Tiếng Việt | English

25/08/2020 - 07:30

Giải pháp số: Chìa khoá giúp du lịch Việt vượt 'bão' COVID-19 trở lại?

Virus SARS-CoV-2 trở lại lần này ở Việt Nam khiến không chỉ các doanh nghiệp nhỏ phá sản mà các “ông lớn” cũng sức cùng lực kiệt. Giờ đây, giải pháp số có là con đường giúp doanh nghiệp tự cứu mình?


Lữ hành Saigontourist đang sử dụng chatbot (trò chuyện tự động) trên trang web. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đến thời điểm này hậu quả mà đại dịch COVID-19 gây ra đối với ngành du lịch Việt Nam là không thể đong đếm. Hàng ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ tưởng chừng gắng gượng vực dậy bằng các chương trình kích cầu sau “bão COVID số 1” thì giờ đây bão số 2 ập đến tàn phá sạch những nỗ lực yếu ớt mới khởi động.

Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ phá sản mà lần này đến các “ông lớn” cũng sức cùng lực kiệt. Bài toán cơ cấu lại nguồn lực “neo thuyền vượt bão” thật khó như “tìm đường lên trời.” Và, thời điểm này chính là lúc cần lãnh đạo ngành và Chính phủ ra tay.

Từ tâm “bão COVID số 2”…

Theo thống kê từ Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, 90-95% doanh nghiệp lữ hành đã phải tạm dừng hoạt động, chỉ một số ít còn hoạt động để xử lý công nợ với đối tác; khách hàng, nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà hoặc nghỉ không hưởng lương.

Khối các cơ sở lưu trú còn khó khăn hơn. Các booking phòng từ tháng Bảy đến tháng Chín cũng như hợp đồng hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng (quy mô 30 khách trở lên) đều bị hủy. Nhiều khách sạn cho nhân viên nghỉ toàn bộ, đóng cửa, rao bán mặt bằng...

Công suất phòng hiện nay giảm hơn 90% và số lao động giảm 61% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 87,4% lao động nghỉ không lương, số còn lại chấm dứt hợp đồng lao động. Doanh nghiệp vận chuyển, khu vui chơi giải trí… cũng phải tạm dừng hoạt động vì không có khách.

Thống kê ở đầu cầu Hà Nội cũng là những có số đáng buồn. Gần như toàn bộ các công ty lữ hành, khách sạn đã tạm đóng cửa chờ hết dịch, chỉ khoảng 10% hoạt động cầm chừng; 100% hướng dẫn viên du lịch buộc phải nghỉ việc…

Đại lý vé máy bay đóng cửa khi COVID-19 trở lại. (Ảnh: Nhạc Nguyễn/Vietnam+)

Có thể nói chưa bao giờ trong cả chặng đường phát triển 60 năm, du lịch Việt lại khủng hoảng, tê liệt như bây giờ. Cơn “bão COVID-19” trở lại đã quật ngã hoàn toàn những “cơ thể thoi thóp.” Chẳng tính đến những mục tiêu đã đề ra không thể thực hiện mà nhiều kế hoạch của Tổng cục Du lịch cũng phải tạm dừng hoặc thay đổi để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Trước thực tế đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết trong số 22 đầu việc của Tổng cục Du lịch năm 2020, trừ những nhiệm vụ, hoạt động có liên quan đến tập trung đông người sẽ lùi hoặc điều chỉnh, còn những nhiệm vụ chuyên môn, trọng tâm đã phê duyệt từ đầu năm phải nỗ lực hoàn thành. Đến nay, chỉ có một số tỉnh, thành phố có người nhiễm virus SARS-CoV-2, phần lớn các khu, điểm du lịch, khách sạn vẫn mở nhưng do tâm lý e ngại dịch bệnh nên hầu như vắng khách.

…đến giải pháp số cho du lịch mùa đại dịch

Tại buổi làm việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Tổng cục Du lịch cuối tuần qua, Thứ trưởng Hùng đã khẳng định nội dung trọng tâm phải thực hiện ngay thời điểm này là ‘mục tiêu kép' theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, ngành Du lịch cần nhanh chóng xây dựng bản đồ số về du lịch an toàn và tham mưu, đề xuất những chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực giúp doanh nghiệp du lịch vượt khó.

Trong bối cảnh khó khăn giữa thời đại công nghệ 4.0, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Tổng cục Du lịch nhanh chóng phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và đưa vào sử dụng Bản đồ số du lịch an toàn. Trong đó, có các thông tin chung về điểm đến như chỗ nào an toàn, chỗ nào có dịch; điểm đến đáp ứng được những tiêu chí an toàn nào…

Các điểm đến Việt Nam đông du khách những ngày không COVID-19. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Các chỉ dẫn này vừa giúp du khách yên tâm lựa chọn vừa hỗ trợ doanh nghiệp du lịch định hướng lên kế hoạch phục hồi.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và con số thiệt hại ước tính lên tới nhiều trăm tỷ đồng, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp không chỉ cần cắt giảm nhân sự để sống sót mà muốn tồn tại, các doanh nghiệp nên cậy dựa vào sự hỗ trợ của công nghệ.

Đó chính là nhân sự ảo như chatbot tư vấn tự động có thể thay thế đến 80% công việc cơ bản của đội ngũ telesale (bán hàng qua điện thoại), chăm sóc khách hàng. Trong khi đó, công cụ quản lý CRM (Customer relationship management - Quản trị quan hệ khách hàng) ngoài việc lưu trữ và khai thác dữ liệu khách hàng còn hỗ trợ theo dõi, quản lý nhân sự kinh doanh làm việc online mùa dịch hiệu quả.

Các doanh nghiệp cũng cần tính đến phương án dùng email marketing tự động “đảm nhiệm” công việc duy trì tương tác với tệp khách cũ trong trường hợp tinh giản nhân sự; thiết kế web du lịch giúp chuẩn bị hỗ trợ bán vé, đặt tour online ngay khi thị trường có dấu hiệu “ấm” trở lại…

Nếu ứng dụng toàn bộ các công cụ này trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng,” doanh nghiệp chỉ phải chi bằng mức lương của 1 đến 2 nhân sự thực mỗi tháng. Đây thực sự là giải pháp mà các doanh nghiệp nên tính tới để tìm đường tự cứu mình./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết