Tiếng Việt | English

10/03/2017 - 09:15

Học và làm theo Bác từ những điều giản dị

Những điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác dù khác nhau về hoàn cảnh sống, nghề nghiệp, tuổi tác nhưng đều có chung tấm lòng kính yêu Bác, học tập và làm theo gương Bác từ những điều giản dị nhất trong cuộc sống hằng ngày.


Những cá nhân nhận bằng khen UBND tỉnh Long An về Học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015

Những người suốt đời yêu Bác

Gặp ông Đoàn Văn Lẳm, ở xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An trong một ngày gần đây, trông ông yếu hơn nhiều so với thời gian trước. Thế nhưng, dáng vẻ của một lão nông ngoài 90 tuổi chân chất và luôn đi chân đất thì không lẫn vào đâu được.

Biết bao năm “bám chặt” ruộng đồng với niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng; hơn ai hết, ông hiểu rõ nỗi khổ của người dân không đất đai, sống trong chiến tranh, loạn lạc và sự sung túc, an vui khi được cày cấy trên mảnh đất của mình trong hòa bình.

Chính vì thế, ông hết lòng tôn kính Bác - Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam đánh tan ách đô hộ, mang lại hòa bình, thống nhất nước nhà.


Vì tôn kính Bác, dù ngoài 90 tuổi, ông Đoàn Văn Lẳm vẫn chịu khó vượt đường xa đến dự lễ tổng kết Chỉ thị 03-CT/TW

Ông luôn dạy con cháu và thế hệ sau rằng: “Công ơn Bác sánh bằng trời, biển. Bác cũng như tổ tiên, cha mẹ của mình nên phải tôn kính Bác như tôn kính tổ tiên mình”. Ở nhà, ông lập bàn thờ Bác; suốt cuộc đời ông sống, học tập và làm theo gương Bác.

Ông nói: “Bác Hồ ngày trước hy sinh cả cuộc đời cho dân, cho nước. Học theo Bác, tôi sẵn lòng hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tư tưởng, đạo đức và phong cách, luôn tỏa sáng. Học và làm theo Bác là cách thiết thực nhất để mỗi người đóng góp một phần công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đó là nguyên nhân ông sẵn sàng đi từ Tân Thạnh đến Đồng Tháp để vận động kinh phí làm cầu, đường cho người dân. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn không hề ngơi nghỉ; không đi được xa như trước, ông kêu gọi sự ủng hộ của con cháu, những người gần gũi, thân cận và quan trọng, ông vẫn luôn là người đi đầu trong mọi công trình cần có sự tham gia của người dân. Tại địa phương, nhà ông thường là địa chỉ quen thuộc của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đến thời điểm hiện tại, ông vẫn chu cấp gạo cho một số hộ nghèo của xã. Mới đây, khi ấp tổ chức xây dựng nhà văn hóa, ông là người đầu tiên đóng góp, cùng người dân trong ấp xây dựng nhà văn hóa ấp kiên cố, thoáng mát với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng. Ông còn đóng góp các vật dụng cần thiết: Bếp, quạt,...

Với ông, được tham gia đóng góp cho các công trình, hoạt động của địa phương chính là niềm vui, là sự tự hào.

Ông luôn tâm niệm: “Tôi bây giờ còn khỏe, còn giúp được ai cứ giúp, đóng góp được gì thì đóng góp”. Vì vậy, ông luôn là người có uy tín và được chính quyền, người dân địa phương tôn trọng, tin cậy.

Chúng tôi tiếp tục về thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An để được nghe tiếp câu chuyện về nữ cán bộ hưu trí Nguyễn Thị Sen.

Hơn 80 tuổi đời, bà Sen luôn cống hiến cho quê hương mình bằng cách này hay cách khác. Khi còn trẻ, bà là cán bộ cách mạng kiên trung. Lúc về hưu, bà là cán bộ hưu trí có uy tín qua nhiều hoạt động hỗ trợ địa phương.


Bà Nguyễn Thị Sen

Vận động bêtông hóa đường giao thông nông thôn, tặng quà, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, thành lập bếp ăn từ thiện,... là những hoạt động bà Sen khởi xướng, tham gia từ lúc về hưu. Với bà, những ngày tham gia kháng chiến, được người dân chở che, đùm bọc, nên ngày nay, bà cố gắng hết sức mình để phần nào “trả” lại ơn cưu mang, giúp đỡ của nhân dân.

Bà nói: “Ngày trước, nếu không có dân, có lẽ tôi chết từ lâu rồi! Nghe theo lời dặn của Bác Hồ rằng phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân nên tôi cố gắng làm những gì có thể”.

Tuổi cao nhưng bà vẫn đến Bệnh viện Nguyễn Văn Tuyên mỗi tuần 2 lần để cùng chuẩn bị những suất ăn từ thiện cho bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân trong bệnh viện. Hàng năm, để giúp đỡ các hộ nghèo và gia đình chính sách, bà đều đứng ra vận động kinh phí tặng quà nhân các dịp lễ 30/4 hoặc 27/7.

