Có bao giờ bạn nghe một gã gàn làm thầy giáo chưa? Hẳn là chưa nhỉ? Vậy có bao giờ bạn nghe một gã gàn mà muốn được làm thầy giáo chưa? Đó hẳn là chuyện thường rồi! Và có lẽ, bởi vì tôi quen một người như hắn nên trong tâm trí tôi lúc ấy, mọi gã thầy trên đời này hẳn đều gàn dở, vì ngay cả một kẻ gàn như gã mà được làm thầy thì ai mà làm thầy chẳng được?
Gã là thằng bạn chí thân của tôi kể từ ngày hai đứa còn nhỏ xíu. Tôi với gã thân thiết, chí chóe suốt cả ngày. Gã có giấc mơ sư phạm từ hồi còn nhỏ, chẳng lý tưởng cao xa như mang lớp học tình thương đến với trẻ em nghèo hay nghe lời cha mẹ đi đúng con đường… chỉ đơn giản là gã muốn được làm thầy. Gã khác người, khác ở chỗ hễ muốn làm gì thì sẽ làm cho bằng được và một khi hạ quyết tâm thì đừng nói là tốn bao nhiêu năm và gặp phải thất bại như thế nào, gã cũng sẽ không bỏ cuộc giữa chừng. Xét cho cùng, một người như gã cũng giỏi, cũng có chí hướng, nếu làm thầy ở một trường làng thì cũng không có gì là quá.
Tôi nhớ ngày hai đứa còn nhỏ, hay để dành tiền ăn sáng để đi ra đầu làng thuê mấy cuốn truyện tranh từ cái tiệm sách mới mở rồi lăn vô ụ rơm mà đọc. Đang đọc truyện, gã hỏi:
- Nếu được làm một vị thần, mày thích làm thần nào?
- Tao á? Thần lửa, oai phong lẫm liệt, không thì thần sấm cũng được, tao sẽ cho phóng sét xuống hết lũ thằng Di dám đánh tao hôm bữa.
- Thế á? Tao lại muốn làm tử thần.
- Mày thích “đoạt mạng” người ta hả?
- Không, vì tao thấy ông ấy là một vị thần tội nghiệp. Chẳng đau khổ nào hơn nhìn cảnh chia ly, mà cảnh đó lại do chính tay mình làm.
Thế đấy, một thằng nhóc mới tám tuổi đầu lại đi “cám cảnh” truyện tranh về một thế giới giả định nào đó mà một con người tự tạo ra. Lớn lên một chút, gã lại thích đóng cảnh một người nghèo. Nhà gã không giàu nhưng cũng đủ sống, đủ tiền trang trải cho cả mấy anh chị gã lên phố học. Ngày đó, ở quê tôi mà được lên phố học nghĩa là nhà đó dư dả lắm rồi. Thế nhưng, những năm cuối cấp hai, gã lại học đòi đi làm thêm, tí tuổi đầu, gã theo bác Ni xóm trên đi chở gạch, hí hửng dắt tôi đi ăn kem vì vài đồng lương còm cõi thậm chí không bằng tiền tiêu vặt mà mẹ gã cho.
- Mẹ mày mà biết là đánh chết! Ăn sung mặc sướng không chịu, tự nhiên đi khiêng gạch.
- Tự nhiên hôm qua tao đọc được cuốn sách kia, thấy ông tác giả sao trải nghiệm hay thật, muốn viết được như vậy hẳn cũng trải nghiệm dữ lắm. Nên tao đi làm thử.
Chỉ đơn giản là gã muốn thử cái cảm giác như người ta mà thôi. Đọc một cuốn sách thay vì khâm phục tác giả có thể tưởng tượng ra nội dung, gã lại muốn trải nghiệm cái cảm giác đó hơn. Rồi gã học sư phạm thật, tốt nghiệp và được làm thầy giáo làng thật. Sinh viên sư phạm thì ra làm thầy giáo, cái đó chẳng có gì đáng nói, nhưng ở cái làng mà một “ông giáo” mang tiếng gàn đi dạy thì mấy ai mà đi học.
Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, được giữ lại trường nhưng gã lại từ chối rồi về cái xóm nhỏ mà gã lớn lên để xin việc. Mấy ai được bằng loại giỏi mà về lại chốn quê với cái trường làng chỉ vỏn vẹn ba, bốn lớp, vậy mà gã mừng húm. Có điều, với cái lối suy nghĩ khác người từ nhỏ của gã thì xóm này ai cũng thấu nên dẫu dân quê vốn không kén chọn cũng bắt đầu học đòi những nhà trên phố đi lựa thầy. Ban đầu, người ta kiến nghị đổi thầy, trường thiếu người, phải giải thích dữ lắm, sau, không đổi được, họ cho con nghỉ hết để ra điều kiện. Gã lại bắt đầu như một ông thầy mất việc. Tôi cám cảnh:
- Mày giỏi nhưng ai biết được đâu, thôi quay lại trường cho rồi. Làm ở trường đại học vừa oai lại xứng tài, có tương lai hơn mấy cái trường này.
