Tiếng Việt | English

10/08/2015 - 15:41

Họp Thường vụ Quốc hội: Đề nghị vẫn thu phí lòng đường, hè phố

Cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo Luật Phí, lệ phí đề nghị giữ khoản phí lòng đường, hè phố và yêu cầu quản lý công khai, minh bạch.

Nộp phí là đảm bảo công bằng

Thảo luận về dự án Luật phí, lệ phí, có ý kiến đề nghị không thu phí lòng đường, hè phố. Trình bày báo cáo giải trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/8, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội cho rằng việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vào các mục đích khác như điểm đỗ xe ô tô...đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện khá tốt và là nguồn thu lớn của ngân sách địa phương.

Cơ quan thẩm tra dự án luật và cơ quan soạn thảo cũng thống nhất cho rằng, thực tế ở nước ta những năm gần đây cho thấy, nhu cầu sử dụng lòng đường, hè phố, đặc biệt là tại các thành phố lớn phát sinh ngày càng lớn, nhất là nhu cầu phục vụ trông giữ xe máy, ô tô, trong khi ở các thành phố lớn các bãi trông giữ xe công cộng còn hạn chế. 

Ông Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban TCSN và cơ quan soạn thảo đề nghị giữ lại khoản phí lòng đường, hè phố

Việc sử dụng lòng đường, hè phố vào mục đích khác đã được Luật Giao thông đường bộ quy định. Theo đó, giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định việc sử dụng lòng đường, hè phố phù hợp và phải đảm bảo trật tự và an toàn giao thông. Người được sử dụng lòng, hè đường phải nộp phí là đảm bảo công bằng trong việc sử dụng lòng đường, hè phố; tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Do vậy, hai cơ quan này đề nghị giữ lại khoản phí này trong Danh mục và yêu cầu các địa phương, nhất là ở các đô thị lớn cần tăng cường công tác quản lý, quy định cụ thể từng khu vực, từng tuyến phố được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố và tăng cường công tác quản lý khoản thu này bảo đảm công khai, minh bạch, tránh việc thu, sử dụng không đúng với quy định của pháp luật.

Bãi bỏ 5 khoản phí và 6 khoản lệ phí

Ông Phùng Quốc Hiển cũng cho biết, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Thường trực Ủy ban và Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát các Luật liên quan; các khoản phí, lệ phí hiện hành; các khoản phí, lệ phí được quy định tại các luật chuyên ngành để hoàn thiện Dự thảo luật và thống nhất bãi bỏ 5 khoản phí và 6 khoản lệ phí.

5 khoản phí được bãi bỏ bao gồm: Phí cấp lại thẻ bảo hiểm y tế (số thu thấp, không thu phí cấp lần đầu); phí sử dụng thông tin về tài nguyên nước; phí cung cấp thông tin về tài chính doanh nghiệp; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm (có cùng bản chất với khoản phí khai thác và sử dụng tài liệu do Nhà nước quản lý); phí thuộc lĩnh vực pháp luật và dịch vụ pháp lý khác.

Lệ phí cấp biển số nhà được bãi bỏ vì khoản thu này chỉ bù đắp chi phí gắn biển, ít phát sinh và địa phương có thể huy động hoặc chủ nhà tự mua (Ảnh minh họa)

Dự thảo bỏ lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp (cùng bản chất với khoản phí khai thác và sử dụng tài liệu do Nhà nước quản lý); lệ phí thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ và các chi phí tố tụng khác (chuyển sang phí); lệ phí cấp biển số nhà; lệ phí cấp giấy phép sử dụng con dấu; lệ phí cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Lệ phí hải quan cũng được chuyển sang phí vì theo Cam kết của Tổ chức Thương mại Quốc tế - WTO, các khoản thu liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu không nhằm mục đích NSNN; lệ phí hải quan đang được để lại cho cơ quan hải quan 100% để bù đắp chi phí cho hoạt kiểm tra hải quan nếu quy định là lệ phí thì phải nộp toàn bộ vào NSNN, điều này chưa phù hợp với Cam kết WTO).

4 khoản phí sẽ được chuyển sang giá, gồm: Phí kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc; phí kiểm tra, kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm; phí kiểm dịch y tế; phí phòng chống dịch bệnh được chuyển sang giá.

Dự thảo danh mục cũng bổ sung 6 khoản phí: Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm; phí thẩm định văn hóa phẩm; phí thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ và các chi phí tố tụng khác; phí cấp thị thực và các giấy tờ liên quan đến thị thực; phí chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự; phí hải quan./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích