Những lúc chuẩn bị cho cuộc đi xa, ba vẫn thường hỏi bạn đi ngang những đâu để ba biết mà nhắn với theo vài câu hay gởi một ít đồ cho người quen trên dọc đường bạn đi.
Có lần bạn đi công tác về Miệt Thứ, ba biểu bạn đi ngang Thứ 11 ghé vào đường kinh Hãng, hỏi thăm nhà ông Chín thuốc rắn, ghé vô thắp cho má ổng nén nhang. Bạn hỏi, bà con thân thích sao ba? Ba nhìn bạn cười, bà con gì đâu! Ba nói, nhờ bà già năn nỉ ông thầy Chín mới đổ thuốc rắn trị cho má hồi má bị rắn cắn.
Đoạn đường về kinh Hãng như chợt gần lại mà chẳng thấy có một sự cách chia nào của thời gian. Thắp nén nhang trên bàn thờ người đã khuất, bạn thấy mắt mình đỏ hoe. Ông thầy thuốc rắn năm xưa giờ đã bỏ nghề, ấn tượng về đôi vợ chồng trẻ môi mắt rưng rưng xuống xuồng bơi về nhà đã dần lãng quên theo ký ức của tuổi già. Con trai ông thầy thuốc rắn nhìn bạn cười, “ở lại ăn bữa cơm rồi hả đi”. Bạn rời nhà ông thầy thuốc rắn, bạn ngoái đầu nhìn lại căn nhà nhỏ bên sông có ông già nhớ nhớ quên quên vẫn dặn con cháu trong nhà “cứu người, không được lấy tiền”. Con đường về gió lộng, mấy trái bông gòn bung nở vương mắt người cay cay…
Hay có lần, bạn đứng hàng giờ trước một ngôi nhà xa lạ. Hàng xóm núp trong nhà canh chừng bạn. Chủ nhà về, bạn gởi chủ nhà mớ mắm ba khía má làm. Ba nói, hồi còn làm mướn cho nhà mợ Tám, vợ chồng mợ thấy ba nghèo nên thương dữ lắm. Làm mướn mà mợ coi như con cháu trong nhà, ở nhà ăn gì là ba ăn cái nấy, chứ không có dọn ra ăn riêng như những chỗ làm khác. Nhà mợ Tám ghiền ăn mắm ba khía. Bạn để lại lời nhắn của ba ở lại nhà mợ Tám. Mợ rưng rưng nhìn bạn, “mày giống thằng cha mày dữ thần hôn, về kêu nó khi nào quỡn xuống bà chơi, rồi tao chưng mắm cá lóc chấm với chuối chát cho nó ăn”. Bạn nắm bàn tay nhăn nheo của chủ nhà, thấy thương quá đỗi! Như một người bà con xa lâu ngày gặp lại. Bạn cúi đầu chào tạm biệt chủ nhà như cúi đầu trước cái tấm chân tình thơm thảo của người nhà quê. Lời hẹn của ngày gặp lại chắc không còn xa, vì dài rộng rồi sẽ gặp nhau.
Ngang qua nhà cũ, bạn đứng thẫn thờ với miền ký ức ngày xưa. Con ngõ nhỏ nơi bạn chập chững những bước đi đầu tiên giờ đã rộng thênh thang, xe cộ chật đầy. Hàng xóm ngày xưa tóc đã hoa râm, mấy đứa trẻ ngày nào giờ đã lớn. Người hàng xóm nắm tay bạn rưng rưng, “ba má ở dưới phẻ hết hả con, ở lại ngủ đợi thằng Út về rồi hai đứa tâm sự”. Bạn ngủ lại nhà hàng xóm, câu chuyện cái ao sau nhà, cái hàng rào trước cửa, cái ranh đất cặp nhà, cái bụi ớt cả xóm cùng ăn… cứ đi qua nhau trong nỗi niềm của người ở lại. Nằm trong mùng, thằng bạn nói miền Tây mình giờ khác xưa nhiều quá. Bạn nhìn nó cười, thì ở trên đời này có cái gì mà không thay đổi trước thời gian. Đến bây giờ bạn mới hiểu được cái câu “ở miền Tây mà thấy nhớ miền Tây”. Những cái cà ràng, mấy chiếc ghe thương hồ bán tranh thờ, bán lá lợp nhà, bán đồ nhựa lần lượt lên bờ, mấy con cá đồng, rau đồng, đọt choại cũng lần lượt theo nhau ra phố. Bạn cười, “ờ thì, mình đâu có sống như vậy hoài được. Quê mình có còn nghèo nữa đâu!”. Đêm vắng, bạn nghe tiếng thở dài xa xôi lắm. Buổi sáng, bạn rời đi. Bạn nhìn qua nền đất cũ, ngôi nhà ngày xưa chỉ còn là dĩ vãng. Từng lớp thời gian đã xô nhau đi qua phận người. Những người hàng xóm vẫy tay chào, bạn gởi lại nỗi lòng của người ra đi. Túi quà quê cứ chật ních, chở đầy thăm thẳm mùi quê.
Những con đường thênh thang, bạn dừng lại mỉm cười trước một quán cơm chay từ thiện, một trạm sửa xe miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật, một trạm nước bên đường. Những nét chữ nguệch ngoạc “sửa xe miễn phí”, “cơm chay miễn phí”, “lấy hai tờ nếu bạn đang gặp khó khăn”… Tất cả đều khiến bạn dừng lại để cúi đầu.
Dừng lại trước biết bao nhiêu ngả đường không tên, gặp lại những con người đã là một phần ký ức trong bạn. Ba dạy bạn biết dừng lại để nói lời cảm ơn, dừng lại để giúp một cụ già cơ nhỡ, một đứa bé co ro vì lạnh; biết dừng lại với người gặp nạn trên đường, biết rơi nước mắt, biết mỉm cười với cuộc sống xung quanh… Bạn cũng chẳng còn cằn nhằn với ba việc phải dừng lại ở một địa chỉ xa lạ nào nữa. Vì bạn biết, dừng lại để thấy mình mênh mông… /.
Nguyễn Chí Ngoan