Hiện nay, có 6 loại quan điểm sai trái, thù địch nổi lên: Loại tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, với biểu hiện rất đa dạng; loại chống phá sự lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; loại xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng; loại bôi nhọ nhân danh các lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng; loại lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của Đảng để xuyên tạc bản chất Đảng; loại ca ngợi chủ nghĩa tư bản với những giá trị khác nhau của nó. Phương thức chống phá của họ chủ yếu là sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội (MXH), đặc biệt là xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam,… Vì vậy, để tăng cường hiệu quả đấu tranh với những quan điểm sai trái về Đảng, lực lượng đấu tranh cần có các phương pháp đấu tranh, phê phán cụ thể, phù hợp trong thời gian tới như sau:
Một là, huy động sức mạnh tổng hợp của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia tăng cường thông tin tích cực. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của Internet và sự bùng nổ thông tin của các trang báo điện tử, nhất là các trang MXH thì người dân, nhất là giới trẻ sẽ nhanh chóng tiếp cận được những luồng thông tin, những sự kiện, vấn đề “nóng” mà dư luận xã hội quan tâm. Mũi nhọn cơ bản và tập trung hướng tới của các quan điểm sai trái, thù địch là nhằm vào khiếm khuyết, bất cập, kẽ hở trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp của Đảng và Nhà nước. Chúng lợi dụng các trang MXH, Facebook, blogger,… để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo, kêu gọi dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận,… gây nhiễu loạn tư tưởng, mất phương hướng trong đời sống xã hội. Trong khi đó, chất lượng thông tin phản ánh nhiều khi chỉ dựa trên những thông tin lan truyền trong cộng đồng dân cư hoặc MXH mà không có sự kiểm chứng, đánh giá nên giá trị sử dụng không cao. Vì vậy, lực lượng đấu tranh là toàn quân, toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị cần làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội, cung cấp kịp thời thông tin để từ đó bác bỏ luận điểm sai trái bằng cách nêu ví dụ bác bỏ. Thông tin cần đa dạng để đáp ứng yêu cầu nhiều mặt của nhân dân nhưng phải chống khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo những thị hiếu không lành mạnh. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, đúng đối tượng và đúng thời điểm. Thông tin truyền thông minh bạch, chuẩn xác, kịp thời và quyết liệt xử lý những trường hợp tung tin không chính xác, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Tăng cường công tác thông tin đại chúng như mạng lưới báo in, đài truyền hình, đài phát thanh, báo điện tử,... Phát huy vai trò của tuyên truyền miệng, thông tin nội bộ, qua đội ngũ báo cáo viên ở các cấp để phê phán quan điểm sai trái, cung cấp thông tin chính thức, chính thống và có định hướng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tăng cường hơn nữa thông tin đối ngoại. Thời gian qua, một số tổ chức chính trị, cơ quan nhà nước của nước ngoài đưa ra các văn bản phê phán Việt Nam một phần là do họ thiếu thông tin chính xác, đầy đủ về tình hình nước ta. Cũng cần coi trọng hơn nữa việc nghiên cứu dư luận xã hội để nắm bắt nhanh nhạy, phản ánh đúng thực chất, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân ta, có cơ sở để xây dựng nội dung tuyên truyền chống các luận điệu sai trái. Bởi vì, dư luận xã hội phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng sự đồng thuận xã hội. Thông qua việc cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông, dư luận xã hội đã góp phần giúp người dân có điều kiện bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,… Thông qua dư luận xã hội để biết nhân dân có ủng hộ các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước hay không? tỷ lệ ủng hộ cao hay thấp? lý do tại sao không ủng hộ,… Kết quả đó là căn cứ khoa học hết sức quan trọng để Đảng, Nhà nước điều chỉnh chủ trương, chính sách hợp lý, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.
Hai là, đổi mới phương pháp, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh. Đổi mới phương thức đấu tranh chống các quan điểm sai trái đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị phải xây dựng lực lượng của mình. Phải tiến hành đấu tranh chống các quan điểm sai trái ở từng cơ quan, từng ngành, coi đó là phương pháp tự bảo vệ mình và thông qua đây hình thành một mặt trận chung của nhiều ngành, nhiều cơ quan tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Với những quan điểm sai trái do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, do các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau thì chúng ta phải thuyết phục, trao đổi, tọa đàm chỉ ra những sai lầm, lỗ hổng, thiếu căn cứ,… trong nhận thức, lập luận để giúp họ nhận rõ tính thiếu chân thực, thiếu tính khoa học, thiếu tính khách quan, thiếu tính thực tiễn của những quan điểm của họ. Nghĩa là với những quan điểm này chúng ta phải thuyết phục, cảm hóa bằng các lập luận, luận cứ khoa học, khách quan, đầy tính thực tiễn chứ tuyệt đối không nên áp đặt chủ quan.
Kiên quyết đấu tranh với nghĩa coi đây là kẻ thù tư tưởng, quyết không nhượng bộ, thái độ phải dứt khoát “bác bỏ”, đồng loạt “lên án” trên các hội thảo, các tạp chí, các diễn đàn công khai và bán công khai. Cũng cần lưu ý rằng trong nhân dân, thậm chí cả trong cán bộ cũng có những quan điểm khác với quan điểm của Đảng, Nhà nước ta. Những quan điểm khác này không nên quy chụp ngay về chính trị. Quan điểm, ý kiến khác với quan điểm thù địch, sai trái về động cơ. Vì vậy, đối với các quan điểm khác cần đối thoại, tranh luận, thuyết phục họ, lôi kéo họ về phía ta, không nên đẩy họ ra xa mình.
Ba là, cần đổi mới tư duy lãnh, chỉ đạo quản lý thông tin điện tử, MXH và các loại hình truyền thông khác theo kịp với sự phát triển của công nghệ thông tin. Hiện nay, dưới tác động cuộc cách mạng công nghệ 4.0, công tác quản lý truyền thông ở nước ta đang gặp nhiều thách thức, phải đối mặt với các vấn đề quản lý thông tin trên một không gian “mở” nhưng “ảo”, những vấn đề về an ninh truyền thông, hacker, tin tặc, các loại tội phạm thông tin đặc biệt nguy hiểm,... Do vậy, công tác quản lý truyền thông của Việt Nam cần đổi mới quan điểm, tư duy và cách thức quản lý từ truyền thống sang hiện đại; cần học hỏi kinh nghiệm các nước về quản lý truyền thông. Khuyến khích khai thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của thông tin điện tử, MXH và các loại hình truyền thống khác trên Internet phù hợp với lợi ích cộng đồng. Coi trọng tuyên truyền, giáo dục, vận động người sử dụng Internet tuân thủ luật pháp, chuẩn mực đạo đức xã hội, văn hóa, biết phân biệt đúng - sai, thật - giả, tích cực đấu tranh phê phán các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, độc hại trên Internet đi đôi với tăng cường quản lý thông tin trên Internet. Đồng thời, tăng cường rà soát, bổ sung những chế tài đủ mạnh đối với việc đưa tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm đời tư các cá nhân, tổ chức, công dân, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và gieo rắc sản phẩm văn hóa đồi trụy.
Tóm lại, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Sự quyết tâm thực hiện một số giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chỉ rõ bản chất vấn đề, giúp nâng cao nhận thức, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, xây dựng sự đồng thuận xã hội./.
Hiệu trưởng Trường Chính trị Long An - Huỳnh Thị Thu Năm