Những “hạt giống đỏ” trong Cách mạng Tháng Tám
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), tháng 10/1943, chi bộ tại tỉnh lỵ Tân An (tiền thân Tỉnh ủy Tân An) được khôi phục, gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Trọng (Bí thư), Nguyễn Văn Hoằng (Ủy viên Tổ chức), Lê Minh Xuân (Ủy viên Tài chính) và 2 đồng chí Phan Văn Lại, Phạm Văn Trạch.
Cuối năm 1943, Tỉnh ủy lâm thời Tân An thành lập gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Hoằng, Lê Minh Xuân và Phạm Văn Trạch. Tháng 3/1944, Tỉnh ủy lâm thời Tân An mở hội nghị bàn kế hoạch phát triển phong trào cho kịp tình hình mới và bầu đồng chí Nguyễn Văn Trọng làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Tân An. Đầu tháng 5/1945, Đảng bộ Tân An có lực lượng bố trí ở nhiều làng. Cuối tháng 6/1945, tổ chức cách mạng phát triển nhanh trong quần chúng.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh (thứ 3, trái qua) - cháu nội đích tôn của đồng chí Nguyễn Văn Trọng vận động xây cầu, góp phần xây dựng quê hương
Tối ngày 16 và sáng ngày 17/8/1945, đồng chí Nguyễn Văn Trọng và Lê Minh Xuân thay mặt Tỉnh ủy Tân An dự hội nghị mở rộng của Xứ ủy ở Chợ Đệm. Sau hội nghị, chủ trương của Xứ ủy được truyền đạt. Tỉnh ủy Tân An họp khẩn cấp, lập Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Trọng làm Trưởng ban, đồng thời ra Nghị quyết Đỏ.
Đêm 20, sáng ngày 21/8/1945, Xứ ủy Nam kỳ họp hội nghị mở rộng lần thứ hai và ba tại Chợ Đệm, quyết định cho Tân An khởi nghĩa thí điểm. Thời điểm chuẩn bị của Tân An là đêm 21 và ngày 22/8, ngày 23/8 báo cáo. Đồng chí Nguyễn Văn Hoằng nhận mệnh lệnh của Xứ ủy về chỉ đạo khởi nghĩa thí điểm tại tỉnh Tân An.
Gần trưa ngày 21/8/1945, khi đồng chí Hoằng chưa về đến thì có tin đàng Thổ dậy. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy phán đoán và chớp thời cơ hành động, đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Lê Minh Xuân xông vào trại lính bảo an giữa lúc binh lính đang tập trung đông đủ. Các đồng chí cùng nội tuyến, chi bộ Thanh niên tước khí giới của lính, chiếm toàn bộ kho bạc và kho súng có 140 khẩu.
Sau đó, đồng chí Nguyễn Văn Trọng đến trụ sở Thanh niên Tiền phong tuyên bố “cách mạng đã giành chính quyền”, lệnh cho Thanh niên Tiền phong triển khai lực lượng, chiếm các công sở, canh gác các cầu và những nơi quan trọng; đồng chí Lê Minh Xuân lấy xe trong trại lính, cùng lực lượng có võ trang đi lùng bắt ngay số công chức chóp bu và những tên phản động.
Đến 3 giờ chiều ngày 21/8/1945, toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho bạc, công xưởng,... ở tỉnh lỵ về tay cách mạng. Sáng ngày 22/8/1945, 4.000 người với tầm vông, giáo mác, mang dấu hiệu, cờ đỏ sao vàng ở tỉnh lỵ và từ các quận Châu Thành, Thủ Thừa đổ về sân banh tham gia cuộc míttinh chào mừng cách mạng thành công. Đồng chí Nguyễn Văn Trọng đọc diễn văn mừng thắng lợi. Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Văn Hoằng, Thường vụ Tỉnh ủy phát biểu ca ngợi Đảng, nhắc nhở sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ và quần chúng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Tân An cũng ra mắt nhân dân toàn tỉnh, gồm Chủ tịch Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Đặng Văn Quỳ, Trưởng Thanh tra Nguyễn Văn Hoằng, Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc Lê Minh Xuân.
Cuộc tổng khởi nghĩa năm xưa thành công trước dự kiến của Xứ ủy giao nhờ tinh thần đấu tranh anh dũng của những “hạt giống đỏ” trong Cách mạng Tháng Tám như đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Hoằng, Lê Minh Xuân,...
Đến hậu duệ hôm nay
Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Hoằng từng sống, chiến đấu, hiện nay ở xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang do Tỉnh ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An xây tặng năm 2012. Trong ngôi nhà ấy, mỗi buổi chiều, các con của bà Nguyễn Thị Hương - con gái thứ 6 của ông Hoằng, lại thắp hương lên bàn thờ ông ngoại để ghi nhớ về nguồn cội, truyền thống gia đình.
Trong số các con của ông Hoằng, ông Nguyễn Văn Minh - người con trai đầu giác ngộ cách mạng rất sớm và có tư chất thông minh, ham học hỏi. Ông Minh hy sinh năm 1958 khi đứa con trai đầu lòng tên Nguyễn Minh Tiến mới tròn 2 tuổi. Tháng ngày trôi qua, một mình mẹ thay cha nuôi ông Tiến và 2 người chị, em gái nên người. Theo ông Tiến, ngày trước, mẹ và chú ba Quỳnh (em trai ông Minh) hay kể chuyện về ông nội, ba cho chị em ông nghe rồi dạy bảo, sống phải noi gương ông, cha, phấn đấu, góp công, góp sức xây dựng quê nhà.
Vốn được giáo dục truyền thống ông, cha từ thuở nhỏ nên hiện nay, 3 cháu nội (con ông Minh) của ông Hoằng đều lớn khôn. 2 cháu nội gái đã về hưu, một người sống chung và phụng dưỡng mẹ tại căn nhà nhỏ ở phường 2, TP.Tân An. Riêng ông Nguyễn Minh Tiến hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Long An. Ông Tiến luôn suy nghĩ: “Ông nội, cha tôi cùng đồng đội năm xưa không tiếc máu xương giải phóng đất nước để thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, độc lập; tiếp nối truyền thống gia đình, chúng tôi cũng góp phần dựng xây đất nước. Dựng xây đất nước không phải làm gì lớn lao mà là phấn đấu làm tốt công việc chuyên môn, góp một phần vào việc chăm lo sức khỏe cho người dân”. Vì vậy, suốt quá trình công tác, ông Tiến luôn nhiệt tình, tận tâm vì người bệnh, đang được đề nghị UBND tỉnh và Hội đồng cấp trên xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”.
Cũng vì tiếp nối truyền thống yêu quê hương từ ông, cha nên khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TP.HCM vào năm 1984, thay vì ở lại Sài Gòn sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi trong nghề thì ông Tiến chọn quay về Long An, phục vụ người dân quê mình.
Hai người con gái và các cháu ngoại của đồng chí Nguyễn Văn Hoằng
Còn đồng chí Nguyễn Văn Trọng, các con của ông hiện nay còn 3 người, trong đó, cô con gái thứ 9 tên Nguyễn Thị Lữ, 65 tuổi ở phường 4, TP.Tân An là người từng gần gũi với ông nhiều nhất, được ông dạy bảo biết bao điều hay, lẽ phải ở đời. Bà Lữ kể rằng: “Tôi ở chung nhà với cha, đến năm 1995, cha qua đời nên tôi được học rất nhiều điều từ phong cách sống của cha. Cha rất thanh liêm, thương người, sống giản dị và đặc biệt rất yêu nước. Chính đức tính ấy gieo vào lòng tôi ý thức, sống phải như cha để giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp từ cha”.
Học cha nhiều đức tính quý báu nên khi công tác ở Trường THCS Thống Nhất, bà luôn làm tròn trách nhiệm một nhà giáo để góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển. Bà Lữ nhớ lại: “Ngày đó, khi mới giải phóng, tôi tham gia các lớp bình dân học vụ. Sau này, trong quá trình giảng dạy, khi có những học sinh yếu, tôi chủ động sắp xếp việc nhà, ở lại thêm một giờ đồng hồ để phụ đạo cho các em. Khi ấy con tôi còn nhỏ, có hôm tôi mang con theo, mắc võng ngoài hành lang cho con ngủ để tôi bồi dưỡng kiến thức cho học sinh yếu mà không cần thù lao”.
Một đời gắn bó với sự nghiệp trồng người, bà luôn dành hết tâm huyết cho học sinh, đến khi nghỉ hưu, bà chỉ tiếc không đủ sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục. Nếu ngày trước, bà nối tiếp tâm nguyện vì nước, vì dân của cha bằng cách chăm lo cho thế hệ học sinh thì bây giờ, khi về hưu, bà chuyên tâm chăm lo cho gia đình nhỏ, dạy bảo con cháu để gia đình luôn là một tế bào lành mạnh trong dòng phát triển của xã hội.
Đồng chí Chín Trọng có 1 cháu nội đích tôn tên Nguyễn Ngọc Ánh, năm nay 60 tuổi, ở phường 6, TP.Tân An. Trước đây, ông Ánh sang Thụy Sĩ học tập, làm việc và cách đây gần 4 năm, ông quay về quê hương với suy nghĩ, tiếp tục làm theo tâm niệm của ông nội là chăm lo, dựng xây quê hương, đất nước. Ông cùng bạn bè trong nhóm từ thiện tên “Esperance” của Thụy Sĩ vận động, hỗ trợ kinh phí xây cầu, trường học cho tỉnh Kiên Giang, Đắk Lắk. Riêng ở Long An, ông vận động xây 2 cây cầu ở xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa với trị giá hơn 300 triệu đồng. Hiện nay, một cây cầu ở xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa do ông vận động, hỗ trợ cũng đang được xây dựng với số tiền 230 triệu đồng.
Ông Ngọc Ánh bộc bạch: “Những công trình xây nên với mong muốn giúp người dân, học sinh ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn trong việc đi lại sẽ được thuận lợi. Hơn nữa, khi quay về quê hương, làm được việc có ích, tôi thấy vui vì được tiếp nối truyền thống của ông nội”.
Hậu duệ của những “hạt giống đỏ” trong Cách mạng Tháng Tám năm nào, dù mỗi người mỗi việc nhưng đều là công dân tốt, sống có ích khi tiếp nối truyền thống ông cha, góp phần dựng xây quê hương, đất nước./.
Thùy Hương