Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Học phí, viện phí không nằm trong Luật Phí và Lệ phí

Qua giám sát thực tế và đánh giá Dự thảo Luật Phí và Lệ phí, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Dự thảo chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chỉ quy định theo nhóm, loại phí, lệ phí; chưa rõ về tên gọi với nội hàm của một số loại phí, lệ phí.

 

Vì vậy, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và để bảo đảm tính cụ thể và nhằm tránh tình trạng phụ thu, lạm bổ tạo gánh nặng đóng góp cho người dân, do đó, đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo Luật quy định chi tiết các khoản phí, lệ phí, phân loại theo nhóm ngành cụ thể.

Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi của Luật, đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn phát sinh, Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị, bổ sung điều, khoản giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh Danh mục phí, lệ phí khi Chính phủ trình và báo cáo Quốc hội.

Ủy ban Tài chính Ngân sách thống nhất với Dự thảo Luật, theo đó chỉ quy định Danh mục theo nhóm, loại phí, lệ phí như Dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết để tạo điều kiện cho Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ chủ động bổ sung, điều chỉnh các trường hợp phát sinh trong thực tiễn do sự vận động của nền kinh tế và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật

Ông Phùng Quóc Hiển cho biết, đây là ý kiến nhất trí cao của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội trong Tờ trình Luật Phí và Lệ phí, theo đó, để thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ, các khoản thu này đã được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Giá.

Cụ thể, viện phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá nhằm khuyến khích đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, đây là các lĩnh vực tác động mạnh đến đời sống của mọi tầng lớp dân cư, do vậy, đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ với Quốc hội về lộ trình, cơ chế quản lý và tác động xã hội đối với nội dung này.

Đối với Lệ phí môn bài (là khoản lệ phí mới, chuyển từ Thuế môn bài thực hiện từ năm 1983), Ủy ban cho rằng, về bản chất Thuế môn bài là khoản lệ phí thu hàng năm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh.

Trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, cơ chế quản lý, thành lập doanh nghiệp ngày càng thông thoáng thì việc chuyển Thuế môn bài sang Lệ phí môn bài nhằm thông qua công tác thu để quản lý, kiểm soát tốt hơn các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện đang hoạt động. Chính vì vậy, Ủy ban nhất trí nhất trí việc chuyển Thuế môn bài là khoản Lệ phí như Dự thảo Luật.

Việc thu Lệ phí trước bạ đi kèm với nó là Nhà nước thực hiện việc xác lập quyền sở hữu và sử dụng về tài sản của công dân. Do vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí quy định khoản thu Lệ phí trước bạ trong Danh mục lệ phí như quy định của Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách lưu ý, hiện nay cơ chế thu Lệ phí trước bạ đối với ô-tô chở người dưới 10 chỗ ngồi và xe gắn máy được quy định mức thu theo tỷ lệ khác nhau giữa các địa phương, dẫn đến thiếu thống nhất về mức thu, chưa bình đẳng về nghĩa vụ của công dân trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị, cần quy định tỷ lệ thu về một mức đối với từng loại tài sản để bảo đảm tính thống nhất, hợp lý đối với khoản thu này.

Cũng có một số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, Lệ phí trước bạ ngoài mục đích xác nhận quyền sở hữu về tài sản của công dân còn là công cụ quản lý và điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước nhằm hạn chế số lượng ô-tô, xe máy tại các thành phố và đô thị lớn, vì vậy, đề nghị giữ như quy định hiện hành.

Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh danh mục phí, lệ phí

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, phí và lệ phí là khoản thu liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân, Quốc hội ban hành luật cần quy định về Danh mục chi tiết các khoản phí, lệ phí; nguyên tắc xác định mức thu; chế độ quản lý thu, nộp và sử dụng; nguyên tắc miễn, giảm phí, lệ phí; phân cấp các loại phí, lệ phí giữa Trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, đối chiếu với Dự thảo Luật, các nội dung này chưa được thể hiện rõ trong Dự thảo Luật. Đồng thời, một số nội dung quan trọng, cơ bản đang được quy định giao Chính phủ là chưa hợp lý.

Do đó, theo ông Phùng Quốc Hiển, để bảo đảm thẩm quyền của Quốc hội, đề nghị cần quy định Danh mục chi tiết các khoản phí, lệ phí và phân cấp các loại phí và lệ phí giữa Trung ương và địa phương ngay trong Luật.

Uỷ ban Tài Chính Ngân sách cũng lưu ý, trong trường hợp do yêu cầu thực tiễn phát sinh những khoản phí, lệ phí mới hoặc bãi bỏ những khoản phí, lệ phí không phù hợp, Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh Danh mục phí, lệ phí và báo cáo Quốc hội.

Phân thẩm quyền thu phí, lệ phí cho HĐND tỉnh, thành phố

Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, Dự thảo Luật chưa quy định rõ phân cấp thẩm quyền giữa trung ương và địa phương mà giao Chính phủ quy định là chưa phù hợp. Do vậy, cần quy định rõ trong Dự thảo Luật về phân cấp cho Hội đồng nhân dân quyết định mức thu cụ thể và chế độ miễn, giảm đối với các khoản phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí do Quốc hội quyết định phù hợp với phân cấp, gắn với nhiệm vụ cụ thể của địa phương.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung thẩm quyền cho HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quyết định một số khoản phí, lệ phí ngoài Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát sinh, phù hợp với đặc điểm, điều kiện và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

TheoThái An/Nhân Dân điện tử 

Chia sẻ bài viết