Tiếng Việt | English

01/02/2018 - 09:16

Giải Búa liềm vàng: “Nóng” từ vụ Quỳnh Anh đến Trịnh Xuân Thanh

Nhiều tác phẩm đề cập công tác tổ chức, cán bộ, trong đó có vụ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh và Trần Vũ Quỳnh Anh.

Xây dựng Đảng được coi là chủ đề “khó, khô và khổ” nhưng Giải báo chí toàn quốc về công tác xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng lần thứ 2 (2017) lại ghi nhận số lượng tác phẩm đăng ký dự thi tăng gần 70% so với năm thứ nhất phát động (hơn 800 tác phẩm). Trong đó có nhiều tác phẩm thật sự xuất sắc, đề cập trực diện công tác xây dựng Đảng về tổ chức cán bộ, về đổi mới hệ thống chính trị, về chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

Tác phẩm của báo Nhân dân lọt vào chung khảo

Loạt bài viết “Bài học sâu sắc về công tác cán bộ qua vụ Trịnh Xuân Thanh” đăng hai kỳ trên Báo Nhân dân của tác giả Bắc Văn đã đi vào một “góc khuất” để lý giải bùa hộ mệnh nào đã giúp Trịnh Xuân Thanh dù lãnh đạo công ty kinh doanh thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng nhưng vẫn vượt qua được nhiều “cánh cổng” để thăng quan tiến chức thần tốc.

Bài viết đã chỉ rõ những sai phạm, yếu kém trong công tác cán bộ xảy ra ở cả cơ quan tham mưu cấp chiến lược, cơ quan quản lý nhà nước. Đó là sự vội vàng, thiếu minh bạch, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, làm trái chỉ đạo của Đảng, Nhà nước…

Từ vụ việc Trịnh Xuân Thanh với 7 cán bộ bị kỷ luật, tác giả Bắc Văn kết luận: “Trong công tác cán bộ, việc bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ, cần tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên, của ủy ban kiểm tra các cấp đối với tất cả các khâu của công tác này.

Tác phẩm Phát thanh- Truyền hình tham dự giải

Mọi dấu hiệu không bình thường cần được kịp thời xem xét, kết luận; nếu vi phạm phải xử lý công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục. Như thế mới chặn được nạn chạy chức, chạy quyền, mới chọn được cán bộ có đức, có tài thật sự”

Cũng về công tác cán bộ, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam có tác phẩm “Chọn người tài hay chọn người nhà” với thông điệp đưa ra là, liệu nhiều người thân trong một nhà cùng làm quan thì có phải là chí công vô tư khi bổ nhiệm, đề bạt. Nếu dòng họ ấy không có một người giữ chức vụ lớn, có tiếng thì liệu những người trong dòng họ có được quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm hay không? Từ những câu chuyện, những vấn đề cụ thể về công tác cán bộ tại tỉnh Quảng Nam, nhóm tác giả gợi cho người đọc nhìn rộng ra về thực trạng công tác cán bộ hiện nay.

Lần đầu đăng trên báo Thanh Niên, tác phẩm “Quan lộ thần tốc của “hot girl” xứ Thanh” đã gây bức xúc trong dư luận xã hội về trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên tạp vụ, chỉ trong một thời gian ngắn đã được sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng và liên tiếp bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng tại Sở này.

Bài báo của Thanh Niên gây bức xúc trong dư luận

Sau bài viết của tác giả Quang Hà- Thái Sơn trên báo Thanh Niên, nhiều cơ quan báo chí khác đã vào cuộc, chỉ ra hàng loạt sai phạm, khuất tất trong quá trình bổ nhiệm bà Quỳnh Anh cũng như khối tài sản “khủng” của nhân vật này. Trên cơ sở phản ánh của dư luận, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và kết quả xử lý cuối cùng là một vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã bị mất chức.

Báo Sài Gòn Giải Phóng có 4 bài liên tiếp về “Thí điểm nhất thể hóa và việc đổi mới hệ thống chính trị” của tác giả Trần Lưu, Quốc Khánh. Đây là kết quả của quá trình thâm nhập thực tế, gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc lấy ý kiến của lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đã chỉ ra những mặt được, khó khăn mà hai địa phương Hà Giang và Quảng Ninh đang gặp phải trong quá trình thực hiện chủ trương Bí thư đồng thời là chủ tịch, từ đó đặt ra yêu cầu và các giải pháp đổi mới hệ thống chính trị trong thời gian tới.

Báo Sài Gòn Giải Phóng có 4 bài về thí điểm Nhất thể hóa ở Hà Giang và Quảng Ninh

Tham gia giải Búa liềm vàng năm nay, một số tác phẩm của Đài TNVN đã lọt vào chung khảo, trong đó có loạt bài “Xã Cổ Đô, huyện Ba Vì- bất ổn ở một vùng quê”. Nhóm tác giả Sỹ Lý- Sỹ Đức đã chỉ rõ sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo xã Cổ Đô- một địa phương giàu truyền thống cách mạng, một điểm sáng về phát triển kinh tế- xã hội của nông thôn Hà Nội, dẫn đến nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, công tác dồn điển đổi thửa trở nên bết bát.

Đây là sự việc điển hình khiến tình trạng đơn thư kéo dài ngày một phức tạp. Sau khi tác phẩm lên sóng, đến nay đã có 4/5 cán bộ chủ chốt của xã bị kỷ luật. Điều này đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân xã Cổ Đô nói riêng và dư luận nói chung.

Giải Búa liềm vàng lần thứ 2 năm 2017 được phát động từ ngày 3/2/2017 do Ban Tổ chức Trung ương, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức với tổng số gần 2000 tác phẩm hợp lệ, trong đó có hơn 250 tác phẩm báo Điện tử. Sau vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã chọn được 89 tác phẩm vào vòng chung khảo và lựa chọn ra 54 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, trong đó có 6 Giải A, 8 Giải B, 15 Giải C và 25 giải khuyến khích.

Ban chỉ đạo giải Búa liềm vàng họp rà soát công việc chuẩn bị cho lễ trao giải ( Ảnh: Thế Thắng- Tạp chí Xây dựng Đảng)

Theo đánh giá của Ban tổ chức, một trong những thành công của giải là do công tác xây dựng Đảng đang được đông đảo cán bộ, đảng viên và  nhân dân quan tâm và các cơ quan báo chí tích cực hưởng ứng. Đặc biệt, tham dự giải lần này, không chỉ có các phóng viên, biên tập viên và cán bộ, đảng viên ở trong nước mà còn có một số tác phẩm do cán bộ, đảng viên đang công tác ở nước ngoài gửi về. Giải báo chí Búa liềm vàng 2017 sẽ được trao vào đúng ngày thành lập Đảng 03/02 năm nay./.

Quốc Phong/VOV.VN

Chia sẻ bài viết