Tiếng Việt | English

18/05/2020 - 20:41

Góp ý dự thảo Đề án Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Long An

Chiều 18/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Góp ý, thông qua dự thảo Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chủ trì hội nghị.

Hội nghị Góp ý, thông qua dự thảo Đề án Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Long An

Về thực trạng, hiện nay, các dịch vụ, ứng dụng thông minh trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có; hoặc nếu có cũng phát triển, xây dựng nhỏ lẻ theo các chuyên ngành của từng đơn vị; chưa có một cấu trúc tổng thể để có thể thiết lập các hệ thống thông tin liên thông, trao đổi dữ liệu với nhau nhằm phục vụ người dân và quản lý chung.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến nhiều vấn đề về phát triển đô thị cần phải giải quyết như ô nhiễm môi trường, thiếu nhà ở dân cư,... Đồng thời, việc mở rộng phát triển các đô thị đôi khi chưa tính đến việc kết nối, dự báo, dự tính giữa kết cấu hạ tầng với các xu hướng phát triển của công nghệ mới; thiếu nguồn lực để phát triển, ít hỗ trợ lan tỏa đô thị hóa dẫn đến mất cân đối về lao động và định cư.

Mục đích chung của đề án này là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; quản lý đô thị tinh gọn; bảo vệ môi trường hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh; dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện và tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm,... Trong đó, giai đoạn 2020 - 2025 tập trung triển khai mô hình điểm tại TP.Tân An, bảo đảm sẵn sàng nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh đối với một số lĩnh vực trọng yếu. Định hướng giai đoạn 2025 - 2030 sẽ mở rộng triển khai tại các đô thị có tiềm năng của tỉnh như Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc,...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Văn Cảnh phát biểu kết luận hội nghị

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh cũng phát biểu, đóng góp ý kiến vào đề án, tập trung vào các nội dung: Việc xây dựng đề án phải làm rõ mục đích, sự khác biệt trước hiện trạng để có tính thuyết phục; đánh giá đúng hiện trạng cơ sở vật chất hiện có, cần thiết phải đầu tư vấn đề gì về công nghệ thông tin; làm bật được nội dung, tầm quan trọng của thông tin kết nối, bảo đảm tính kịp thời, chuẩn xác về số liệu; có giải pháp khi triển khai thực hiện sao cho hiệu quả; bố cục đề án cần chi tiết, ngắn gọn, nêu rõ hiệu quả khi thực hiện đề án; dữ liệu của từng ngành cần được đánh giá chính xác và đặt ra mục tiêu cụ thể cho xác thực; các cơ sở dữ hạ tầng giao thông dùng chung cần sớm được tích hợp; cần đẩy mạnh chính quyền điện tử và hệ thống wifi công cộng; nên phân kỳ theo từng giai đoạn và có kế hoạch điều hành cụ thể; cần xây dựng hệ thống quản lý cho hệ thống trung tâm điều hành các thiết bị điện tử thông minh;…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh ghi nhận ý kiến của các sở, ngành liên quan, đồng thời đề nghị các sở, ngành cần nghiên cứu kỹ mục tiêu của ngành mình để góp ý, bổ sung vào dự thảo đề án cho chính xác nhất; xem xét, lấy ý kiến để thống nhất tên gọi của đề án, nhất là việc tổng hợp ý kiến của các ngành để hoàn thiện đề án.

Song song đó, xây dựng đề án phải tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, không dàn trải, khi xây dựng đề án phải bám sát vào nội dung, mục tiêu từng giai đoạn phải được cụ thể, làm rõ vai trò của trung tâm điều hành đề án, cơ sở dữ liệu các lĩnh vực trong đề án phải cụ thể. Ngoài ra, giao cho Sở Thông tin và Truyền thông thành lập ban quản lý đề án để bảo đảm thực hiện đúng lộ trình đề ra./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích