Từng bước đồng bộ hệ thống giao thông
Long An có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ TP.HCM và miền Đông Nam bộ đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại, có biên giới, cửa khẩu, cảng sông ra biển, nhất là tiếp giáp TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước nên có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Từ những tiềm năng và lợi thế đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định rõ tầm quan trọng của giao thông và tranh thủ các nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh thực hiện 3 công trình trọng điểm và 14 công trình thuộc chương trình đột phá về giao thông.
Trong 14 công trình thuộc chương trình đột phá với tổng mức đầu tư gần 5.900 tỉ đồng, hiện có 9 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả; 2 công trình chuẩn bị hoàn thành và 3 công trình sẽ hoàn thành sau năm 2020. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) còn thực hiện thêm 7 công trình cấp bách do UBND tỉnh giao, trong đó có 5 công trình đã hoàn thành và 2 công trình đang triển khai thi công, chuẩn bị hoàn thành đưa vào sử dụng.
Các công trình giao thông khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh
Với mục tiêu huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế cùng với ngân sách của Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo tập trung huy động mọi nguồn lực để cải thiện, nâng cấp các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh, tạo động lực phát triển KT-XH, nhất là thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và phát triển đô thị. Thông tin từ Sở GTVT, đến nay, mạng lưới giao thông trong tỉnh dần được xây dựng hoàn thiện, đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển, giao thương hàng hóa cũng như đi lại của người dân trong thời điểm hiện tại, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hút đầu tư.
Tiếp tục thực hiện 8 công trình giao thông đột phá giai đoạn 2020-2025
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Hoài Trung, tiếp nối thành công của nhiệm kỳ trước, thực hiện Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, ngành Giao thông đã kiến nghị danh mục đối với 8 công trình đột phá và 3 công trình trọng điểm trong giai đoạn 2020-2025. Tất cả công trình nằm trong chương trình đột phá và công trình trọng điểm được lựa chọn nằm trên địa bàn TP.Tân An và các huyện trọng điểm: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc được quy hoạch kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp, phát triển đô thị.
Theo đó, 8 công trình nằm trong chương trình đột phá về giao thông giai đoạn 2020-2025 gồm: Đường Lương Hòa - Bình Chánh, có chiều dài 6,2km, quy mô đường đô thị, nền đường rộng 60m với điểm đầu bờ sông Vàm Cỏ Đông, điểm cuối là ranh TP.HCM, 100% nguồn vốn đầu tư được huy động từ doanh nghiệp; Đường Hựu Thạnh - Tân Bửu với chiều dài 12,8km, điểm đầu giao với đường kết nối Đường tỉnh (ĐT) 830 đến đường Hải Sơn - Tân Đô, điểm cuối là cầu Tân Bửu với quy mô đường đô thị 6 làn xe cơ giới + 4 làn hỗn hợp, nền đường rộng 102m, nguồn vốn đầu tư được huy động từ doanh nghiệp; ĐT826E, đoạn từ giao ĐT826C đến cầu Cần Giuộc, chiều dài 1,6km với quy mô đường đô thị 6 làn xe, nền đường rộng 40m; Đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E với chiều dài khoảng 2km quy mô nền đường rộng 40m; trục động lực Đức Hòa, chiều dài khoảng 22km, quy mô đường đô thị 4 làn xe, nền đường rộng 33m; nâng cấp, mở rộng ĐT824 đoạn từ ngã ba Mỹ Hạnh đến cầu Kênh Ranh, chiều dài gần 2,2km, quy mô nền đường rộng 25m, mở rộng đường song hành 5m x 2 bên, mặt đường rộng 15m, 4 làn xe; đường Tân Tập - Long Hậu đoạn từ đường Vành đai 4 đến ĐT830, chiều dài 4,6km với quy mô đường cấp 3 đồng bằng và cuối cùng là nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62, TP.Tân An. Đồng thời, trong nhiệm kỳ, ngành GTVT cũng đảm nhiệm thực hiện 3 công trình trọng điểm của Đại hội gồm hoàn thành đường Vành đai TP.Tân An; ĐT830E, đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT830 và ĐT827E, đoạn từ TP.HCM đến sông Vàm Cỏ Đông.
Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Hoài Trung cho biết: “Giai đoạn 2020-2025, ước tính tổng nhu cầu vốn để triển khai, thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, đột phá khoảng 29.928 tỉ đồng với cơ cấu vốn 61,2% từ ngân sách nhà nước, tương đương 18.308 tỉ đồng và 38,8% vốn huy động từ các thành phần kinh tế, tương đương 11.620 tỉ đồng”.
Tập trung quản lý tốt các dự án giao thông
Thông tin từ Sở GTVT, giai đoạn 2020-2025, ngành Giao thông sẽ nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định trong lĩnh vực GTVT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Trong đó, tập trung quản lý, triển khai các dự án thuộc chương trình đột phá về giao thông và 3 công trình trọng điểm; tham mưu UBND tỉnh ưu tiên đầu tư các dự án phục vụ phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước một số tuyến chính bảo đảm an toàn giao thông, giảm úng ngập, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và kéo dài thời gian khai thác công trình.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Hoài Trung cho biết, tổng nhu cầu vốn để triển khai, thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, đột phá giai đoạn 2020-2025 ước khoảng 29.928 tỉ đồng
Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Hoài Trung cho biết, chương trình đột phá về giao thông trong nhiệm kỳ trước đã khẳng định hiệu quả thiết thực khi dần hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại đáp ứng thiết thực cho yêu cầu phát triển KT-XH, nhất là trong thu hút đầu tư. Cùng với đó, nhiệm kỳ này, các công trình đột phá về lĩnh vực giao thông cùng 3 công trình trọng điểm hứa hẹn sẽ “cởi trói” cho giao thông, mang lại bộ mặt mới đồng bộ, hiện đại hơn và có tính kết nối cao giữa các huyện vùng kinh tế trọng điểm với Cảng Quốc tế Long An và TP.HCM. Đồng thời, Sở cũng đang nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh triển khai 7 dự án giao thông kết nối với TP.HCM, tổng nguồn vốn ước khoảng 24.000 tỉ đồng.
“Một khi không còn trói buộc bởi các rào cản về giao thông, chắc chắn tỉnh Long An sẽ có những bước chuyển mình để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, tạo tiền đề để tỉnh giữ vững mục tiêu tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” - Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Hoài Trung khẳng định.
Bên cạnh đó, ngoài các dự án giao thông thuộc chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm giai đoạn 2020-2025, về tầm nhìn xa hơn, Sở GTVT phối hợp các ngành, địa phương và các tỉnh lân cận tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm quan tâm đầu tư các trục giao thông mang tính liên kết vùng như trục N1; nâng cấp, mở rộng trục N2; Quốc lộ 50; trục động lực ven biển nối các tỉnh duyên hải miền Tây và TP.HCM; tiếp tục quy hoạch trục cao tốc ven biển,... nhằm hoàn chỉnh hệ thống giao thông của tỉnh cũng như của khu vực các tỉnh miền Tây nối với TP.HCM, tạo động lực cho phát triển./.
Kiên Định