Tiếng Việt | English

03/06/2023 - 08:27

Giờ vàng trong y học

Ảnh minh họa: Internet

Giờ vàng trong y học là gì?

Thuật ngữ “Golden time” tiếng Việt là “Giờ vàng” còn gọi là  “Thời gian vàng” trong y khoa đề cập đến khoảng thời gian sau chấn thương mà khi đó điều trị y tế và phẫu thuật kịp thời sẽ có khả năng cao nhất ngăn ngừa được tử vong. Kể từ khi bị thương hoặc xuất hiện các triệu chứng của một bệnh cảnh lâm sàng nào đó, bệnh nhân phải được điều trị dứt điểm trong vòng 60 phút đầu tiên, một khi thời gian này trôi qua, nguy cơ tử vong hoặc các biến chứng lâu dài sẽ tăng lên đáng kể.

Mặc dù ban đầu Giờ vàng được xem là 60 phút nhưng khoảng thời gian chính xác trong thực hành lâm sàng lại phụ thuộc vào bản chất của chấn thương nên có thể nhiều hơn hoặc ít hơn 60 phút. Điều chắc chắn là cơ hội sống sót của người bệnh là lớn nhất nếu họ được chẩn đoán chính xác và chăm sóc đúng phương pháp trong một khoảng thời gian ngắn sau khi bị thương.

Theo y văn, nếu bị đột qụy hoặc tai nạn, thương tích nặng khiến nạn nhân ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp thì thời gian vàng  để cấp cứu là 4 phút đầu tiên. Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ trong trường hợp thiếu máu não là từ 180 phút  đến 270 phút kể từ khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện.

Thời gian vàng đối với chấn thương sọ não do tai nạn giao thông là 6 giờ tức là 360 phút.

Trong cấp cứu ngộ độc, nếu được giải độc sớm từ 48 đến 72 giờ , bệnh nhân có thể thoát khỏi tình trạng liệt, không phải thở máy hoặc bệnh nhân bắt đầu thở máy 1 đến 2 ngày (sau khi ngộ độc) mà được dùng thuốc giải độc thì trung bình 5 đến 7 ngày có thể hồi phục và cai máy thở.

Thời gian để cứu sống chi thể đứt rời có thể lên đến 12 giờ tính từ khi bị đứt đến khi khôi phục thành công tuần hoàn cho phần chi thể đứt rời, tuy nhiên chức năng có thể bị hạn chế. Thời gian này được xác định bởi khả năng tưới máu và khả năng hoại tử của chi thể. Nếu chi thể được bảo quản đúng cách, thời gian lý tưởng để nối chi thể bị đứt rời là 6 giờ tính từ lúc bị đứt đến lúc các bác sĩ khôi phục được tuần hoàn cho phần chi thể đứt rời (nhiều bệnh nhân thường nhầm lẫn với thời gian từ lúc bị đứt đến lúc vào tới khoa cấp cứu). Nếu đến muộn quá mà nối vào cơ thể thì độc chất ở chi hoại tử sẽ phóng thích vào máu, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân, do vậy bệnh nhân đến trễ thường phải bỏ phần chi bị đứt.

Trong 1 đêm trực phát thuốc cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy hơn 30 năm trước, tôi từng chứng kiến 1 anh thợ bửa củi bị lưỡi rìu chém phải ngón tay, theo kinh nghiệm dân gian bệnh nhân sơ cứu tự rửa ngón tay rời bằng nước muối loãng, bảo quản trong túi đá, ngay lập tức đi xe đò từ quê vào Bệnh viện nhưng không nối chi kịp. Bởi vì sau khi ngón tay bị đứt rời, phần đứt bị ngừng cung cấp máu, các tế bào mô sẽ dần dần tổn thương theo thời gian và chết đi. Việc bảo quản chi thể đúng cách sẽ kéo dài thời gian sống của mô, ngược lại nếu bảo quản sai phương pháp không những không bảo tồn được mô mà có thể khiến mô bị tổn thương nặng hơn. Cụ thể khi bỏ trực tiếp phần chi thể đứt rời vào nước đá dẫn đến bỏng lạnh, khi nối vào chi thể không được và bị hoại tử. Dược sĩ chỉ kịp phát cho bệnh nhân thuốc viên Nisidina là thuốc giảm đau tốt nhất lúc đó. Rơi nước mắt khi nhìn bệnh nhân ra về chấp nhận cụt ngón tay vì đã qua thời gian vàng.

Tại sao nhân viên y tế ở phòng cấp cứu dễ bị hành hung nhất?

Vì người nhà bệnh nhân trong tâm trạng lo lắng cực độ, mong muốn chúng ta có kiến thức y khoa kịp cứu chữa bệnh nhân mà có thể vì áp lực công việc, hoặc do chưa khéo léo về kỹ năng ứng xử trong tình huống cấp cứu, hoặc quy trình giải quyết thứ tự cấp cứu chưa phân loại theo thời gian vàng để xử trí ca nào trước, ca nào sau. Đặc thù của cấp cứu y khoa không có thứ tự xếp hàng ai đến trước giải quyết trước, ai đến sau giải quyết sau mà cùng 1 thời điểm sẽ cấp cứu ca nào còn trong thời hạn của giờ vàng. Nhân viên phòng nhận bệnh, phòng cấp cứu cần hòa nhã giải thích rõ cho bệnh nhân, điều này cần sự phối hợp đồng thuận giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân để kịp thời giữ lấy Giờ vàng cho từng ca bệnh./.

DSCKII. Lý Thị Nhất Định - DS. Trịnh Hồ Nam

Nguồn: American College of Surgeons (2008). Atls, Advanced Trauma Life Support Program for Doctors. Amer College of Surgeons. ISBN 978-1880696316.

Chia sẻ bài viết