Tiếng Việt | English

07/10/2017 - 06:18

Mênh mông tiếng vịt phía đồng

Ngay lúc này đây, trên tay tôi, đồng tiền tôi cầm mang mùi của vịt, mùi của phù sa và mặn mùi mồ hôi ba, đâu đó còn có mùi nước mắt...

Trước khi vào lớp một, thằng nhỏ rong ruổi trên những cánh đồng. Lúc chưa biết mặt con chữ ra sao, nó vẫn thường mê cái nghề “làm vua tụi vịt” của ông già. Niềm “đam mê” đó vẫn theo thằng nhỏ đến suốt những năm sau này, khi mỗi lần ông già đổi hột vịt ra mấy cuốn sách giáo khoa. Mỗi lần nhìn vào đó, thằng nhỏ vẫn thấy một khung cảnh quen quen, có ông già ngồi trong mưa, có chiếc radio cũ mèm nằm kề bên gói thuốc rê ướt vì mưa đêm, có tiếng bầy vịt chạy giữa mênh mông đồng ruộng...

Và ở đó, ông già quanh năm dầm mưa dãi nắng, đất quen hơi chân, vịt quen tiếng gọi. Lâu lắm ông mới về nhà một lần, ngủ lại một đêm rồi sáng lại đi, như kiếp người tha phương cầu thực. Cực khổ, cô quạnh. Giọt mồ hơi rơi xuống đất, muốn bốc khói vì nắng. Hình ảnh đó không ai thấy ngoài mây trời lang thang và bầy vịt suốt ngày cạp cạp...

Minh họa: Thiện Mỹ

Hơn một lần trời mưa. Cả một cánh đồng mênh mang, trắng xóa màn nước. Ông già ngồi co ro trong chiếc áo mưa nhìn xa xăm, nghĩ giờ này ở nhà, tụi nhỏ chắc đang xếp thuyền giấy thả xuống nước. Hay chúng đang quây quanh mâm cơm, khua chén đũa, hít hà khói. Nhưng sau mấy khúc ảnh đẹp đó, là nỗi lo, “Mưa lớn như vầy, hổng biết ở nhà có dột chỗ nào hông? Đường sình lầy, thằng Út đi học chắc cực dữ!”. Và ý nghĩ “cỡ bốn tháng mấy nữa, đồng nhà mới cắt lúa” làm ông già thấy rầu nhưng ông vẫn trấn an bằng câu: “Rồi, lúc đó... ba về!”.

Kiếp tha phương coi chòi trại là nhà. Trời mưa, đang nằm ngủ trong trại phải lồm cồm ngồi dậy, lật đật cuốn mùng mền gom lại một góc, co ro thả ý nghĩ theo khói thuốc bay: “Mưa này chắc lâu tạnh, hột vịt dơ dữ à, rớt giá là cái chắc!”. Ý nghĩ đó thì không đáng lo bằng, “Tháng này, đứa con gái đi học xa nhà cần đóng tiền mướn trọ”. Theo thói quen, ông già mò mẫm, bật radio lên. Cái máy gần bằng tuổi thằng Út, nghe hơi khó, rè rè. Nhưng dù sao, có tiếng người thì cũng đỡ buồn. Ông già lại thêm lần đốt thuốc, hút cho ấm, chờ sáng chút để lượm hột vịt. Rồi tự nhiên hình như có mưa dột, hột mưa mằn mặn lăn dài xuống cằm: “Trời ơi, đã nói là bốn tháng nữa đồng cắt, rồi về...”.

Có lần, thằng con Út chợt nghĩ, trong đồng nuôi vịt, ông già có ai làm bạn ngoài một chiếc radio? Sáng, sau khi lượm hột vịt xong thì bật lên là vừa. Lùa vịt ra đồng cũng kè kè trong túi áo cái radio để lát nữa cắm lưới xong thì nghe hát cải lương. Tối tối, buồn quá, vừa nghe, vừa gật gù nhậu mình ên.

Ở nhà tết tưng bừng, nghĩ cảnh ăn tết một mình với tụi vịt, ông già cất luôn cái radio. Hỏi sao vậy? Ông nói, “Ăn tết trong đồng lớn vậy, buồn thúi ruột gan. Nghe thêm mấy lời chúc, mấy bài ca năm mới này năm mới nọ trên đài, sao chịu nổi!”. Mấy đứa nhỏ gọi điện vô, nói bữa nay nhà mình lặt lá mai rồi ba ơi, lặt một hồi trúng con sâu lông, chị ba la oang oang bỏ chạy. Ông già cười khà khà, vậy hén. Bữa sau lại gọi, tụi nhỏ nói nhà mình dọn dẹp rồi, có mấy chỗ ngói bể, má nói chờ ba về sửa lại. Cây mai ra bông rồi ba, vàng chóe à, đẹp lắm!

Ông già lại cười khà khà, “Vài bữa giao thừa điện thoại chúc tết ba nghen!”. Bên kia đầu dây, giọng tụi nhỏ vô tư, “Ba khỏi lo!”.

Có nhiêu đó mà ông già khoe với tụi vịt: “Vậy đó, mà vui tụi bây”. Nghe có chút tết, mà tết của nhà mình chớ hổng phải nghe nhờ tết của người ta. Giao thừa, giữa đồng không một tiếng người, vậy mà ông già cũng thức chờ. Người ta chờ coi pháo bông, ông già chờ nghe điện thoại. Đúng bon 0 giờ, tụi nhỏ gọi. Chúng hét trong điện thoại um trời đất, “Chúc ba sức khỏe, không già, vui vẻ!”. Rồi chúng kể, ở nhà ai làm cái này, ai đang làm cái kia. Ngoài đường có ai, ai đến chúc tết. Nhiều “ai” lắm, nhiều lắm! Một hồi nghe tút tút, 

tắt máy. Chỉ thấy một mình mình. Đêm nay, tiếng nhóc nhen, tiếng ếch kêu nhiều. Ồn ào đến ngủ không được! Ngày mai là mồng một, ngày bình thường của tụi vịt, và ông già vẫn phải lùa chúng ra đồng, kiếm miếng ăn...

Cũng có lúc, ông già cắm vịt ở nơi có người, có đèn, có điện. Ban ngày, sau khi đem lũ vịt ra đồng, cắm lưới xong thì đi uống cà phê hay nhậu chút đỉnh. Nhưng tối về trại, vẫn một mình. Tiếng cười nói, tiếng gia đình ở mấy nhà xung quanh, như càng làm ông thêm cô đơn, trống vắng, muốn vờ quên đi cũng không được.

Bàn tay chai vì năm tháng, đôi chân đi khắp nẻo đồng bằng và bầy vịt là gia tài lớn nhất của ông. Gia tài đó giúp ông đổi từng trứng vịt ra tiền nuôi cả gia đình, nuôi bầy con ăn học. Ông thương bầy vịt của mình và coi nó như bầu bạn. Lũ vịt như những cái xi-lanh, nén mồ hôi, cực khổ, cô đơn, nhọc nhằn của ông thành quả trứng. Ông già nhặt chúng, nhặt từng quả trứng, gom từ ngàn đồng bạc lẻ như thế để góp nên ngôi nhà ấm cúng và những trang vở mới cho con. “Những con vịt sau khi đẻ cho mình hàng trăm trứng ấy bị xé ra khỏi bầy bạn, đi đâu, về đâu?” - câu hỏi đó làm ông thấy thương cái đời vịt quá chừng! Nhưng biết làm sao, không có chúng, lấy gì có tiền, mà không có tiền thì tụi nhỏ làm sao đổi ra cái chữ cho thoát kiếp tha phương. Bầy vịt dang cánh chở che ông già qua những ngày tháng ấy, và bằng tình yêu của ông, bầy vịt chắp cánh cho những đứa con ông bay vào đời.

Ông già đó là ba tôi!

Ngay lúc này đây, trên tay tôi, đồng tiền tôi cầm mang mùi của vịt, mùi của phù sa và mặn mùi mồ hôi ba, đâu đó còn có mùi nước mắt... Những trang sách chữ nghĩa uy nghiêm như những con vịt bì bõm giữa cánh đồng mênh mông vắng vẻ. Tôi lại nghe tiếng vịt gặm vào một không gian nào đó. Nơi ấy, có khói thuốc vẩn vơ bay của ba tôi, giữa cánh đồng mênh mông, xăm xắp nước.../.

Võ Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết