Tiếng Việt | English

31/05/2017 - 20:42

Hủ tiếu sa tế Mỹ Tho: Sắc, hương, vị,... hội tụ!

Hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang) là 1 trong 3 thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng của miền Tây, bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc (Đồng Tháp) và hủ tiếu Nam Vang. Thế nhưng, cũng xuất phát từ Mỹ Tho, vẫn là hủ tiếu nhưng những ai từng có dịp thưởng thức, có lẽ sẽ không ngại ngần mà xếp thêm giải thưởng “đồng hạng” cho hủ tiếu sa tế với hương vị đặc trưng không thể nào quên được.

Hủ tiếu sa tế Mỹ Tho hội tụ đủ sắc, hương, vị vô cùng hấp dẫn

Ấn tượng đầu tiên khi thưởng thức, nhiều thực khách chắc hẳn sẽ khá bất ngờ vì hủ tiếu lại dùng kèm với đậu phộng rang, chuối chát, khế, cà chua sống thay vì rau quế, giá, hẹ như thông thường. Tô hủ tiếu bốc khói nghi ngút, trên nền màu vàng ươm của nước dùng là cà chua đỏ, rau quế, ngò gai xanh mướt cùng dưa leo, chuối chát tươi non điểm thêm chút đậu phộng rang giòn khiến thực khách đủ thỏa mãn “phần nhìn” - yếu tố quan trọng và cũng không kém phần hấp dẫn của món ăn.

Hít hà hương thơm nồng từ tô hủ tiếu nóng hổi, bốc khói nghi ngút, dù chưa biết bí quyết, thành phần của nước dùng sánh đặc, vàng ươm ấy là gì nhưng cũng mơ hồ đoán được rằng, không chỉ có sa tế mà trong đó còn hòa lẫn một vài vị thuốc Bắc như vỏ quế, đại hồi, tiểu hồi.

Húp một muỗng nước súp nóng, vị giác cũng... “bối rối” với vị cay nhẹ, beo béo, mặn, chua, ngọt thanh của tất cả các thành phần, gia vị cùng hòa quyện.

Có thể nói, để tạo được hương vị đặc trưng, không thể nhầm lẫn với bất kỳ món ăn nào khác thì nước dùng chính là “linh hồn” của hủ tiếu sa tế. Lấy vị ngọt từ nước hầm xương bò, cũng là sa tế vàng ươm nhưng nước dùng lại có vị béo, bùi từ đậu phộng rang xay, thế nên, món ăn này khó có thể nhầm lẫn với bò kho hay cà ri quen thuộc.

Nghĩ đến sa tế, có lẽ, ai cũng chuẩn bị sẵn tâm thế... hít hà với vị cay nồng từ sả, ớt. Thế nhưng, mang tiếng sa tế nhưng món ăn lại bị lấn át bởi vị ngọt đặc trưng đúng chất miền Tây, chỉ thoang thoảng một chút the the nơi đầu lưỡi!

Và, thật thiếu sót nếu không kể đến thành phần giá trị nhất của hủ tiếu sa tế, đó chính là vị mềm ngọt của thịt bò tái, dai giòn của thịt nạm gân.

Chẳng biết lý do gì, khi hủ tiếu sa tế nhất thiết phải dùng thịt bò, nhưng có lẽ, nếu dùng thịt heo hay hải sản như hủ tiếu thông thường thì sẽ trở nên “lạc quẻ”, chẳng có chút gì ấn tượng vì thịt heo không thể nào thơm ngọt sánh được với thịt bò.

Món ăn này ngon, một phần cũng nhờ sợi hủ tiếu. Sợi bánh không quá dai, không tạo cảm giác ngán mà vừa đủ mềm để hòa tan trong miệng. Gắp một đũa hủ tiếu, húp ít nước súp sền sệt đậm vị, tuy béo mà không ngán nhờ chuối chát và khế, cà chua.

Quả thực, chẳng biết món ăn này ra đời từ bao giờ, nguồn gốc ra sao nhưng những người đầu tiên sáng tạo quả thật rất tinh tế khi khéo léo kết hợp những nguyên liệu tưởng chừng không hề liên quan nhưng lại tạo cho hủ tiếu sa tế một sự khác biệt, không thể nào nhầm lẫn với bất kỳ một món ăn nào.

Dù là người miền Tây nhưng cũng khá ít người biết đến hủ tiếu sa tế. Thưởng thức món ăn này, những người không quen với sự kết hợp độc đáo, có phần... lạ lùng này nên cảm giác ban đầu chỉ thực sự ấn tượng chứ chưa “thấm” được vị ngon.

Ngoài Mỹ Tho tập trung một vài quán ăn nổi tiếng với món này thì rất khó tìm được hủ tiếu sa tế ở những tỉnh, thành lân cận. Thế nên, lỡ như “phải lòng” hơi muộn, dùng rồi mới cảm thấy thèm, thấy nhớ thì thực khách lại phải tìm đến Mỹ Tho để được thưởng thức. Để rồi, khi ăn lần thứ 2, thứ 3 thì mỗi khi có dịp đến Tiền Giang, nhất định phải ghé qua Mỹ Tho để được dùng một tô hủ tiếu sa tế!

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết