Thằng Rô cà nhắc cái chân lại kiếm ông Bảy, miệng không ngừng nói “ui da”. Ông Bảy dòm, chậm rãi nhấp ngụm trà rồi vô chòi lấy một củ tỏi đưa cho nó. Nó chưng hửng, mắt tròn mắt dẹt nhìn ông. Ai đời đạp cây đinh, ổng không cho tiền đi chích ngừa mà đưa tỏi, lại còn phán vô mặt nó câu “không làm được nghỉ mày”. Nó tiu nghỉu quay trở lại công trường. Nhưng nghĩ cũng ngộ, tỏi còn chưa lột vỏ mà cái hơi đã làm chân nó đi lại bình thường. Ông Bảy nhếch mép cười, bởi ông rành mánh thằng này quá. Ông dám cá nó làm biếng nên lấy cớ. Người ta đạp đinh cái lỗ sâu hoắm, tươm máu, còn thứ dòng tróc da sơ sơ mà đòi qua mắt ông Bảy là chuyện... xưa rồi diễm, bởi tuổi nghề của ông còn gấp đôi tuổi đời của nó.
Cha thằng Rô nhậu xỉn, té mương rồi... đi luôn lúc nó còn nhỏ xíu. Mẹ nó thần trí ngày càng "dây đồng dây nhôm". Một bữa nó dậy, chẳng thấy mẹ đâu, khóc hu hu rồi về ở với nội, tới nay cũng mười mấy năm rồi. Cha nó chết mà chưa trối lại về ý nghĩa cái tên của nó, thành thử giờ chẳng ai biết nó là con cá rô ngoài ruộng, là con át rô trong sòng bài hay là bụi ô rô ngoài biền bưng lầy lội. Bà nội lưng yếu sức mòn, lo cho nó ngày ba bữa đôi khi còn khó. Nhờ lớp học tình thương trong ấp mà nó cũng biết đôi chút chữ nghĩa, nhưng cũng dừng lại ở mức đó mà thôi.
Thằng Rô lớn lên thiếu tình thương của mẹ cha, bà nội thì bận bán buôn, không thể sát sao hôm sớm nên nó sanh hư. Mười mấy tuổi đầu mà thứ gì nó cũng biết, từ hút thuốc lá tới đánh bài, từ "chén chú chén anh" tới ăn cắp vặt. Người ngoài tới không biết chắc là ghét nó nhưng bà con trong xóm vừa sợ, vừa thương. Sợ nó ăn trộm quen tay, trộm con gà, trái bắp được thì trộm vàng trộm bạc, rồi nhà mình mất của, rồi nó tù tội cũng nên. Người ta thương nó bởi họ nghĩ rằng, nếu họ ở trong hoàn cảnh của nó chắc gì đã tốt hơn. Mỗi ngày, họ nhìn thấy thằng Rô, biết nó và hiểu nó. Từ cái biết đúng đắn mới dẫn tới tình thương trọn vẹn.
Trong vườn mất gì, họ biết chắc là thằng Rô lấy nhưng cũng không la mắng, chỉ khuyên răn: “Cần thì mày xin tao cho chứ đừng ăn cắp”. Trong xóm có việc đều kêu nó làm rồi trả công cho nó. Thằng Rô cũng giỏi, chuyện gì cũng làm được nhưng có tật làm biếng. Ngày lụng tháng qua, nó sống bình yên tới năm 20 tuổi, trong tình thương vô hình của bà con trong xóm.
Bà nội gửi nó cho ông Bảy thầu nhà, bởi giờ bà yếu rồi, nó lớn thì phải ráng đi làm để phụ bà. Nhưng thằng Rô ham chơi, làm bữa đực bữa cái. Tuần có 6 ngày nhưng nó làm có 3-4 ngày thôi, những ngày còn lại nó đau bụng, đau lưng, đau tùm lum tá lả. Thậm chí có bữa nó nói dóc bà nội bị xe đụng, ông Bảy đi thăm, gặp bà đang bán vé số ngoài ngã tư đèn đỏ. Làm phụ hồ tuy cực nhọc nhưng lương cũng khá ổn. Mỗi ngày ba trăm bảy, nếu nó làm đủ thì tới tháng cũng có dư. Mỗi tiếng đồng hồ được gần năm chục ngàn, mà đâu phải lúc nào cũng cực, gặp lúc thợ tô chỉ, trang trí thì ngồi ngủ gục luôn. Ngặt nỗi, nó vướng vô mấy món vui thú của đời, lại hay biện minh “đàn ông phải thế”. Nó cũng là nạn nhân của lòng tham. Thường thì lòng tham đẩy con người ta tới cái ác nhiều hơn là thiện.
Thằng Rô tuy cục nhớt hơi dày nhưng làm được việc, nhanh nhẹn, có sức. Ngặt nỗi hở chút là bị ông Bảy chửi như con hổng đẻ. Mà cũng phải, ổng đâu có đẻ nó, bởi vậy nó cũng "xúc" lại chứ sợ gì. Giả tỉ như bữa nay, nó trộn hồ kiểu gì mà xi măng văng cùng mình ông Bảy, ổng chửi:
- Mày đui hả mậy?
Sẵn tiện đang nóng, nó làm luôn:
- Chỗ người ta đang làm ai biểu vô đây chi rồi la.
