Tiếng Việt | English

19/11/2015 - 13:51

Liên đoàn Lao động huyện Cần Đước, tỉnh Long An

Hiệu quả bước đầu từ mô hình “Tiếng nói người lao động”

Mô hình “Tiếng nói người lao động (NLĐ)” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Cần Đước chủ trì với các cơ quan liên tịch, các Công đoàn cơ sở, chủ các doanh nghiệp (DN) triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay. Đây là mô hình mới, mang tính sáng tạo của LĐLĐ huyện nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là NLĐ trong các cơ quan, xí nghiệp, công ty đóng trên địa bàn huyện.

Huyện Cần Đước hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) và 6 cụm công nghiệp (CCN) , trong đó trên 50 DN có từ 50 lao động trở lên đang hoạt động trong KCN Cầu Tràm và CCN Long Định, Long Cang, gần 200 DN dưới 50 lao động đang hoạt động đan xen tại các khu dân cư thu hút trên 8.000 công nhân trong và ngoài huyện có việc làm ổn định. Bên cạnh một số DN hoạt động tương đối tốt, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước và Luật DN, vẫn còn tình trạng một số DN vi phạm Luật Lao động, chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật đối với NLĐ, tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội vẫn còn xảy ra.

Một số DN né tránh thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở, gây khó khăn trong việc thực hiện chức năng chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Bên cạnh đó, một bộ phận công nhân lao động cũng chưa am hiểu pháp luật, ý thức kỷ luật chưa cao, thường hay thắc mắc về chế độ, chính sách và chế độ phúc lợi khi làm việc tại các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD),… dễ bị kích động, lôi kéo khi có chuyện bức xúc trong mối quan hệ lao động, làm cho tình hình an ninh công nhân có lúc, có nơi xảy ra phức tạp. Tình trạng đình công, lãn công của công nhân vẫn còn xảy ra làm ảnh hưởng đến sản xuất và phức tạp địa bàn.

Từ thực tế trên, LĐLĐ huyện xây dựng mô hình “Tiếng nói NLĐ” để NLĐ có nơi bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những thắc mắc phát sinh từ mối quan hệ lao động hàng ngày. Mô hình cũng sẽ tư vấn cho cả người sử dụng lao động về các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ. Mô hình này phát sóng trên Đài Truyền thanh huyện một tuần/lần thông qua Chuyên mục “Tiếng nói NLĐ” được phát vào chiều thứ tư hàng tuần với thời lượng 10 phút/chương trình và phát lại vào sáng hôm sau. Nội dung tư vấn trực tiếp hoặc tư vấn gián tiếp qua điện thoại cho NLĐ khi NLĐ có yêu cầu. Tổ chức tư vấn pháp luật tại các DN, nhà tập thể, khu nhà trọ tự quản của công nhận lao động; giải đáp và tư vấn tất cả các thắc mắc của công nhân, viên chức, người lao động và của người sử dụng lao động.

Qua hơn một năm thực hiện, mô hình “Tiếng nói NLĐ” mang lại hiệu quả tích cực. Các chủ trương, chính sách liên quan đến NLĐ được truyền tải rộng rãi trên sóng Đài Truyền thanh huyện; những thắc mắc của NLĐ được giải đáp kịp thời, thỏa đáng, từ đó giúp NLĐ an tâm gắn bó nơi mình làm việc.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết: Với đông đảo NLĐ và chủ các cơ sở SXKD, công ty, xí nghiệp đang làm việc ở các K-CCN trên địa bàn huyện, họ rất cần những thông tin chính thống liên quan chế độ, chính sách cho người NLĐ và người sử dụng lao động. Từ những kết quả bước đầu, mô hình “Tiếng nói NLĐ” tiếp tục được duy trì với nội dung và hình thức ngày càng cải tiến nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho mọi người dân trên địa bàn huyện./.

Nguyễn Văn Hồng

Chia sẻ bài viết