Tiếng Việt | English

10/11/2020 - 10:02

Góp ý dự thảo văn kiện đại hội XIII của Đảng: Đánh giá toàn diện, sâu sắc bức tranh KT-XH 5 năm qua

Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2020-2025 và Dự thảo Báo cáo chính trị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng một cách toàn diện, khái quát, sâu sắc, sát với tình hình thực tế, có sức thuyết phục cao đối với những thành tựu cũng như khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Phương hướng, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ tới cũng phù hợp, mang tính khả thi, trên cơ sở dự báo sát, đúng với bối cảnh, thời cơ, thuận lợi, thách thức, khó khăn của tình hình thế giới và trong nước.              

Đối với dự thảo báo cáo KT-XH 5 năm qua và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới

Tôi nhất trí cao với nhận định qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Nhận định này cũng phù hợp với nhận định chung tại Báo cáo chính trị. Còn nhận định tiếp theo nêu trong Báo cáo “tạo nhiều dấu ấn nổi bật”, theo tôi cần cân nhắc, thể hiện theo hướng khiêm tốn, sát thực tế hơn. Bởi vì, bên cạnh các thành tựu rất quan trọng, đất nước còn không ít hạn chế, khuyết điểm về KT-XH, đó là:

“Chưa tạo được đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển…; Công nghiệp vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao…; Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm lại; chất lượng nhiều dịch vụ thấp…; Nhiều doanh nghiệp nhà nước hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp,… kinh tế hợp tác phát triển yếu…; Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao…; Đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả chưa cao…; Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội…; Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt… Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”… như Báo cáo chính trị đã nêu (các trang 9, 10, 11, 14). Nếu Báo cáo đánh giá “tạo được một số dấu ấn” thì thiết nghĩ sẽ phù hợp hơn (có thể đó là: Tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn,… tỷ lệ hộ nghèo giảm khá mạnh,… công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có bước đột phá, quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, không có vùng cấm,… kiểm soát thành công đại dịch Covid-19. Đây là các thành tựu nổi bật, như là một số dấu ấn được sự thừa nhận, ngợi khen trong nước và quốc tế, đáng tin tưởng và tự hào).

Về phát triển kinh tế vùng (mục 2.4, trang 7), đề nghị bổ sung lợi thế, phát triển mạnh của Vùng đồng bằng sông Cửu Long về “sản xuất lương thực, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu” chứ không chỉ là nuôi trồng thủy sản, hải sản, cây ăn quả, du lịch như Báo cáo đã nêu.

Về tình hình văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân (mục 4): Ở đầu trang 13, đề nghị bổ sung đánh giá: Chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục 4.2 về công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đề nghị đánh giá rõ hơn đối với sự chuyển biến tích cực về chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh và y đức của đội ngũ thầy thuốc. Việc thực hiện xã hội hóa trong giáo dục và đào tạo (mục 3.2), trong công tác y tế (mục 4.3) và lĩnh vực văn hóa, thể dục - thể thao (mục 4.3) chưa được đề cao, đánh giá đúng mức, đề nghị Báo cáo bổ sung nội dung này.

Về Cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí (mục 6): Đề nghị bổ sung công tác nội chính vào tên mục này và có đánh giá hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... như đánh giá tại Báo cáo chính trị (tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan bổ trợ tư pháp… chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân…). Báo cáo có đánh giá hoạt động của các cơ quan này nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp.

Đối với các vấn đề xã hội, môi trường (mục 1.3): Cuối trang 20, Báo cáo cho là “có hiện tượng thương mại hóa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở một số nơi”. Theo tôi, nên cân nhắc nhận định này (vì nó không phổ biến lắm và vì tính nhạy cảm của vấn đề), nếu giữ lại thì thể hiện chặt chẽ hơn theo hướng có một số người lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thương mại hóa, trục lợi. Đồng thời, đề nghị Báo cáo bổ sung nhận định có hiện tượng thương mại hóa ở các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, nhất là lợi dụng chủ trương xã hội hóa để làm trái, gây bức xúc trong xã hội.