- Chứ mày làm mắt mũi để đâu? Làm không được nghỉ mày.
- Nghỉ thì nghỉ. Chắc tui sợ ông.
- Ừ, nghỉ đi! Tao coi thử xứ địa này ai mướn mày.
Thằng Rô nghe câu đó xong đá cái thùng bê bể nát rồi cuốc bộ về, nhưng đi được một đoạn thì nó quay lại, tại nay thứ bảy. Thứ bảy máu chảy về tim, thứ bảy có lương, thứ bảy chủ nhà đãi nhậu. Đối với nghề làm hồ, nghỉ ngang ngày này là mất nhiều thứ lắm. Ông Bảy thấy vậy mỉa mai:
- Ủa, sao không về luôn đi mà quay lại đây chi?
Thằng Rô cũng không nói gì, lẳng lặng xúc đá cho vô cối đổ bê tông tiếp. Ai có ngờ chiều đó ông Bảy cho mỗi người ứng có năm trăm ngàn, cho thêm hai chục hột vịt lộn với ba lít đế. Ông Bảy còn ra luật, từ rày về sau, ai một tuần nghỉ quá 2 ngày là không trả lương. Ông làm vậy có khác nào đuổi khéo thằng Rô, nhưng nó chỉ chửi láp dáp như chó sủa ma chứ không vùng vằng đòi nghỉ như hồi sáng. Phần vì mấy ông thợ không ai nói năng gì, phần vì nó cũng thương bà nội, bà giờ hay ốm đau, cần tiền thang thuốc.
Trong tuần sau đó, thằng Rô cũng đi làm nhưng làm lơi vơi kiểu trả nợ quỷ thần. Đã vậy cứ 3 giờ chiều là chắp tay cầu trời: “Mưa đi, mưa đi cho đời culi bớt khổ”. Bởi mưa sau 3 giờ chiều thì mới được tính lương buổi đó, nghề này luôn tồn tại luật “3 lấy 2 bỏ” là vậy. Loáng thoáng lại tới thứ bảy. 9 giờ sáng, cả đội nhận hung tin chiều lại chỉ có tiền ứng. Khỏi phải nói, thằng Rô lập tức chửi cha mắng mẹ, tiếng chửi của nó giòn như cái pô xe 2 thì. Đã nửa tháng rồi nó không có một bữa nhậu ra hồn, mấy lần đi qua quán quen, các em kêu “Anh Rô! Anh Rô!” mà nó cúi đầu dông tuốt. Bữa nay, ông Bảy làm vậy có khác nào treo mỏ nó lên. Ấy vậy mà lúc vô coi công trình, ổng diện còn đẹp hơn mọi bữa, áo sơ mi bóng láng, nón bảo hộ cũng mới tinh, sổ đút túi quần. Vậy biểu nó không tức sao được. Trong đầu nó suy nghĩ muốn đấm cho ông Bảy một cái, bàn tay nó nắm chặt vô đầu giàn giáo. Nó đứng trên cao kéo bê tông như người máy, bởi trong đầu nó giờ chỉ có hình bóng ông Bảy mà thôi.
Ông Bảy đi lòng vòng một hồi thì lại coi thợ đổ kèo, chỗ thằng Rô đang làm. Nó vừa kéo thùng bê tông, vừa nhìn ông trân trân mà không biết mình đang đứng cheo leo, bàn chân nửa trong nửa ngoài. Kéo được hơn nửa đoạn đường, sức nặng của thùng bê tông làm nó chới với, theo quán tính nó buông dây, chụp tay vô giàn giáo cứu mạng mình. Thùng bê tông rớt xuống cái giàn thứ nhất rồi dội ngược lại chỗ ông Bảy đang đứng cách đó mấy thước. Dưới đất, ông Bảy bất tỉnh. Trên giàn, thằng Rô chết trân.
Nó ngồi túc trực bên giường ông Bảy, lần giở từng trang sổ chấm công lấm tấm vệt bê tông. Nhờ những năm tháng học lớp tình thương, nó chậm rãi đọc được từng số tiền mà ông Bảy chấm cho nó mỗi lúc tăng ca, tiền thưởng thêm trong những ngày đổ bê tông, thậm chí bữa nó giả bộ đạp đinh cũng tính. Bà nội kể nó nghe hết rồi, tiền lương nó làm ông Bảy đưa hết cho bà nội, bà bù thêm mua được 5 phân vàng, để dành cưới vợ cho nó. Nếu ông không làm vậy chắc giờ số tiền ấy đã đổ vào tứ đổ tường cũng nên.
Nó nhìn ra đường, nơi dòng người tan ca nườm nượp. Nó chợt thấy mình tệ quá, nếu nó chịu khó, chăm chỉ như những người công nhân kia thì bà nội đâu phải lo lắng nhiều, ông Bảy đâu phải giả đò để nó giận hờn như vậy. Đôi mắt nó rơm rớm. Trong nó bây giờ, một đứa trẻ đang thức dậy, một đứa trẻ đang lớn dần. Nó không thấy ông Bảy đã tỉnh từ lâu, bởi trong đầu nó bây giờ là hình ảnh của mình trên công trường, với lưng áo mướt mồ hôi và nụ cười đầy nhựa sống./.
Châu Thanh