- Nói thế đâu được, mục đích ngày xưa tao đi học chỉ để về đây dạy, chưa làm được thì tao không muốn bỏ.
Gã đi từng nhà vận động học sinh đi học. Nhà nào đưa ra lý do bận việc đồng áng, người ta làm không xuể thì gã xắn tay vào làm phụ, nhà nào lấy lý do thiếu tiền không có tiền học thì gã lại làm đơn xin trường miễn giảm,... thậm chí có nhà chê bai học thức của gã, gã chỉ cười:
- Hồi nhỏ thì cháu gàn thật, nhưng nay cháu khác rồi!
Dần dần, cái xóm nhỏ nghe gã vận động dữ quá cũng cho vài đứa đi học lại, rồi người nọ đồn người kia, bảo gã dạy được lắm lại nhiệt tình, mấy đứa nhỏ ham học. Thế là chẳng mấy chốc, trường kín người, cái hay của thôn quê là thế! Cứ một đồn mười là chỉ một tiếng tốt cũng lan đi xa. Mà tôi công nhận gã cũng nhiệt tình, biết lắng nghe học sinh nên nhiều em hay tâm sự với gã. Như có cô bé bữa trước khóc hu hu trên lớp vì mẹ bệnh, hôm sau đi học đã nghe gã hỏi thăm: “Thế mẹ em thế nào rồi? Đỡ chưa?” làm cô bé thấy mình được quan tâm. Hay như mấy đứa con trai vốn quậy, đánh nhau. Lũ nhóc vốn vô tâm, cứ để vết thương thành thẹo, gã lại đi tìm mua được hộp dầu, đè đầu ra bắt xức.
Cách dạy học của gã cũng như vậy, đâu dễ gì được bằng loại giỏi rồi được giữ lại trường, gã dạy học sinh không phải bằng cách tiếp nhận của một người ở lứa tuổi của gã mà ở tuổi của chúng, để có thể dạy chúng cách tiếp thu tốt nhất. Cách dạy đó đôi khi rất mệt với gã vì giống như phải “thâm nhập” vào đầu óc của chúng nhưng lại giúp biết chúng nghĩ gì và cảm nhận gì. Xét cho cùng, với một thầy giáo dạy văn như gã, đó vẫn là cách tốt nhất. Và với phần lớn những người học văn bây giờ, khi tất cả văn chương đều chỉ theo khuôn mẫu, thiếu tính sáng tạo thì việc khơi gợi trí óc học sinh là điều cần thiết.
Rồi tôi bắt đầu bận rộn với cuộc sống riêng, đi công tác biền biệt, ít về quê, không còn theo dõi gã gàn năm đó của tôi sống như thế nào nữa, cho tới ngày chắc cũng độ chừng mấy năm sau, tôi về thăm quê, lại gặp gã. Gã vẫn thế, có điều trên mũi bắt đầu sắm thêm cặp kính cận dày cộp trí thức. Sau lưng gã có đeo theo một đứa nhỏ, trong khi gã cứ như tài tử đang ngồi ghế đẩu đọc kính giữa sân.
- Chào thầy giáo, mới không gặp mấy năm mà khác quá! Ra dáng giáo viên hơn rồi đó!
Gã nhìn thấy tôi, mừng rỡ rồi nhẹ nhàng kéo tay đứa nhỏ ra, hớt hải chạy lại:
- Mày đi đâu mấy năm biền biệt, giờ lại về?
- Ủa thằng cu nào thế? Con mày à? Cưới hồi nào? Không thấy mời?
- Học sinh. Trường mới mở thêm lớp, nó cứ hay qua chơi.
Tôi đứng tần ngần. Đây có phải cái gã gàn suốt ngày huyên thuyên những điều khó hiểu đấy không, nay nó làm thầy và được nhà trường tin tưởng giao cho nhiều lớp hơn. Thậm chí, nhìn cái cách mà học sinh ôm lấy gã, nhìn cái cách gã ân cần với chúng, tự nhiên thấy vai trò của một người thầy mà theo như cái cách gã gàn ấy hiểu, thấy ấm áp vô cùng. Đang nhấm nháp ly trà, gã đột nhiên bật dậy:
- Thôi chết, cơm trưa, mày ở lại ăn với tao nhé?
Bỗng từ đâu có tiếng với tới:
- Thầy, thầy! Lại nhà em nhé, cha em để dành thầy mớ cá.
Gã bật cười “ờ” một tiếng rõ to rồi kéo tay tôi:
- Được phụ huynh thương rồi thi thoảng cho mớ rau, con cá. Ở quê mà, tình làng, nghĩa xóm!
Có vẻ gã gàn của tôi không chỉ được học sinh thương mà còn được các bậc cha mẹ tin tưởng. Thực không biết gã làm thế nào nhưng đột nhiên, tôi lại thấy tự hào về gã./.
Lê Hứa Huyền Trân