn gìn giữ và tiếp tục trao truyền cho thế hệ sau, trong đó có dựng cây nêu. Bởi với gia đình ông Huỳnh Triều, tết không chỉ là ngày vui của cả dân tộc, ngày đoàn viên của các gia đình mà còn là dịp nhớ ơn tổ tiên, dòng họ và những tiền nhân có công khai hoang lập ấp. Và dựng cây nêu là một trong những cách thể hiện lòng tri ân, báo cáo thành tích lao động của gia đình, dòng họ mình trong năm vừa qua với tổ tiên và các bậc tiền nhân.

Những phong tục truyền thống khác trong ngày tết, gia đình ông Huỳnh Triều vẫn gìn giữ và ông luôn mặc áo dài khăn đóng khi làm lễ cúng

“Cây nêu được dựng trong khoảng rằm tháng Chạp đến 29 tháng Chạp và hạ vào mùng 7 tết; thường được làm bằng cây tre. Trên cây nêu có treo đèn lồng, lá phướn, vật phẩm (bánh tét, gạo, muối là những vật phẩm bắt buộc), dụng cụ tạo âm thanh,… Phía dưới cây nêu cũng được rải đậu xanh xung quanh. Bởi theo quan niệm xưa, các loài vật phía trên hay phía dưới, mạnh hay yếu đều được hưởng. Ngoài ra, cây nêu càng cao, càng nhiều vật phẩm thì chứng tỏ gia đình ấy càng sung túc, làm ăn phát đạt trong năm cũ. Ý nghĩa lớn nhất của dựng nêu là tri ân tổ tiên và các bậc tiền nhân có công khai khẩn vùng đất nơi mình sinh sống. Đó được xem là những nét đẹp trong phong tục ngày tết, mang một giá trị về văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Do vậy, gia đình tôi gìn giữ phong tục dựng cây nêu ngày tết như vết son tốt đẹp của tiền nhân đã khai hoang lập ấp”, ông Huỳnh Triều chia sẻ.

Vậy là, cứ mỗi dịp tết đến, gia đình ông Huỳnh Triều lại dựng nêu. Cây nêu năm nay của gia đình ông dựng từ ngày 23 tháng Chạp và được trang trí với đèn lồng, giỏ vật phẩm (gồm bánh tét, gạo, muối) cùng chuông gió. Cây nêu cao, đứng vững chải trước sân nhà và thỉnh thoảng vang lên âm thanh vui tai của tiếng chuông gió,… tất cả tạo nên một không gian tết ấm cúng, ý nghĩa và có chút hoài niệm tết xưa.

Bên cạnh dựng cây nêu, gia đình ông Huỳnh Triều còn gìn giữ nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp trong ngày tết. Đó là tảo mộ, đưa đón ông Táo, ông bà tổ tiên đã khuất, chưng mâm ngũ quả, cúng giao thừa, làm lễ tại Khu lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức, chúc tết thân tộc, họ hàng,…

Câu đối của gia đình ông Nguyễn Huỳnh Triều được treo trên bàn thờ gia tiên

Ông Huỳnh Triều chia sẻ thêm: “Ngoài những phong tục ấy, gia đình tôi còn giữ phong tục viết câu đối trong dịp tết. Năm nay, gia đình tôi treo 2 câu đối là:

Đón giao thừa lân pháo mở đường người hái lộc

Mừng Nguyên đán mai đào khoe sắc khách du xuân”

Những nét văn hoá tốt đẹp về phong tục ngày tết được gìn giữ, tết trở nên ý nghĩa và đậm đà hơn. Đặc biệt, giá trị ngày tết cũng được phát huy, mọi người quây quần bên nhau cùng ăn bữa cơm đoàn viên và cũng không quên tri ân những người đã khuất, đồng thời cầu mong năm mới vạn sự như ý, an khang thịnh vượng./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết