Tiếng Việt | English

03/12/2021 - 11:20

Họ Trương ở Cần Giuộc

Đã bao lần đi phà thị trấn Cần Giuộc - Phước Lại mà tôi không hề biết ở đây có một họ Trương danh giá như thế. Chỉ đến khi đọc tác giả Nguyễn Thị Minh viết về song thân của bà là nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh (sinh tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) và Trương Thị Sa (bà Ninh, bà Sáu, cô Sáu, sinh tại thị trấn Cần Giuộc) thì tôi mới biết và ngưỡng mộ.

Cụ Trương Điều người Phúc Kiến (Trung Quốc). Sau sự biến Thái Bình Thiên Quốc (1851-1864), mạnh ai nấy chạy trốn ra biển. Trương Điều và Hứa Hàm Ân, mỗi người một thuyền dạt vào một xứ. Hứa Hàm Ân dạt vào Ba Tri (tỉnh Bến Tre), lấy nghề bốc thuốc để sống. Cụ Nguyễn Đình Chiểu nghe tiếng thầy lang Ân giỏi, bèn đến giao du, thấy Ân đáng mặt quân tử, cụ liền gả con gái đầu là Nguyễn Ngọc Hương - chị Hai của Ngọc Khuê, tức nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Về sau, cụ Đồ có cháu ngoại là Hứa Đức Thắng (con trai của Hứa Hàm Ân) lớn lên tham gia phong trào Đông du sang Nhật, rồi học Trường võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc) đến tốt nghiệp, về nước tham gia phong trào Minh Tân do cụ Trần Chánh Chiếu làm thủ lĩnh, chống Pháp...

Bà Trương Thị Sa  - “bóng hồng” lặng lẽ  bên chồng - ông Nguyễn An Ninh (ảnh: Internet)

Trong khi Trương Điều dạt vào chợ Cần Giuộc, mở tiệm buôn vải và gánh vải đi bán dạo khắp vùng. Chủ điền Ngô Ngọc Xứng ở xã Phước Lại là khách hàng của Điều, thấy Điều dễ mến liền gả con gái là Ngô Thị Điểm cho. Đôi vợ chồng Hoa - Việt này sống rất hạnh phúc, có với nhau 5 người con (4 trai, 1 gái). Trương Thị Sa là con gái út, thứ Sáu. Trương Văn Khải là con anh cả, Trương Văn Bang là con anh thứ của Út Sa, từ nhỏ đã được cô Út chăm nuôi.

Ở quê, đời sống khó khăn nhiều bề, năm 18 tuổi, Út Sa quyết thoát cảnh nghèo, dẫn hai cháu đi Sài Gòn mưu sinh. Cô đến khu chợ Ông Lãnh mở tiệm may, chẳng mấy chốc đã nổi tiếng may đồ khéo nhất vùng, lại thêm đẹp người, đẹp nết nên thu hút đông đảo khách hàng. Khải và Bang đều được cô Sáu nuôi ăn học đầy đủ. Hàng ngày, hai cháu đều mua Báo Tiếng chuông rè (La clock Félé) của Nguyễn An Ninh về đọc cho cô Sáu nghe, nghe riết thành ghiền. Để rồi duyên phận thế nào mà cô chủ tiệm may họ Trương đã đẹp đôi với ông chủ Báo Tiếng chuông rè nổi tiếng, chớ không phải đại gia quyền thế gì. Cưới xong, cô Sáu gom hết tài sản cô tạo được ở Sài Gòn để theo chồng về Hóc Môn.

Ngay ngày đầu về làm dâu, cha chồng - cụ Nguyễn An Khương đã bảo: “Nhà này đã 3 đời hoạt động yêu nước, con nên theo nếp nhà mà sống”. Từ đó, cô Sáu tận tâm, tận lực tham gia hoạt động yêu nước với chồng. Trong khi Khải và Bang (đều 13 tuổi), ngoài giờ học thì theo dượng Sáu - Nguyễn An Ninh để nghe diễn thuyết, không bỏ sót buổi nào. Cả 2 đều coi dượng như “thần tượng”. 18 tuổi, hai anh em chú bác ruột Khải và Bang đều vào Đảng Cộng sản. 20 tuổi, cả hai đều là Tỉnh ủy viên Chợ Lớn (Cần Giuộc, Sài Gòn, Gia Định khi ấy đều thuộc tỉnh Chợ Lớn).

Năm 1933, Trương Văn Bang (22 tuổi) được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Bị kẻ phản bội chỉ điểm, thực dân Pháp bắt giam Ba Bang vào khám Lớn Sài Gòn, sau đó đày ra Côn Đảo.

Bí thư Xứ ủy - Trần Văn Giàu bị Pháp bắt, Trương Văn Bang vừa ra tù lên thay Trần Văn Giàu cho tới khi đồng chí Võ Văn Tần được vào vị trí này. Nam kỳ khởi nghĩa bùng lên, bị đàn áp dữ dội, hàng loạt cán bộ cấp ủy bị bắt. Ba Bang cũng bị giặc lùng bắt, đày đi Bà Rá cho tới tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, thừa cơ, tù nhân phá ngục thoát ra rừng. Ba Bang băng rừng, rồi cũng về tới Cần Giuộc, kịp nắm tổ chức giành lấy chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Sau đó, Ba Bang được Xứ ủy giao xây dựng bộ đội chủ lực. Trương Văn Khải đứng ra xây dựng lực lượng dân quân vũ trang. Cô Sáu và vợ Ba Bang là Nguyễn Thị Một thì làm công tác kinh tài để mua sắm lương thực và vũ khí cho các lực lượng vũ trang; đồng thời, 2 người nữ này còn vận động thành lập 2 tổ chức là Thanh niên Tiền phong và Phụ nữ Tiền phong. Lúc ấy, Sư đoàn đệ tam thân Nhật của Nguyễn Hòa Hiệp và đám quân ô hợp của tướng cướp Bảy Viễn (Bình Xuyên) đều rất kiêng sợ “Bộ đội Ba Bang” ở mặt trận số 4 Nam Sài Gòn (có lúc chúng trá hàng, rồi thực dân Pháp quay đầu lại là chúng xin theo chân giặc ngay)…

Từng là Tỉnh ủy viên Chợ Lớn kiêm Bí thư Quận ủy Cần Giuộc, nhưng Trương Văn Khải không bị tù đày như Ba Bang, là do tổ chức đã tạo cho anh cái vỏ bọc chủ xe đò đưa, đón khách Sài Gòn và các tỉnh trong vùng. Tiền sắm xe do cô Sáu bỏ ra, còn dượng Sáu - Nguyễn An Ninh thì bày cho Khải lập Hiệp hội xe đò liên quận Cần Giuộc - Cần Đước - Chợ Lớn, rồi trở thành Nghiệp đoàn xe đò liên tỉnh, quy tụ các chủ xe đò tiến bộ, bí mật đưa, đón cán bộ cách mạng chủ chốt và đồng bào các tỉnh về Sài Gòn biểu tình chống xâm lăng; thậm chí, xe đò còn chở vũ khí cho Việt Minh đánh Pháp. Anh Khải còn nhận nhiệm vụ đưa đón, chở che Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Nguyễn Thị Minh Khai từ Bắc vào, còn lạ đường. Có lúc, anh đưa đồng chí về nhà ở Cần Giuộc cho vợ anh nuôi giấu, nói là vợ bé của anh để che mắt kẻ thù.

Đồng chí Trương Văn Khải hy sinh trong một trận đánh Pháp trước năm 1954, còn đồng chí Trương Văn Bang tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954./.

Ghi chép của Quang Hảo

-----------------------------------------

Ghi chú: Dựa theo bài viết “Ba cô cháu họ Trương ở Cần Giuộc” và “Người vợ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh” của Nguyễn Thị Minh (Tạp chí Hồn Việt số tháng 3 và số tháng 10/2019).

Chia sẻ bài viết