Từng đứng trong hàng ngũ “Bộ đội Cụ Hồ”, cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, bà luôn ghi lòng, tạc dạ những lời dạy của Bác về sự tận tâm, tận lực cho nhân dân. Nên dù tuổi cao, những căn bệnh tuổi già nhiều khi “hành hạ” nhưng bà vẫn luôn cố gắng đóng góp công sức mình xây dựng quê hương.

Vì dân phục vụ

Học theo Bác tinh thần vì nhân dân phục vụ, trong vai trò người chạy xe Honda khách để mưu sinh, ông Huỳnh Tấn Nguyên, ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An góp phần cùng ngành Công an tham gia phá hàng trăm vụ án, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.


Ông Huỳnh Tấn Nguyên

Dù không được đào tạo bài bản, phương tiện trang bị cho việc bắt cướp không có gì nhưng ông trở thành một “hiệp sĩ đường phố” được nhiều người ngưỡng mộ. Ông nổi tiếng dù nhỏ người nhưng rất “liều” trong những lần xông pha vây bắt và trấn áp tội phạm. Minh chứng cho công việc đầy nguy hiểm ấy là những vết sẹo khắp tay, chân trong những lần “đấu nhau” với tội phạm.

Chọn công việc này, ông chấp nhận đối mặt với hiểm nguy rình rập. Nhưng không vì thế mà ông e ngại, chùn bước.

Ngược lại, ông tự hào cho rằng: “Tôi may mắn khi được sự hỗ trợ của chính quyền, địa phương và anh em trong Đội Dân phòng liên xã phòng, chống tội phạm nên có thêm niềm tin tiếp bước. Hơn nữa, tôi học Bác tinh thần làm việc tận tụy, vì quê hương và nhân dân nên sẽ cống hiến đến sức mòn, chân mỏi, đến khi nào địa phương không cần mình nữa mới thôi,...”.

Tinh thần và ý chí “thép” là vậy nhưng hiện nay, bước sang tuổi 60, sức khỏe ông không còn như xưa. Chứng kiến chồng mình phải thức khuya, dậy sớm, đi bất kể giờ giấc vì công việc đặc thù này, vợ ông nhiều lần lo âu, thấp thỏm. Bởi bà hiểu, trong tình hình hiện nay, bọn tội phạm thường manh động và hung dữ.

Trấn an vợ, ông mỉm cười nói: “Nếu ai cũng thấy khó khăn mà chùn bước, thấy cái xấu mà không chịu đấu tranh thì làm sao xã hội có thể tiến bộ được? Tôi sống đến độ tuổi này, phải sống làm sao cho trọn vẹn!”.

Học Bác từng ngày

Cũng như ông Lẳm, bà Sen, ông Nguyên,... ông Văn Công Trứ, ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An học Bác về tình yêu thương mọi người, quan tâm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đẩy mạnh và đạt hiệu quả, tạo sự chuyển biến đáng kể từ nhận thức đến hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, thật sự lan tỏa trong quần chúng nhân dân và hướng mạnh về cơ sở. Những mô hình, cách làm hay, các điển hình tiên tiến không ngừng phát triển, nhân rộng ở Long An. Việc học tập và làm theo Bác góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Ông là mạnh thường quân có tiếng ở địa phương. Với những người có hoàn cảnh khó khăn, ông sẵn sàng nhận giúp đỡ, hỗ trợ tiền hàng tháng cho đến khi họ vượt qua giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Không chỉ vậy, ông còn có nghĩa cử hết sức nhân đạo, đó là lo hậu sự chu toàn cho những người khó khăn, cơ nhỡ sau khi họ qua đời.

Ông chia sẻ: “Vì gia cảnh khó khăn hoặc hoàn cảnh đặc biệt gì đó mà người mất không được người thân chăm lo chu tất nên tôi cùng mọi người đứng ra giúp họ được chu toàn. Vì nghĩa tử là nghĩa tận!”. Tính đến thời điểm này, ông hỗ trợ trên 300 trường hợp và vẫn chưa có ý định dừng lại.

Ông còn là người bỏ kinh phí để tu sửa lại Tổ thuốc Đông y của xã, tạo điều kiện cho tổ hoạt động ổn định, phục vụ việc khám, phát thuốc miễn phí cho người dân địa phương.

Nói về những việc làm của mình, ông cho biết: “Tôi được biết những câu chuyện về Bác thông qua sách, báo. Trước nhân cách vĩ đại của Bác, tôi nghĩ mình cần học theo. Và tôi học từ những điều nhỏ nhất, chăm lo, giúp đỡ người khác trong điều kiện của mình có thể. Có lẽ, tôi chỉ dừng lại khi mình không làm nổi nữa thôi!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tư tưởng, đạo đức và phong cách, luôn tỏa sáng. Học và làm theo Bác là cách thiết thực nhất để mỗi người đóng góp một phần công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Thanh Nga-Phương Phương

Chia sẻ bài viết