Về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí (mục 1.4): Thống nhất với nhận định “Tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn nghiêm trọng”; đồng thời, đề nghị bổ sung đánh giá “tệ tham nhũng vặt còn xảy ra khá phổ biến, gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp”.

Về nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém: Đối với nguyên nhân chủ quan: Cuối nguyên nhân về nhận thức, đề nghị bổ sung cụm từ “quốc phòng - an ninh” để thành nhận định “Chưa thống nhất trong nhận thức và hành động về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và về việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường”. Nguyên nhân cơ chế, chính sách, đề nghị bổ sung cụm từ “thiếu ổn định” để thành nhận định: “Một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, thiếu tính ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”.

Về bài học kinh nghiệm: Với bài học thứ nhất, đề nghị bổ sung cụm từ “thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc” cho đầy đủ, để nội dung của bài học này là: “Bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước”.

Ở bài học thứ tư, đề nghị bổ sung cụm từ “đồng thời đảm bảo hài hòa các lợi ích” để nội dung của phần đầu bài học này thành: “Lấy con người là trung tâm phát triển và chia sẻ những thành quả đạt được, đồng thời đảm bảo hài hòa các lợi ích của quá trình phát triển kinh tế”.

Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp 5 năm tới: Thống nhất cao với mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Có một vài góp ý cụ thể: về Mục 4 (xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị): Đề nghị thực hiện đầu tư đồng bộ ở các vùng miền, nhất là về hạ tầng giao thông ở các tỉnh phía Nam, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long (vốn còn nhiều khó khăn).

- Về mục 7 (Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc… bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội): Đề nghị bổ sung vai trò của “nhà trường” trong việc xây dựng môi trường văn hóa chứ không chỉ phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội như Báo cáo đã nêu.

- Đề nghị bổ sung nhiệm vụ chống thương mại hóa trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo.

- Về tôn giáo, dân tộc: Đề nghị bổ sung cụm từ “và tôn giáo” ở cuối trang 40, để thành: “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tôn giáo”.

- Về mục 9 (Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí): Đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng mạnh mẽ hơn về hiệu quả, đó là: Thực hiện kiên quyết, kiên trì, tạo bước đột phá về hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

- Về mục 10 (Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển): Đề nghị bổ sung nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp.

Đối với dự thảo Báo cáo chính trị

Tôi nhất trí cao với phương châm và chủ đề của Đại hội; Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và cơ đồ đất nước sau gần 35 năm đổi mới; Tầm nhìn và định hướng phát triển, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu chủ yếu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời, tôi xin có vài góp ý cụ thể:

Về một số bài học kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội XII: Ở bài học thứ nhất, đề nghị bổ sung từ “Đảng” và đưa đoạn “Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện” lên phần đầu bài học này và thể hiện lại là: “Một là, xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Chú trọng đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị,…”.

Về quan điểm chỉ đạo: Ở quan điểm thứ ba, tôi cho rằng không chỉ khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước,… khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà Báo cáo cần bổ sung cả tinh thần tự ái, sĩ diện, quyết không cam chịu đói nghèo để không hổ thẹn với tiền nhân và không tụt hậu so với các nước, nhất là đối với các cấp, các tổ chức, cá nhân lãnh đạo và thế hệ trẻ Việt Nam.

Về tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (phần X): Đề nghị bổ sung cụm từ “dự án” để đoạn văn kiện ở gần cuối trang 37 thể hiện cho đầy đủ, chặt chẽ là: “…; trong các vùng, miền, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể”.

Về mục 4: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề nghị bổ sung tinh thần tạo bước đột phá về hiệu quả của cuộc đấu tranh này như đã góp ý nêu trên (ở phần báo cáo 5 năm).

Cuối cùng, trong phần xây dựng hệ thống chính trị, cả Báo cáo 5 năm lẫn Báo cáo chính trị đều không đề cập đến các hội quần chúng (trừ việc có thể hiện một đoạn trong Báo cáo chính trị ở giữa trang 33 là: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật,…”), đề nghị Trung ương cân nhắc, bổ sung./.

Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh - Đặng Văn Xướng

Chia sẻ bài viết