Có lần, tôi nghe được tâm sự của đứa bé gần nhà “Con sợ về nhà, con sợ phải thấy cảnh ba đánh mẹ và đánh luôn con”. Từ đó, tôi thấy đứa bé thường lang thang chơi cùng mấy đứa trong xóm hoặc ở nhà hàng xóm đến tối mịt mới về. Thời gian sau, ít thấy nó hơn, tôi hỏi thăm thì được biết lúc này nó nghiện game và thường trốn học để đi chơi game,...
Vậy mới thấy, gia đình có sức ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, tình cảm và tương lai của trẻ. Thế nhưng, những mâu thuẫn của cha mẹ đã đẩy các em xa vòng tay gia đình và sa vào các tệ nạn xã hội. Điều quan trọng hơn là chính người mẹ, người thường xuyên phải chịu bạo lực lại không dám mạnh dạn đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình, của các con. Hành động ấy lại vô tình tiếp tay cho bạo lực gia đình và làm ảnh hưởng đến tương lai con trẻ.
Trước nay, bạo lực gia đình đã được đề cập, phân tích dưới nhiều khía cạnh khác nhau nhưng ít người nghĩ rằng nó có ảnh hưởng xấu đến tâm lý trẻ và có thể làm thay đổi cả tương lai của con em chúng ta. Thử nghĩ một đứa trẻ sẽ phát triển tâm lý ra sao khi thường xuyên nhìn thấy những cảnh bạo hành, đánh đập trong gia đình? Đau buồn, chán nản, ảnh hưởng đến việc học hoặc thu mình lại, ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh. Một số khác lại có biểu hiện tiêu cực hơn khi lao vào các tệ nạn xã hội.
Một khi trẻ không tìm thấy sự bình yên, hạnh phúc trong gia đình thì việc sẽ có những phản ứng tiêu cực là điều tất yếu, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và tương lai của trẻ.
Phòng, chống bạo lực gia đình là điều mà cả xã hội luôn hướng tới. Nhưng trước hết, mỗi bậc làm cha, làm mẹ hãy vì tương lai của các con mình mà có sự điều tiết bản thân, đừng để những việc làm không tốt của người lớn ảnh hưởng không tốt đến tương lai con trẻ./.
Diễm Quỳnh