Tiếng Việt | English

27/04/2022 - 13:00

Giáo dục truyền thống yêu nước qua những khu di tích lịch sử

Long An là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng; nhiều địa danh, con người nơi đây gắn liền với chiến tích anh hùng của dân tộc trong suốt quá trình khai hoang và giữ nước. Trên vùng đất rạng danh 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” này còn bảo tồn nhiều địa danh lịch sử, cách mạng. Mỗi di tích lịch sử (DTLS) là niềm tự hào, bài học lịch sử quý giá, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Mỗi khu di tích lịch sử là một niềm tự hào

Được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 2019, Khu DTLS Quốc gia khu vực Đồn Long Khốt (ấp Trung Môn, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) là một quần thể di tích văn hóa rộng lớn trên địa bàn huyện. Nơi đây trở thành điểm đến giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình (bên trái) dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia khu vực Đồn Long Khốt

DTLS Quốc gia khu vực Đồn Long Khốt là công trình có quy mô và ý nghĩa lịch sử to lớn. Đây là nơi ghi dấu những cống hiến, hy sinh của các Trung đoàn 1, 2, 3 trực thuộc Sư đoàn 5; Trung đoàn 174; quân và dân địa phương cùng các đơn vị chủ lực khác trong giai đoạn năm 1972 - 1975.

Theo thống kê, đã có hơn 1.100 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên mảnh đất này. Đây cũng là nơi ghi dấu chiến công 43 ngày đêm bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc vào năm 1978 của Bộ đội Biên phòng Long An gắn với đó là lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ vào ngày 19/5 hàng năm có giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng và quý báu.

Năm 2020, Khu DTLS Quốc gia khu vực Đồn Long Khốt được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục với tổng vốn đầu tư 54,3 tỉ đồng. Đền thờ là công trình văn hóa mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc của cấp ủy, chính quyền và người dân trong tỉnh đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Hiện tại, đây còn là nơi được lựa chọn tổ chức nhiều sự kiện lớn của tỉnh.

DTLS Khu Hội đồng Sầm (xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ) cũng là một trong những “địa chỉ đỏ”, thu hút đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), học sinh trong và ngoài huyện đến tham quan. Được công nhận DTLS cấp tỉnh năm 1994, Khu Hội đồng Sầm là địa điểm thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Long An. Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi, cách mạng miền Nam Việt Nam phát triển lên một bước mới. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời nhằm tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đoàn viên, thanh niên dâng hương tại Di tích lịch sử Khu Hội đồng Sầm

Cũng với mục tiêu ấy, vào ngày 29 và 30/12/1961, Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh được tổ chức ngay tại Khu Hội đồng Sầm. Đại hội đã bầu Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh gồm 11 thành viên. Lúc 18 giờ ngày 30/12/1961, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức míttinh ra mắt quần chúng tại Trường học xóm Công Đoàn (nay là Trường Tiểu học Bình Hòa Bắc, phân hiệu Nguyễn Văn Nguyên, xã Bình Hòa Bắc). Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh đã hoàn thành sứ mệnh tập hợp sức mạnh yêu nước - một trong những nhân tố quyết định thắng lợi trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ của địa phương.

Hiện nay, đa số các khu DTLS - văn hóa trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư trùng tu, tôn tạo nhằm phát huy giá trị, trở thành nơi để tưởng nhớ, tri ân công đức của những người anh hùng dân tộc, liệt sĩ trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người dân, nhất là tuổi trẻ ngày nay.

Giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ

Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng 91 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2022), ĐVTN Đoàn cơ sở Tỉnh đoàn, Chi đoàn Liên cơ 3, Chi đoàn Sở Tài chính, Chi đoàn Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh rất tự hào khi được đến viếng, thắp hương tại Đền tưởng niệm DTLS Khu Hội đồng Sầm và Khu DTLS Cách mạng tỉnh tại huyện Đức Huệ. Phó Bí thư Đoàn cơ sở Tỉnh đoàn - Lê Minh Mẫn cho biết: Đây là hoạt động ý nghĩa, tạo điều kiện cho ĐVTN cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng, truyền thống vẻ vang của dân tộc. Qua đó, bồi dưỡng lòng yêu nước và khơi dậy tinh phần phấn đấu lao động, góp phần xây dựng quê hương trong mỗi TN.

“Hàng năm, Đoàn cơ sở Tỉnh đoàn đều tổ chức các chuyến về nguồn, tham quan các DTLS trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sau khi đền thờ liệt sĩ DTLS Quốc gia khu vực Đồn Long Khốt khánh thành, Tỉnh đoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại đây như Hành trình “Sống mãi tuổi 20” lần thứ 4 năm 2022, để các thế hệ biết nhiều hơn về lịch sử nơi đây” - anh Mẫn cho biết thêm.

Đoàn viên, thanh niên tham quan tại Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh

Những năm qua, Huyện đoàn Cần Giuộc tích cực đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các hoạt động về nguồn, kết nạp Đoàn tại các khu DTLS trong và ngoài địa bàn huyện. Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương cho biết, hàng năm, Huyện đoàn tổ chức ít nhất 5 lần cho ĐVTN và 2 lần cho nữ cán bộ Đoàn về các khu di tích vào các ngày lễ lớn; đồng thời, lồng ghép những hoạt động văn hóa - văn nghệ - hội thi để ĐVTN tìm hiểu về lịch sử, tạo điều kiện cho ĐVTN giao lưu với những nhân chứng lịch sử và tham quan, về nguồn tại các “địa chỉ đỏ” trong, ngoài tỉnh.

Di tích Khu lưu niệm Nguyễn Thái Bình ở ấp Trị Yên, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc là di tích có giá trị lớn về mặt lịch sử, điểm đến quen thuộc của ĐVTN huyện. Đây là quê hương và cũng là địa điểm để tưởng nhớ anh Nguyễn Thái Bình - trí thức trẻ Việt Nam dám đấu tranh chống Mỹ ngay trong lòng nước Mỹ, một biểu tượng về lòng yêu nước của sinh viên Việt Nam trong mắt người yêu chuộng hòa bình.

Đoàn viên, thanh niên huyện Cần Giuộc về nguồn tại di tích Khu lưu niệm Nguyễn Thái Bình

Em Nguyễn Hoàng Thuận - học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (huyện Cần Giuộc), chia sẻ: “Trước đây, em sống tại TP.HCM. Khi chuyển về Cần Giuộc sống và đi học, em được trường, Đoàn TN tổ chức các chuyến về nguồn, tham quan các DTLS trên địa bàn huyện. Những chuyến như vậy rất ý nghĩa với em, giúp em hiểu hơn về lịch sử địa phương, tự hào truyền thống dân tộc”.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Xúc tiến Du lịch tỉnh - Lê Thị Hồng Thủy, toàn tỉnh hiện có 121 DTLS - văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 100 di tích cấp tỉnh. Việc gìn giữ, tu bổ các DTLS trên địa bàn luôn được tỉnh quan tâm. Các DTLS - văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Hiện nay, Trung tâm Thông tin, Xúc tiến Du lịch tỉnh tuyên truyền, quảng bá, phối hợp các cơ quan chuyên môn kết nối, đưa di tích vào các tuyến du lịch trong dự án phát triển du lịch của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương./.

Trần Thoa

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích